5 lý do khiến VN-Index mất 67 điểm, vốn hóa thị trường bốc hơi tỷ đô chỉ sau 3 phiên?

ViMoney: Áp lực nào khiến VN-Index mất 67 điểm, vốn hóa thị trường bốc hơi tỷ đô chỉ sau 3 phiên?

VN-Index rơi 67 điểm chỉ trong 3 phiên giao dịch

Phiên giao dịch ngày 12/4 diễn biến rất tiêu cực khi lực bán tăng mạnh cuối phiên chiều trong khi dòng tiền bắt đáy vẫn chưa vào khiến cho gần 100 cổ phiếu “nằm sàn”, hiện tượng hiếm gặp trên sàn chứng khoán dù điểm số không phải là giảm kỷ lục. VN-Index giảm gần 27 điểm xuống 1.455 điểm, trong khi VN30 giảm 17 điểm xuống 1.507 điểm. Thanh khoản của HOSE đạt 21.282 tỷ đồng trong khi VN30 thanh khoản khá thấp đạt 7.941 điểm. Thị trường chìm sâu trong sắc đỏ với 958 mã giảm, trong đó có 99 cổ phiếu giảm sàn. Một hiện tượng hiếm gặp trên HOSE dù số điểm giảm chưa phải là kỷ lục.

Mất 67 điểm chỉ trong 3 phiên giao dịch, thị trường giảm điểm gây sốc với đa số giới đầu tư khi đa số đã rơi vào thua lỗ ngắn hạn. HOSE đã bị bốc hơi 265.700 tỷ đồng sau 3 phiên giao dịch, tương ứng 11,5 tỷ USD.

Nhiều nhóm cổ phiếu bị bán mạnh trong phiên 12/4 trong khi cầu bắt đáy chưa vào khiến cho cổ phiếu rớt giá sâu. Nhóm bất động sản giảm sàn hàng loạt như HDC, DXG, LDG, QCG, DRH, SCR, CII, DIG, NBB, DPG… Tiêu biểu như DIG, cổ phiếu này miệt mài điều chỉnh sau nhịp hồi qua đó giảm gần 27% chỉ trong hơn 2 tuần. HQC mất gần 32% từ sau khi vượt đỉnh bất thành phiên 25/3. Cùng khoảng thời gian này, DPG (-21%), HAR (-23%), LDG (-21%), QCG (-21%), NBB (-24%),… cũng đồng loạt giảm sâu.

Động thái bán tháo trên cổ phiếu bất động sản nhiều khả năng xuất phát từ lo ngại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “siết van” tín dụng vào lĩnh vực này, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp. Trong công văn gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, NHNN đã yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp,…

Nhóm dầu khí giảm sàn có PVD, PVS, PVB. Hệ sinh thái FLC cũng đồng loạt giảm sàn như FLC, ROS, ART, KLF, AMD, HAI. Nhóm cổ phiếu này vừa bị HOSE cắt margin, ROS và FLC dư bán sàn hàng chục triệu đơn vị. Nhóm cổ phiếu đầu cơ cũng rủ nhau giảm sàn, trắng bên mua như: HAG, TNI, SJF, TGG, BII, HQC,… Một số cổ phiếu than như (NBC, TVD), bán Lẻ (PET), chứng khoán (TVB), xây dựng (CTD), thép (NKG)…cũng giảm sàn với số lượng lớn.

Xét về độ rộng của thị trường, 958 cổ phiếu giảm điểm trong phiên ngày 12/4 cho thấy đây là đợt giảm điểm quy mô lớn, tác động mạnh đến chỉ số. Vốn hoá của HOSE cũng bốc hơi hơn 105.600 tỷ đồng trong phiên 12/4.

Đọc thêm: Mùa dễ kiếm tiền qua đi, nhóm ngành nào nên quan tâm trong quý 2?

5 lý do thị trường sụt giảm?

Có thể đánh giá 5 nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm của thị trường:

Nguyên nhân lớn nhất gây nên sự sụt giảm là tâm lý nhà đầu tư chịu ảnh hưởng sau những thông tin bắt giữ những lãnh đạo doanh nghiệp như sự việc ông Trịnh Văn Quyết và loạt đạo của tập đoàn bị bắt vì bê bối “thao túng giá chứng khoán” hay vụ việc Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và các lãnh đạo liên quan bị bắt mới đây cũng tác động lớn tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Thứ hai, các biện pháp nhằm lành mạnh hoá thị trường được cho là tích cực về trung và dài hạn cho sự phát triển của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên điều này có thể ảnh hưởng đến các “dòng tiền nóng” từ đội lái, nhóm cổ phiếu đầu cơ… trong ngắn hạn

Thứ ba, Covid-19 đã phần nào được kiểm soát và  hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại và dòng tiền đầu tư chứng khoán hai năm qua được rút ra để trở về sản xuất kinh doanh. Theo Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), số lượng tài khoản mở mới vẫn tăng kỷ lục vượt 270.000 tài khoản, nhưng có lẽ lượng tiền mới không đủ bù đắp lượng tiền bán ra dẫn đến cú giảm sâu của thị trường.

Thứ tư, lạm phát giá cả các mặt hàng gia tăng chóng mặt, nhiều ngân hàng đã nhích dần lãi suất huy động trong tháng 4,  cạnh tranh trực tiếp với kênh đầu tư chứng khoán vốn rất sôi động trong 2 năm qua. Chứng khoán năm 2022 chứng khoán sẽ không dễ dàng như 2 năm liền kề trước đây. Nhà đầu tư có thể canh các nhịp sụt giảm sâu để “bắt đáy”, tuy nhiên cần thận trọng và không đặt kỳ vọng quá cao.

Thứ năm, chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng từ những diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán thế giới. Cụ thể, thị trường Mỹ đang có chiều hướng xấu về lo ngại lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10Y đạt mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Điều này gây ra nỗi lo lắng cho không ít nhà đầu tư bởi lợi suất trái phiếu tăng sẽ làm suy yếu sức mua cổ phiếu. Bên cạnh đó, những lo ngại về cuộc họp tháng 5, FED có thể tăng mạnh lãi suất vẫn luôn thường trực, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh vượt hẳn 2,5% kèm theo sự đảo ngược đường cong diễn ra trước đó, diễn biến này ảnh hưởng đến toàn bộ các loại tài sản trên phạm vi toàn cầu.

Exit mobile version