35% nhân viên bị bào mòn hứng thú công việc

Đây là một trong những kết quả trong khảo sát về thái độ nhân viên làm việc do Công ty tư vấn nhân sự Talentnet Việt Nam thực hiện.

Nhân viên cần được duy trì hứng thú công việc

Khảo sát thực hiện trong tháng 9 với khoảng 500 người tham gia và hầu hết sở hữu kinh nghiệm làm việc 1-5 năm. Phần lớn đáp viên làm việc trong lĩnh vực tiếp thị, tổ chức sự kiện, công nghệ thông tin, tài chính – ngân hàng.

Kết quả cho thấy, 36% nhân viên dưới 35 tuổi nói rằng mức độ hào hứng để bắt đầu ngày làm việc từ thấp đến rất thấp.

Những người không hào hứng khi bắt đầu ngày làm việc liệt kê rất nhiều nguyên nhân, trong đó tập trung chủ yếu vào vấn đề con người và bản chất công việc. 35% trong số này khẳng định sự hứng thú bị bào mòn theo thời gian vì công việc nhàm chán, trong khi 26% cho rằng sếp thiếu tâm lý là mấu chốt vấn đề. Tính chất công việc bị thay đổi, tâm lý bất an vì dịch bệnh cũng được nhắc đến.

Ở chiều ngược lại, chỉ khoảng một phần tư người lao động trẻ cho biết họ bắt đầu ngày làm việc mới giàu năng lượng.

Điểm chung của hai nhóm đối tượng này là hầu hết tin rằng hạnh phúc của nhân viên sẽ tác động đến sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ hạnh phúc là cơ hội phát triển nghề nghiệp, văn hoá công ty và chính sách đãi ngộ hấp dẫn. 94% người tham gia khảo sát nói rằng chế độ lương thưởng, đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm và phong cách của đội ngũ là điều quan trọng nhất xây dựng niềm cảm hứng và hạnh phúc trong công việc cho nhân viên.

Theo bà Nguyễn Thị An Hà, Giám đốc Hợp tác chiến lược Talentnet, khảo sát gợi ý cho doanh nghiệp ba vấn đề cần lưu tâm khi xây dựng chính sách nhân sự.

Thứ nhất là nên số hoá một số công việc giấy tờ, lặp đi lặp lại và cho phép nhân viên thử nghiệm các vị trí khác nhau bởi 82% người tham gia khảo sát nói rằng “được thử thách ở nhiều vai trò” tác động tích cực đến mức độ hạnh phúc, sự hào hứng trong công việc của họ.

Thứ hai, doanh nghiệp luôn cần đầu tư cho chế độ lương thưởng, an sinh cạnh tranh và xứng đáng do đây là yếu tố rất quan trọng để giữ chân nhân tài.

Thứ ba, một phần tư người tham gia không hạnh phúc trong công việc cho biết họ gặp vấn đề khi tương tác với cấp trên. Do đó, việc xây dựng đội ngũ quản lý không chỉ cần kiến thức chuyên môn, giàu kinh nghiệm mà nên có đòi hỏi năng lực thấu hiểu, chia sẻ.

Covid-19 và những thay đổi cần phải có

Covid-19 đặt ra thách thức mới cho các nhà quản lý nhân sự về việc “trấn an” người lao động khi nỗi lo lắng cho sức khỏe của bản thân và gia đình trở thành mối bận tâm hàng đầu. Lúc này, thiết thực nhất chính là hỗ trợ tiêm ngừa vaccine để nhân viên an tâm công tác.

Theo khảo sát Chính sách nhân sự giai đoạn Covid-19 lần thứ 3 của Talentnet, có đến 56% doanh nghiệp tại Việt Nam đã và đang hỗ trợ tiêm vaccine cho nhân viên và người thân của họ. Ngoài ra, một số nhà lãnh đạo “có tâm” đã không ngại mua các gói dịch vụ tư vấn và theo dõi sức khoẻ mùa dịch cho nhân viên. 

Tuy nhiên, theo bộ Y Tế, Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất mà còn có hại cho sức khoẻ tinh thần. Các nỗi sợ bị nhiễm bệnh, nỗi chán chường do mất kết nối với người xung quanh hay nỗi lo cơm áo gạo tiền… có thể dẫn đến các rối loạn về tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn sau sang chấn.

Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp có thể xem xét đưa các dịch vụ tư vấn tâm lý vào gói phúc lợi dành cho nhân viên. Việc hợp tác với các đối tác, chuyên gia chuyên về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, bảo hiểm để có những buổi chia sẻ chuyên sâu cho nhân viên cũng là hoạt động nên được ưu tiên. Trên thực tế, đây là xu hướng đã được nhiều tập đoàn lớn trên thế giới áp dụng từ trước khi đại dịch xảy ra và vẫn đang phát huy hiệu quả triệt để tới thời điểm hiện tại.

Bà Nguyễn Thị An Hà – Giám đốc Hợp tác chiến lược tại Talentnet

Bên cạnh đó, theo Forbes, sau đại dịch, khảo sát tại Mỹ cho thấy 80% người lao động mong muốn được làm từ xa 3 ngày một tuần và 92% muốn tiếp tục làm việc tại nhà mỗi tuần một ngày. Có vẻ như sau một thời gian dài làm việc tại nhà, nhiều nhân viên đã “nhập gia tuỳ tục”, thích nghi với phong cách làm việc mới và không muốn trở lại văn phòng. 

Xu hướng mới này tạo tiền đề cho doanh nghiệp phát triển các gói phúc lợi khi làm việc tại nhà. Tại Mỹ, hai “đại gia” công nghệ Shopify và Twitter tặng mỗi nhân viên “mới nhập gia” 1.000 USD cho việc trang bị không gian làm việc tại nhà(1). Động thái này không chỉ ghi điểm trong mắt đội ngũ lao động mà còn thu hút nhiều ứng viên mới.

Tại Việt Nam, theo khảo sát Chính sách nhân sự giai đoạn Covid-19 lần thứ 3 của Talentnet, nhiều doanh nghiệp cũng manh nha áp dụng các phúc lợi “tại gia” trong làn sóng  dịch thứ 3, với 34% công ty chi trả trợ cấp Internet hoặc điện thoại cho nhân viên làm việc tại nhà.

Exit mobile version