5 bí kíp để kiếm lợi nhuận khi VN-Index rơi vào thị trường gấu

5 bí kíp để kiếm lợi nhuận khi VN-Index rơi vào thị trường gấu

Nửa đầu năm 2022, thị trường chứng khoán toàn cầu giảm mạnh do lo ngại lạm phát tiếp tục tăng cao, ảnh hưởng bởi cuộc xung đột địa chính trị giữa Nga – Ukraine và việc thay đổi chính sách của các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Không nằm ngoài xu hướng tiêu cực của chứng khoán thế giới, VN-Index cũng rơi vào giai đoạn downtrend trong dài hạn khi liên tục phá vỡ các mức hỗ trợ quan trọng trước đó và ghi nhận mức giảm hơn 20% kể từ đỉnh. Thậm chí, hàng loạt cổ phiếu còn lao dốc mạnh hơn VN-Index khi mất đến 50-60% giá trị. Thị trường nhiều biến động mạnh khiến nhà đầu tư thận trọng hơn trong giao dịch, kéo theo đó là thanh khoản tụt dốc mạnh khi nhiều phiên giá trị giao dịch chỉ dưới 10.000 tỷ đồng.

Trong khi thị trường chứng khoán đi xuống, việc tìm ra cổ phiếu ngược dòng tăng giá không hề dễ dàng. Bởi tâm lý nhà đầu tư cũng trở nên dè dặt hơn khi chứng kiến nhiều “cú sốc” với những khoản thua lỗ nặng nề. Câu hỏi nhiều người quan tâm lúc này là làm sao để quản trị tốt rủi ro trên danh mục trong khi thị trường rơi vào giai đoạn “gấu”? Trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Đức Khang – Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán Pinetree đưa ra 5 bí kíp cần thiết.

Thứ nhất, rà soát lại cổ phiếu đang có trong danh mục. Để thực hiện việc rà soát này, chuyên gia cho rằng nhà đầu tư cần tự trả lời hai câu hỏi. Thứ nhất, lý do mua cổ phiếu này hiện nay có còn hợp lý không. Bởi nhiều nhà đầu tư thường mua cổ phiếu với mong muốn lướt sóng, kỳ vọng kết quả kinh doanh hay một câu chuyện tăng trưởng nào đó của doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian nhất định đầu tư cần xem xét những yếu tố kỳ vọng ban đầu có còn hợp lý không, nếu những yếu tố kỳ vọng đã không còn thì cần nhanh chóng cơ cấu danh mục. Thứ hai, tiềm năng dài hạn của cổ phiếu dang nắm giữ như thế nào. Sau khi cân đối về lý do mua cổ phiếu, nhà đầu tư cần xem xét tiềm năng trong dài hạn của cổ phiếu doanh nghiệp mình nắm giữ để có quyết định phù hợp.

Thứ hai, hạn chế margin/ đòn bẩy và kiểm soát sự tham lam trong tâm lý. Sau một khoảng thời gian thua lỗ nặng nề, nhiều nhà đầu tư thường có tâm lý “gồng lỗ” để chờ “vờ bờ” hoặc sử dụng đòn bẩy khi có cơ hội với mong muốn gỡ lại số vốn đã mất. Tuy nhiên, chuyên gia Pinetree cho rằng việc sử dụng margin ở mức cao sẽ rất rủi ro ntrong khi thị trường đi xuống.

Thứ ba, đề phòng các nhịp Bull-trap. Đặc trưng của thị trường dowtrend là các nhịp hồi thường không bền, khó giữ được nhịp tăng đến T+3 để về tài khoản. Do đó, nhà đầu tư nên mua các cổ phiếu có sẵn trong danh mục, hàng đã về và hạn chế việc tham gia bắt đáy cổ phiếu cũng như tránh việc giao dịch quá nhiều để gỡ lỗ.

Đặc biệt, nếu có lãi trong các nhịp hồi thì nên tranh thủ chốt lãi và không nên mua đuổi khi cổ phiếu hồi phục chỉ 1-2 phiên, bởi thị trường đi xuống thường rất khó có xu hướng hồi phục hình chữ V. Do đó, nếu vẫn duy trì kỳ vọng mua cao bán cao hơn thì nhà đầu tư khó có thể kiếm lợi nhuận. Nhà đầu tư cũng nên lưu ý mỗi lần bắt đáy chỉ nên tham gia tối đa 20-30% khối lượng cổ phiếu đang có.

Thứ tư, tái cơ cấu danh mục. Trong bối cảnh đó, nên hạn chế mua mới, song ông Khang cho rằng nhà đầu tư có thể đảo các cổ phiếu trong danh mục bằng cách so sánh tiềm năng dài hạn của các cổ phiếu định mua mới. Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc các cổ phiếu có mức trả cổ tức cao có hiệu quả tốt hơn trong dowtrend. Đưa ra thống kê, chuyên gia cho rằng trong 8 cuộc khủng hoảng gần nhất, những cổ phiếu có cổ tức cao thường có hiệu suất vượt trội so với những cổ phiếu khác. Tại Việt Nam, có thể so sánh mức trả cổ tức với lãi suất ngân hàng kỳ hạn 1 năm, nếu mức trả cổ tức trên 6% khá cao.

Thứ năm, cần chuẩn bị tâm lý. Bởi khi thị trường ở đáy tâm lý nhà đầu tư nên bình tĩnh hơn để tránh việc bán cổ phiếu ngay tại đáy của thị trường. Khi mọi người chán nản sẽ không còn cung để bán ra và đó cũng là thời điểm thị trường tạo đáy.

https://cafef.vn/5-bi-kip-de-kiem-loi-nhuan-khi-vn-index-roi-vao-thi-truong-gau-20220718115658731.chn

Exit mobile version