Sáng ngày 30/6/2022, Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans, PVT) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, thông qua kế hoạch tổng doanh thu 6.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 480 tỷ đồng – giảm 42,5% so với thực hiện trong năm 2021.
Trong năm, PVTrans dự kiến dùng 3.298,5 tỷ đồng để đầu tư. Trong đó, 2.915,5 tỷ đồng đầu tư tàu; 373 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào các đơn vị thành viên; và 10 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị.
Cụ thể, Công ty dự kiến đầu tư 1 tàu chở hàng rời khoảng 50.000 – 85.000 DWT, hoặc tàu dầu/hóa chất 10.000 – 25.000 DWT; đầu tư 1 tàu chở dầu thô khoảng 100.000 – 120.000 DWT; đầu tư 1 tàu chở dầu/HC khoảng 10.000 – 25.000 DWT; đầu tư 1 tàu chở dầu MR/LR1 khoảng 20.000 – 75.000 DWT; và đầu tư 2 tàu chở dầu/hóa chất khoảng 10.000 – 25.000 DWT.
Như vậy, ước tính trong năm 2022, PVTrans sẽ đầu tư thêm 6 tàu tại công ty mẹ, và dự kiến cho các đơn vị thành viên là đầu tư 17 tàu.
LNTT nửa đầu năm ước 500 tỷ đồng
“Năm 2022 được đánh giá là năm nhiều biến động, từ dịch Covid-19 đến căng thẳng Nga – Ukraina khiến tất cả đều biến động. Những dự báo tiếp theo về ngắn trung hạn thì không chắc chắn, chúng ta cần phải bám sát và cập nhật kịp thời, trong bối cảnh rủi ro lạm phát và suy thoái toàn cầu.
Dù vậy, với PVTrans vẫn có những cơ hội chớp được trong ngắn hạn như đạt được hợp đồng thuê với giá cước tốt, hay cơ hội để thanh lý đội tàu cũ khi giá thép tăng cao.
Nhưng thách thức vẫn có là thu xếp vốn, đầu tư tàu gặp cản trở từ lãi suất tăng, giá cước, giá đầu vào… cũng đang đồng loạt tăng. Do đó, năm 2022 tiêu chí chủ lực của PVT là vừa tăng đầu tư, tăng hiệu quả nhưng buột phải thật thận trọng”, đại diện Công ty chia sẻ tại Đại hội.
Ước tính KQKD cho 6 tháng đầu năm, PVT cho biết doanh thu 4.100 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ và thực hiện được 63% chỉ tiêu cả năm. Khấu trừ chi phí, LNTT Công ty đạt 500 tỷ đồng, tăng và thực hiện hơn 80% kế hoạch cả năm.
Kết thúc năm 2021, PVT ghi nhận doanh thu 7.716 tỷ đồng, vượt 29% kế hoạch, tăng mạnh so với năm 2020. Khấu trừ chi phí Công ty đạt 834,5 tỷ LNST, tăng mạnh và vượt đến 107% kế hoạch đề ra.
Với kết quả trên, Công ty dự chia cổ tức 10% bằng cổ phiếu, tương đương phát hành hơn 32 triệu cổ phiếu. Thời gian thực hiện trong năm 2022, vốn điều lệ nếu phát hành thành công sẽ tăng lên 3.560 tỷ đồng.
Thảo luận tại Đại hội
1. Kế hoạch vận chuyển dầu cho nhà máy Nghi Sơn 6 tháng cuối năm ra sau? Và 6 tháng đầu năm nhà máy bị hụt sản lượng có ảnh hưởng đến KQKD của PVT?
Đúng là 6 tháng qua có một số trục trặc tại Nghi Sơn, thứ nhất là một số sự cố nhỏ phát sinh trong nhà máy và thứ hai là liên quan tình hình tài chính.
Hiện, PVT đảm nhận vận chuyển chính cho sản phẩm đầu ra của Nghi Sơn, PVT cũng tham gia một phần trong công tác vận chuyển dầu thô.
Theo chúng tôi đánh giá, dù có một số trục trặc nhưng lượng hàng của một số đầu mối lớn vẫn không bị ảnh hưởng. Kế hoạch vận chuyển năm nay của PVT vào mức 560.000 tấn sẽ không bị ảnh hưởng, hoạt động 6 tháng cuối năm theo dự kiến vẫn duy trì ổn định, dù rằng sẽ có một số thời điểm có bảo trì nhỏ.
2. Giá cước tăng như thế này thì kế hoạch đầu tư tàu mới có bị ảnh hưởng không?
Năm 2022 là năm PVT đầu tư rất lớn, trong đó công ty mẹ là 6 tàu và các thành viên là 17 tàu, cực kỳ lớn. Kế hoạch này được xây từ năm 2021, và sang năm nay những biến động từ chiến tranh Nga – Ukraina, lạm phát… đúng là sẽ ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch của PVT. Nhưng cũng báo cáo cổ đông, PVT quá khứ khi đầu tư tàu thì có thể nói là “bắt đáy” thành công, chỉ 1-2 năm sau thì giá mua đã tăng mấy chục triệu USD.
Và năm 2022, dù giá cước tăng nhưng kế hoạch đầu tư ban lãnh đạo xem xét vẫn đầu tư ổn. Riêng tàu Alpha thì đúng là khó đầu tư, do tăng khá đột biến. Nhưng kế hoạch đã lập và duyệt rồi, thì chúng tôi sẽ làm vì nếu thay đổi, trì hoãn thì lại khó đầu tư được.
Thực tế, nếu tình hình tốt, PVT dự kiến đầu tư vượt kế hoạch, đâu đó 7-10 tàu. Cũng cần nhìn nhận, dù hiện giá cước, giá sắt thép tăng cao nhưng vẫn không phải khủng hoảng như năm 2007. Như vậy, so với 1-2 năm thì giá đúng cao, nhưng nếu nhìn ra khoảng thời gian dài hơn thì đầu tư hiện nay vẫn tốt.
3. PVT có được hưởng ưu đãi lãi vay khi đầu tư mở rộng đội tàu trong năm 2022 hay không?
Hiện, PVT không thuộc dạng ưu đãi vay. Chưa kể, thị trường đang siết chặt tín dụng khiến vay vốn đã khó khăn hơn.
Riêng PVT, tình hình tài chính đang tốt, việc thu xếp vốn không bị khó khăn. Năm 2022, chúng tôi cũng đã ký được các hợp đồng hạn mức tín dụng lớn, và trên cả tiền VND và tiền USD. Trong đó, khoản vat VND lãi suất tính bằng USD hay khoản vay tiền USD, thì báo cáo với cổ đông lãi suất của chúng tôi rất thấp.
Dư nợ USD tính đến cuối năm 2021 chỉ còn 51,4 triệu USD, trên tổng nợ là 5.500 – 5.600 tỷ đồng, nợ ngân hàng hơn 3.000 tỷ đồng. Như vậy, rủi ro và áp lực chênh lệch tỷ giá của PVT không đáng kể.
4. Ban lãnh đạo đánh giá thế nào về thị trường vận tải tàu? Cơ hội và thách thức thế nào?
Thị trường vận tải đang hot, với kỳ vọng sau Covid-19 thì kinh tế tăng trưởng trở lại trước những gói kích cầu lớn của các cường quốc. Nhưng, chiến tranh xảy ra, Trung Quốc lại ra chính sách Zero Covid-19 đột ngột làm giảm đi kỳ vọng… Đặc biệt, cấm vận Nga đã đảo lộn mọi thứ, kể cả thị trường vận tải.
Về cơ bản, đúng là suy thoái nhưng đến năm 2023 theo đánh giá cơ hội vẫn còn tốt.
5. 2 năm qua PVT đã giảm giá cước cho công ty trong Tập đoàn, PVT hiện có đàm phán tăng lại giá cước không khi các đơn vị đã làm ăn tốt hơn?
Thực tế, PVT chia sẻ giá dầu với các đơn vị thành viên chỉ trong ngắn hạn. Từ đầu năm 2022, thì các chi phí đã trở về bình thường.
Hiện, chi phí nhiên liệu tăng, và chi phí này đang chiếm hơn 40% tổng hoạt động, thì chúng tôi đã có thiết lập tăng lên theo giá thị trường. Khi giá dầu giảm thì hợp đồng cũng tự động giảm xuống.
6. Chiến lược mua tàu trong bối cảnh giá tàu tăng, PVT có nhận định được mức giá tàu hiện tại đã tăng bao nhiêu so với trước đó, và việc giá tàu tăng có làm ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư của PVT không?
Như đã trao đổi, kế hoạch đã lập và duyệt rồi, thì PVT vẫn sẽ làm.
7. Mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ không tăng nhiều lắm. Liệu việc giá cước tăng mạnh đã được đánh giá hết vào chỉ số chưa? Và kỳ vọng thời gian tới khi đánh giá vào thì mức tăng trưởng sẽ bao nhiêu?
Giá cước quốc tế tổng thể đang cao hơn trong nước. Nếu nói về con số chính xác thì tôi không thể chia sẻ hết được. Chỉ báo cáo hiện có một số hợp đồng đã cố định giá, còn những hợp đồng hết hạn thì đến nay phải tính theo giá cước mới.
Xét tổng quan 1-2 năm tới thì cơ bản sẽ tốt hơn năm 2021, chỉ tính trên tổng số tàu đang chạy hiện hữu.
8. Tỷ trọng doanh thu quốc tế hiện nay ra sao?
Chiếm đâu đó 60-65% so với tổng doanh thu hiện nay.
9. Biên lợi nhuận mảng dầu thô quý 1/2022 có vẻ thấp. Vậy triển vọng thời gian tới của mảng này ra sao?
Vận tải dầu thô cho Bình Sơn 6 tháng qua hoạt động rất tốt, công suất tăng lên hơn 100% đã bù lại cho sự thiếu hụt từ nhà máy Nghi Sơn.
Nửa đầu năm PVT vận chuyển cho Bình Sơn là 35 chuyến, với tổng 2,8 triệu tấn. Tôi không rõ biên cổ đông nói thấp là ở đâu, nhưng thực tế thì mảng này đang rất tốt, biên lợi nhuận theo thống kê của PVT là tăng.
10. Hiện, trên thị trường PVT đang có lợi thế gì với các đối thủ và kế hoạch lấy thêm thị phần như thế nào?
Thị trường gas thì trong nước đã bão hoà và PVT nhiều năm duy trì thị phần 100% rồi. Vài các năm gần đây, PVT cũng đã đưa mảng gas này ra quốc tế. Đội tài gas hiện nay tổng là 13-14 chiếc, hiện thị trường nước ngoài là chính.
Dù đầu tư nhưng PVT so với quốc tế vẫn còn quá nhỏ, nên chưa thể xác định đối thủ và chưa thể nói đến việc giành thị phần.
https://cafef.vn/dhdcd-pvtrans-pvt-2022-se-la-nam-dau-tu-tao-bao-voi-23-tau-moi-nhung-se-lam-mot-cach-rat-can-trong-trong-boi-canh-bien-dong-hien-nay-20220630103508544.chn