Sau khi Mỹ đạt mức lạm phát cao nhất trong 40 năm với 7%, thế giới đã rung chuyển. Tuy nhiên, giờ đây, Vương quốc Anh có thể đang theo bước Mỹ, hoặc thậm chí vượt qua Mỹ.
Financial Times đề cập đến việc Ngân hàng Trung ương Anh cảnh báo rằng tỷ lệ lạm phát ở Vương quốc Anh có thể lên tới 7,25% vào tháng 4 năm nay, và tỷ lệ lạm phát trung bình vào năm 2022 cũng sẽ vượt quá 6%.
Và cho đến nay, mức độ lạm phát ở Anh đã đến mức báo động. Tháng 11, chỉ số CPI tăng 5,1%, chạm mức cao nhất trong 10 năm, thì tháng 12, chỉ số CPI đạt mức cao kỷ lục 5,4%, mức tăng nhanh nhất trong 30 năm.
Theo Ngân hàng Trung ương Anh, lạm phát gia tăng sẽ hạn chế nghiêm trọng sức chi tiêu của người dân .
Và hiện tượng này đã lần đầu tiên hé lộ manh mối trong lĩnh vực lương thực, và việc giá lương thực tăng cao khiến người ta bắt đầu “đắn đo suy nghĩ”.
Thực phẩm tăng giá, “khủng hoảng lương thực” gia tăng
Theo Financial Times, khoảng 4,7 triệu người trưởng thành ở Anh đã trải qua “cuộc khủng hoảng lương thực” vào tháng 1/2022, chiếm khoảng 8,8% tổng dân số. Con số này đã cao hơn 20,5% so với tháng 7 năm ngoái, khi có 3,9 triệu người phải vật lộn với “cơm áo gạo tiền”.
Trong số đó, 1 triệu người trưởng thành (3,6% dân số) cho biết họ không đủ tiền mua thức ăn và phải bỏ qua một ngày không ăn trong tháng trước, so với 2,6% trong tháng 7/2021.
Anna Taylor, giám đốc điều hành của Food Foundation, cho biết điều tồi tệ hơn có thể xảy ra, “Quá nhiều gia đình đang sống trên bờ vực của cuộc khủng hoảng lo lắng về việc có đủ lương thực thức ăn trên bàn.”
Giá năng lượng tăng cao “đổ thêm dầu vào lửa”
Ngoài giá lương thực cao, chi phí năng lượng liên tục tăng cao đã khiến cuộc sống của nhiều cư dân Anh trở nên tồi tệ hơn.
Ofgem, cơ quan quản lý năng lượng của chính phủ Anh, ngày 3/2 thông báo rằng từ tháng 4, giá năng lượng sinh hoạt được các hộ gia đình ở Anh, xứ Wales và Scotland sử dụng sẽ tăng tới 54%, tức là mỗi hộ gia đình phải trả tiền gas, điện và các khoản khác trung bình hàng năm khoảng 1.971 bảng Anh, cao hơn 693 bảng Anh so với trước đây.
Thị trường hiện cho rằng sự gia tăng sẽ ảnh hưởng đến 22 triệu hộ gia đình, trong đó những người có thu nhập thấp là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ở Anh, các hộ gia đình được định nghĩa là “nghèo năng lượng” nếu họ chi hơn 10% tổng thu nhập hộ gia đình cho điện và sưởi ấm.
Trong bối cảnh giá cả các nhu yếu phẩm hàng ngày như thực phẩm và năng lượng tăng vọt, tăng lương ban đầu được coi là một cách hiệu quả để giảm bớt áp lực cuộc sống của người dân, nhưng Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey cho biết trong một cuộc phỏng vấn với báo chí rằng cần phải hạn chế “tăng lương”.
Tăng lương hay không tăng lương?
Trước tình trạng lạm phát tăng vọt, Bailey tin rằng việc tăng lương mạnh sẽ làm trầm trọng thêm lạm phát và ông hy vọng sẽ thấy được “sự kiềm chế rất rõ ràng” trong các cuộc đàm phán lương hàng năm giữa nhân viên và công ty để ngăn chặn “vòng xoáy giá lương” tăng lên.
“Vòng xoáy tiền lương – giá cả” có nghĩa là khi tiền lương không tăng theo tốc độ tăng năng suất lao động hoặc tỷ suất lợi nhuận, thì chi phí tiền lương tăng lên tất yếu sẽ buộc người sử dụng lao động phải tăng giá hàng hóa để chuyển chi phí.
Vì vậy, trong ngắn hạn, việc tăng lương sẽ có sức hấp dẫn thực sự đối với người lao động. Tuy nhiên, về lâu dài, lương tăng sẽ chỉ đơn giản là quay trở lại túi của các doanh nghiệp và tiếp tục thúc đẩy lạm phát.
Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh chính phủ cần tập trung vào việc kiểm soát lạm phát. Sự gia tăng chi phí sinh hoạt có thể sẽ không giảm bớt cho đến năm sau khi Vương quốc Anh phải đối mặt với “thời kỳ khó khăn”.
Tuy nhiên, nhiều phương tiện truyền thông như BBC và Guardian đã bình luận rằng nếu hạn chế tiền lương để kiểm soát lạm phát, giá cả có thể tăng nhanh hơn tiền lương, khiến thu nhập khả dụng của các hộ gia đình Anh giảm 2% trong năm nay, tốc độ nhanh nhất kể từ 1990 – sự sụt giảm thu nhập thực tế tồi tệ nhất từ trước đến nay.
Mặc dù Bailey cũng nhấn mạnh rằng không phải ông sẽ không tăng lương mà là ông muốn kiềm chế tình hình và hạn chế quy mô, nếu không tình hình sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát.
Nhưng dù vậy, lập luận của ông đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nghiệp đoàn ở Vương quốc Anh. Các nghiệp đoàn cho biết lạm phát tăng cao do giá năng lượng tăng cao đã khiến mức sống của các hộ gia đình ở Anh giảm mạnh nhất trong ba thập kỷ.
Điều đáng nói ở đây là mức lương hàng năm hiện tại của ông Bailey lên tới 575.538 bảng Anh, gấp hơn 18 lần mức trung bình lương của một nhân viên toàn thời gian ở Anh.