Hơn 30 công ty Trung Quốc bị Mỹ bổ sung vào danh sách đen thương mại

Hơn 30 công ty Trung Quốc bị Mỹ bổ sung vào danh sách đen thương mại

Hơn 30 công ty Trung Quốc bị Mỹ bổ sung vào danh sách đen thương mại để ngăn mua linh kiện từ Mỹ.

36 công ty Trung Quốc bị cho vào danh sách Thực thể

Bloomberg đưa tin, Bộ Thương mại Mỹ quyết định bổ sung thêm Yangtze Memory Technologies cùng với 35 công ty của Trung Quốc vào Danh sách Thực thể kể từ đầu tuần này. Trong đó, hiện Yangtze Memory Technologies đang là doanh nghiệp sản xuất chip nhớ hàng đầu của đất nước tỷ dân.

Nhiều chuyên gia cho rằng, động thái trên của Mỹ nhằm ngăn chặn các công ty Trung Quốc trong việc tiếp cận với ngành công nghiệp sản xuất linh kiện bán dẫn tại Mỹ.

Theo đó, các công ty có tên trong Danh sách Thực thể trên sẽ bị chặn mua chip hoặc bất cứ công nghệ nào từ các nhà cung cấp của Mỹ, trừ trường hợp họ có giấy phép xuất khẩu đặc biệt từ phía Bộ Thương mại.

Vào tháng 10/2022 trước đó, chính quyền của Tổng thống Biden đã công bố một loạt những hạn chế sâu rộng đối với việc mua linh kiện bán dẫn cũng như các thiết bị sản xuất chip đối với doanh nghiệp Trung Quốc. Yangtze Memory Technologies và 31 công ty khác thời điểm đó chỉ nằm trong danh sách giới hạn nhưng hiện đã bị đưa vào danh sách đen.

Yangtze Memory Technologies bị bổ sung vào danh sách đen của Mỹ.

Được biết, đại diện phía Yangtze Memory Technologies hiện chưa đưa ra bất cứ bình luận nào liên quan đến vấn đề này.

Trung Quốc kiện Mỹ lên WTO

Để phản đối các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip của Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng vừa nộp đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng, Trung Quốc đã có hành động pháp lý đúng theo khuôn khổ của WTO. Theo đó, việc làm này của Trung Quốc là cần thiết để giải quyết các lo ngại cũng như bảo vệ lợi ích hợp pháp của nước này.

Loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới được Mỹ công bố hồi tháng 10 ngăn Trung Quốc mua nhiều loại chip bán dẫn được chế tạo bằng thiết bị của Mỹ trên khắp thế giới. Có nghĩa là, các công ty trên toàn cầu sẽ không được bán chip máy tính, công nghệ bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc nếu trong sản phẩm có công nghệ Mỹ. Việc bán sẽ phải nộp đơn tới các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ để xét duyệt.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, các lệnh hạn chế của Mỹ đã “đe dọa ổn định chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu”. WTO quy định về cách giải quyết tranh chấp là, đầu tiên Trung Quốc sẽ phải “đề nghị tham vấn”, yêu cầu Mỹ cung cấp thông tin để giải quyết vấn đề một cách thân thiện.

Nhưng Mỹ chặn một số đề xuất bổ nhiệm nhân sự với bộ phận tranh chấp thương mại trong WTO, đồng nghĩa với việc một số tranh chấp sẽ không được giải quyết.

Exit mobile version