Doanh nghiệp cần 6 giải pháp để tiếp tục ‘gỡ khó’

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 6 giải pháp tiếp tục ‘gỡ khó’ cho doanh nghiệp sau Nghị quyết 105 của Chính phủ.

91,5% doanh nghiệp biết đến Nghị quyết 105

Theo Báo cáo khảo sát của VCCI về Nghị quyết 105, 91,5% doanh nghiệp được khảo sát đã biết đến Nghị quyết 105/NQ-CP; 81% DN cho biết chính sách tại NQ 105 là kịp thời; 89% nhận thấy các mục tiêu của Nghị quyết là phù hợp; 81,4% cho biết các nhiệm vụ giải pháp sẽ giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của DN, hợp tác xã hiệu quả.

Tuy nhiên, kiến nghị phản ánh của cộng đồng DN chỉ ra rằng, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN. Việc triển khai của một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ.

Cùng với đó, tỷ lệ DN tiếp cận được với một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp. Đặc biệt, vấn đề các DN tiếp tục kiến nghị nhiều nhất là việc khẩn trương có hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương để DN có thể chủ động phương án sản xuất kinh doanh.

Khảo sát của VCCI cho thấy, 81,4% hiệp hội doanh nghiệp, liên minh hợp tác xã đồng ý với nhận định các nhiệm vụ, giải pháp của nghị quyết sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp một cách hiệu quả. Ngược lại, chỉ 3% không đồng ý.

Còn quá nhiều khó khăn

Theo số liệu kinh tế – xã hội tháng 8 do Tổng cục Thống kê công bố, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới. Tính chung 8 tháng, cả nước có 81.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nhưng có tới 85.500 doanh nghiệp rời khỏi thị trường.

Trong số doanh nghiệp rời khỏi thị trường, có 43.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 30.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 12.200 đơn vị hoàn tất thủ tục giải thể. Như vậy, bình quân mỗi tháng có gần 10.700 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, các chỉ tiêu về số doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký, số lao động trong tháng 8 đều giảm mạnh so cùng kỳ năm 2020.

Theo khảo sát của VCCI, đáng chú ý, chỉ 35,29% số doanh nghiệp tiếp cận được với gói hỗ trợ về thuế, 30,7% tiếp cận được với gói hỗ trợ về tín dụng và 23,5% số doanh nghiệp tiếp cận được với gói hỗ trợ về an sinh xã hội.Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được với các gói hỗ trợ còn thấp, mức độ đáp ứng không cao, quy trình thủ tục phức tạp, nhiều điều kiện khó đáp ứng, giải ngân chậm, kém hiệu quả và thực sự là không hỗ trợ được nhiều cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là nhiều khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt. Trong Báo cáo chuẩn bị hội nghị, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng thừa nhận, theo phản ánh của các doanh nghiệp vẫn còn những nút thắt trong thực thi Nghị quyết 105, gây cản trở doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận chính sách hỗ trợ.

Khảo sát của VCCI về thực thi Nghị quyết này cho thấy, thủ tục hành chính vẫn là cản trở lớn với các doanh nghiệp trong dịch bệnh. Ở một số địa phương, việc di chuyển bị kiểm soát bởi giấy đi đường nhưng thủ tục xin cấp lại khá phức tạp. Doanh nghiệp muốn xin giấy đi đường cho lượng nhỏ lao động cũng bị cơ quan chức năng yêu cầu cung cấp bảng lương của cả doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan chức năng cần tìm kiếm các giải pháp nhanh chóng, thuận tiện và giảm gánh nặng thủ tục hành chính.

Nghị quyết 105 của Chính phủ đã cho phép doanh nghiệp được tự test Covid-19, tự chịu trách nhiệm nhưng đến nay Bộ Y tế vẫn chưa ban hành hướng dẫn về việc này. Đây hiện là gánh nặng với doanh nghiệp nên việc được tự xét nghiệm giúp giảm đáng kể chi phí.

Về lưu thông hàng hoá, vẫn còn tình trạng “cát cứ” mỗi địa phương đưa ra và hiểu một cách khác nhau, gây khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp, làm tăng chi phí, giá thành. Chính phủ giám sát để không địa phương nào được phép ban hành thêm quy định riêng. Còn các địa phương thường xuyên nắm bắt phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời xử lý bất cập trong thực thi chính sách.

Về dòng tiền, trước khó khăn hiện tại, doanh nghiệp đề nghị ngành ngân hàng cho phép được giãn nợ, cơ cấu thời hạn trả, miễn giảm phí, không phạt trả chậm, giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng bị ảnh hưởng để họ có thêm thời gian trả, khắc phục nợ xấu.

Các doanh nghiệp cũng mong muốn Ngân hàng Nhà nước xem xét ban hành các gói vay lãi suất 0% hoặc rất thấp trong thời hạn 3-6 tháng để hỗ trợ họ trả lương cho người lao động trong giai đoạn khôi phục kinh tế. Mở rộng diện xem xét vay tín chấp với các doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm cũng cần tính đến vì đây là khó khăn chính về thủ tục của các cơ sở kinh doanh khi tiếp cận tín dụng.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhắc tới mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp lúc này là cần một hướng dẫn chi tiết các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới. Kế hoạch mở cửa, phục hồi kinh tế cần được Chính phủ phác thảo rõ, để doanh nghiệp chủ động phương án sản xuất, kinh doanh. Điều này phù hợp với bối cảnh khi Chính phủ đã xác định sống chung với Covid-19, thay vì mục tiêu “zero Covid-19” trước đây.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn

Tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các DN trong bối cảnh hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số nội dung.

Thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thực hiện nghiên cứu các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 105/NQ-CP với tinh thần hợp tác công tư chặt chẽ để phát huy đồng bộ nguồn lực của Nhà nước và DN; khẩn trương rà soát, sửa đổi điều kiện, quy trình, thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Thứ hai, Bộ Y tế khẩn trương ban hành Hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế-xã hội bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tổ chức sản xuất kinh doanh sớm nhất trong điều kiện bảo đảm an toàn phòng chống dịch, trong đó, cần có hướng dẫn cụ thể điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới để các địa phương và DN áp dụng trong thực tế.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư các bộ, ngành và địa phương.

Thứ tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Chính phủ xem xét, ban hành Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, trong đó có các giải pháp hỗ trợ khu vực DN phục hồi.

Thứ năm, mỗi địa phương cần khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phục hồi kinh tế, kế hoạch mở cửa trong tình hình mới. Đồng thời, cùng với DN, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của DN; hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy. Cùng với đó là nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, đồng thời tăng cường đối thoại giữa DN và chính quyền địa phương.

Thứ 6, là trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội.

Càng khó khăn thì các DN và hiệp hội càng phải nêu cao tinh thần dân tộc, đoàn kết thống nhất, liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, hợp tác chia sẻ; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc DN trên nền tảng số; đóng góp sáng kiến cho phục hồi kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các Hiệp hội cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực, kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho DN hội viên và ngành hàng; tăng cường tính liên kết giữa các DN hội viên, hợp tác cùng phát triển.

Exit mobile version