Biết là bẫy tâm lý của các nhà bán lẻ trực tuyến nhưng khách hàng vẫn bị “cắn câu” bởi 6 chiến thuật dưới đây.
Thủ thuật tân lý, công cụ marketing là những thứ đã được các nhà bán lẻ trực tuyến sử dụng để “kích cầu” người tiêu dùng, nhất là khi nhu cầu mua hàng online tăng vọt trong thời kỳ dịch bệnh.
Business Insider cho hay, một số chuyên gia nói rằng, không ít chiến lược kinh doanh đánh vào hội chứng sợ bị bỏ lỡ (FOMO) đã được các nhà bán lẻ triển khai tới người mua hàng với các sản phẩm mới, bán chạy nhất.
Theo Manini Madia – Phó giáo sư tại Trường Kinh doanh Columbia và chuyên gia về hành vi người tiêu dùng, dẫn đầu trong việc sử dụng FOMO để bán sản phẩm thuộc về Nike và Lululemon. Cụ thể, ứng dụng của Lululemon hiển thị một cách rõ ràng xem còn bao nhiêu sản phẩm thuộc kích cỡ của khách hàng. Còn Nike lại sử dụng ứng dụng nhằm thu thập thông tin, khiến khách hàng thường xuyên kiểm tra ứng dụng qua thông báo.
Nếu là một người tiêu dùng khó kiểm soát tâm lý khi mua sắm, hãy để ý đến 6 bẫy tâm lý dưới đây thường xuyên được các nhà bán lẻ sử dụng:
Lấy số điện thoại của khách hàng từ việc giảm giá
Các nhà bán lẻ sẽ thực hiện giảm giá từ 10% đến 15% cho đơn hàng đầu tiên, mục đích là đổi lấy email và số điện thoại di động của khách hàng. Đây là một chiêu khá phổ biến. Sau khi họ có được email, số điện thoại, đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ nhận được tin nhắn hoặc email rất nhiều thông tin, nhưng chủ yếu là các chương trình khuyến mại.
Thanh toán trực tuyến và mua trước, trả sau (BNPL)
Một số người nói rằng, bản thân họ quá lười trong việc lấy thẻ ATM hoặc thẻ tín dụng khỏi ví để thanh toán giỏ hàng trực tuyến. Thế nhưng, với sự phát triển của công nghệ, nhiều tùy chọn thanh toán cũng được phát triển nên quá trình thanh toán trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn.
Nói cách khác, khách hàng hoàn toàn có thể thanh toán bằng một cú nhấp chuột trên Amazon, Apple Pay và Google Pay và chúng có thể lưu thông tin thẻ tín dụng của khách hàng.
Hoặc khách hàng cũng có thể tùy chọn BNPL của Klarna và Afterpay. Người tiêu dùng có thể mua sản phẩm ở hiện tại cũng như thiết lập các gói “trả góp” hàng tháng.
Theo một nghiên cứu của Business Insider và eMarketer, hơn một nửa số người mua sắm kỹ thuật số thuộc gen Z đã sử dụng dịch vụ BNPL vào năm 2022. Các hình thức thanh toán trực tuyến ngày càng được nhiều nhà bán lẻ bổ sung nhằm giúp người tiêu dùng thanh toán dễ dàng hơn.
Tạo ra sự khan hiếm
Một chuyên gia cho rằng, chúng ta mua sắm và đưa ra quyết định mua hàng phần lớn là do tiềm thức. Do đó, dù có thể biết rất rõ rằng, việc tạo ra sự khan hiếm là một chiến thuật marketing nhưng tiềm thức của bạn lại không rõ điều đó.
Có thể hiểu đơn giản thủ thuật này như sau, khi nhà bán lẻ thông báo về một mặt hàng nào đó đang bán rất chạy, số lượng tồn kho không còn nhiều và cũng chưa biết khi nào có hàng trở lại sẽ kích thích nhu cầu không muốn bỏ lỡ của nhiều người. Và họ chắc chắn sẽ thêm chúng vào giỏ hàng và thanh toán.
Mua hàng trực tuyến, nhận tại cửa hàng
Trong đại dịch, đây là hình thức khá thịnh hành, được các nhà bán lẻ ưa chuộng. Nó không chỉ tiết kiệm chi phí giao hàng mà thông qua cách này, nhà bán lẻ có thể “dụ” khách hàng vào cửa hàng, mua thêm các sản phẩm không nằm trong dự định ban đầu.
Giá cũ – giá mới
Không ít lần chúng ta đi mua đồ và bắt gặp tình huống một sản phẩm có 2 mức giá, bao gồm mức giá cũ (cao hơn, đã bị gạch bỏ) trong khi mức giá mới (thấp hơn, đang được hiển thị khi mua sắm trực tuyến và tại cửa hàng).
Nhìn thấy những điều này, người mua hàng sẽ tự sản sinh ra tâm lý rằng, họ đang mua được sản phẩm ở mức giá hời. Thực tế, có những sản phẩm chưa từng được niêm yết với giá cũ. Nhà bán lẻ chẳng qua chiêu trò chút nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Xếp hạng, đánh giá tích cực
Nếu được xếp hạng, đánh giá tích cực đồng nghĩa với việc nhiều người đã mua sản phẩm và phản hồi tốt về sản phẩm đó. Tùy thuộc vào lượng dữ liệu mà nhà bán lẻ có về bạn, họ có thể hiển thị đánh giá phù hợp. Không chỉ chăm sóc khách hàng tốt, những người này còn hợp tác với người có ảnh hưởng trên mạng xã hội nhằm quảng bá về sản phẩm của mình.