2 doanh nghiệp Việt đăng ký thi gạo ngon nhất thế giới

Vimoney: 2 doanh nghiệp Việt đăng ký thi gạo ngon nhất thế giới

Hai doanh nghiệp Việt đã đăng ký và đã gửi mẫu tới cuộc thi gạo ngon nhất thế giới (The World’s Best Rice).

Thông tin này đã được xác nhận bởi Giám đốc phát triển kinh doanh của The World’s Best Rice (TRT) tại Việt Nam. Được biết, cuộc thi gạo ngon nhất thế giới (The World’s Best Rice) năm nay sẽ diễn ra từ 7-9/12 tại Dubai.

Đây là sự kiện thường niên quốc tế, do The Rice Trader tại Mỹ tổ chức lần đầu vào năm 2009. Mục tiêu của cuộc thi này là tìm hướng đi và xu hướng cho thị trường lúa gạo.

Theo Giám đốc phát triển kinh doanh của The World’s Best Rice (TRT) tại Việt Nam – bà Phan Mai Hương cho hay, đơn vị đã nhận được 3 mẫu gạo của doanh nghiệp Việt. Những mẫu gạo này đã được gửi cho ban tổ chức xem xét để chấp thuận.

Bà Hương tiết lộ, 3 mẫu gạo được các doanh nghiệp trực tiếp gửi cách đây vài hôm và không thông qua bất kỳ tổ chức nào. Trong khi các năm trước đó, mẫu gạo của doanh nghiệp sẽ gửi thông qua Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Nói về nguyên nhân, theo bà Hương có thể do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cuộc thi trong nước không thể tổ chức.

Nỗi lo Việt Nam mất quyền thi gạo ngon nhất thế giới

Mặc dù mẫu gạo đã được gửi đi nhưng theo sự chia sẻ của bà Mai Hương, đến thời điểm này, TRT Việt Nam vẫn đang chờ quyết định cuối cùng về danh sách các nước tham gia The World’s Best Rice năm nay.

Ngoài việc cho biết đơn vị nỗ lực để Việt Nam có thể tham gia cuộc thi lần này, bà Hương còn bày tỏ hy vọng về việc, gạo của Việt Nam không mất quyền dự thi cuộc thi The World’s Best Rice.

Lý do bởi, hồi tháng 5, BTC của cuộc thi này đã cảnh báo về việc Việt Nam có thể mất quyền dự thi. Nguyên nhân xuất phát từ việc nhiều công ty đã tự ý gắn mác “gạo ngon nhất thế giới” trên các sản phẩm và bán ra thị trường. Hành vi này được đánh giá là sử dụng bất hợp pháp quyền sở hữu trí tuệ cũng như các quy định biểu trưng của giải thưởng “gạo ngon nhất thế giới”.

Kỹ sư Hồ Quang Cua là cha đẻ của gạo ngon nhất thế giới ST25 (Ảnh: Dân trí)

Khi vào cuộc điều tra, TRT Việt Nam cho hay, không chỉ doanh nghiệp nhỏ mà ngay cả doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã sử dụng thương hiệu, danh xưng một cách “vô tư” trên bao bì gạo để kinh doanh. Khi liên hệ làm việc, TRT chỉ nhận được những phản ứng có phần tiêu cực, thậm chí là sự phớt lờ.

Tiến hành kiểm tra các loại gạo này, TRT phát hiện nhiều loại không phải là ST25. Bà Hương đề nghị cơ quan chức năng của Việt Nam quyết liệt vào cuộc để giữ gìn thương hiệu và uy tín của gạo ngon Việt Nam. Bởi, những biểu hiện trên không chỉ vi phạm quy định của TRT mà còn lừa dối cả người tiêu dùng.

Được biết, năm 2019, tại Philippines diễn ra Hội nghị gạo thế giới TRT thường niên lần thứ 11. Gạo ST25 của Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử đã giành được giải thưởng này. Tại cuộc thi được tổ chức vào năm 2020, Việt Nam cũng giành được vị trí thứ hai.

Xây dựng thương hiệu gạo cao cấp quốc gia quan trọng hơn

Tại một bài đăng trên Vietnamnet đầu tháng 11/2021, PGS.TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, không cần quá trăn trở về việc gạo thơm Việt năm nay có được tham gia cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới hay không. Điều quan trọng là xây dựng thương hiệu gạo thơm cao cấp của Việt Nam, đem lại những giá trị cao.

Ông lấy ví dụ về việc đạt giải nhưng gạo đó của Việt Nam vẫn bán với giá chỉ 700-800 USD/tấn. Trong khi đó, Basmati của Ấn Độ dù chưa từng đạt giải thưởng của The Rice Trader, tuy nhiên giá bán trên thế giới lúc nào cũng ở mức 1.000-1.200 USD/tấn. Một ví dụ khác, gạo Calrose của Mỹ lúc nào cũng bán 900-1.000 USD/tấn dẫu chỉ có 1-2 lần đạt giải trong cuộc thi của The Rice Trader.

PGS.TS Dương Văn Chín nêu quan điểm, Việt Nam cần học cách làm của gạo Basmati Ấn Độ hay gạo Calrose của Mỹ.

Cát Anh (T/h)

Exit mobile version