Điểm mặt 20 loại thực phẩm chức năng quảng cáo sai sự thật

Điểm mặt 20 loại thực phẩm chức năng quảng cáo sai sự thật

Theo cảnh báo được phát đi từ Cục An toàn Thực phẩm, có nhiều loại thực phẩm chức năng quảng cáo sai sự thật, chưa được cơ quan quản lý xác nhận nội dung.

Nhiều thực phẩm chức năng quảng cáo sai sự thật

Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) vừa lên tiếng cảnh báo về nhiều loại thực phẩm chức năng quảng cáo sai sự thật đang được rao bán trên các website nổi tiếng.

Trong đó phải kể đến sản phẩm Medispores Biota đang được rao bán tại một số website và trang thương mại điện tử.

Sản phẩm này được quảng cáo là có tác dụng bổ sung lợi khuẩn, cải thiện tình trạng rối loạn hệ khuẩn đường ruột, tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng cho cơ thể; khắc phục các phản ứng có hại do dùng kháng sinh… Tuy nhiên, theo cơ quan quản lý, các website trên đang quảng cáo dù chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung, vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.

Không riêng gì Medispores Biota, 9 loại thực phẩm tương tự là sản phẩm men vi sinh và nhiều sản phẩm khác như: Life-Space Broad Spectrum Probiotic, Life-Space Probiotic Powder For Children, Life-Space Probiotic Powder For Baby, Calcium active Denk; Libido Lady Denk; Denk Electrolyte; Vitactive B12 Denk… cũng bị cơ quan chức năng cảnh báo về việc quảng cáo sai quy định.

Cục cũng cảnh báo các thực phẩm bảo vệ sức khỏe như Noben Kid Platinum, Phục Thần Đan cũng vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo. Theo xác định của Cục An toàn thực phẩm, các link tại các website, trang thương mại điện tử đã vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung.

Cảnh báo từ Cục An toàn Thực phẩm

Cục trưởng An toàn Thực phẩm – PGS TS Nguyễn Thanh Phong khẳng định, tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng trong thời gian qua không đúng sự thật, nội dung chưa được thẩm định. Thậm chí, quảng cáo còn sử dụng hình ảnh y bác sĩ, người nổi tiếng. Tình trạng này diễn biến rất phức tạp, nhất là trên môi trường mạng xã hội.

Ông cho rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng hiện khá đầy đủ và chặt chẽ. Nhưng ông cũng thừa nhận rằng, “vì nhiều nguyên nhân khách quan như ý thức chấp hành của doanh nghiệp, hiểu biết của người tiêu dùng, tốc độ phát triển của công nghệ… nên vấn đề quảng cáo sai phạm vẫn xảy ra”.

Cục An toàn thực phẩm cho hay đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định. Đồng thời, Cục cũng đưa ra khuyến cáo đối với người tiêu dùng, rằng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật về các sản phẩm tại các link trên để mua và sử dụng, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, kinh tế.

Exit mobile version