Hiệp hội Rau quả tính toán, nếu tiếp tục tình trạng hơn 6.200 container ùn ứ ở biên, doanh nghiệp có thể mất từ 3.000-4.000 tỷ đồng.
Cửa khẩu dừng thông quan, container ùn ứ nghiêm trọng
Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường các biện pháp phòng dịch Covid-19, tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu với Trung Quốc có xu hướng tăng lên khi một số cửa khẩu dừng thông quan.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến 21/12, tại các cửa khẩu biên giới nối với Trung Quốc, tổng lượng hàng tồn khoảng 6.200 container. Trong đó, cửa khẩu Lạng Sơn có đến hơn 4.400 xe. Được biết, ùn ứ tại cửa khẩu phần lớn là hàng nông sản như mít, xoài, dưa hấu, thanh long…
Tính đến sáng 23/12, lượng xe tồn tại 3 cửa khẩu gồm Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma là 4.460 xe. Cửa khẩu Chi Ma thông quan trở lại từ ngày 22/12. Riêng cửa khẩu Tân Thanh vẫn đang tạm dừng thông quan.
Năng lực thông quan tại cửa khẩu Hữu Nghị là 150-200 xe/ngày. Tại cửa khẩu này đang tồn 1.447 xe (297 xe hàng chờ xuất khẩu, 1.150 xe tồn bãi trung chuyển).
Tại cửa khẩu Chi Ma, dù đã thông quan trở lại nhưng năng lực thông quan mới xuất được 7 xe là xe không của Trung Quốc qua để sang tải và nhập khẩu 27 xe. Cửa khẩu này vẫn đang tồn 609 xe.
Số xe chở nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh đang là 2.404 xe. Khu phi thuế quan tồn nhiều nhất lên tới 1.092 xe. Ngoài ra, bãi Bảo Nguyên tồn 1.000 xe, các bãi khác hơn 300 xe với các mặt hàng chủ yếu là dưa hấu Quảng Ngãi, chuối xanh Tiền Giang, xoài Bình Định, mít Đắk Lắk…
Hàng chở linh kiện điện tử cũng đang trong tình trạng bị dồn do tắc nghẽn tại cửa khẩu Hữu Nghị.
Sở Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp cũng như các đơn vị liên quan cân nhắc bố trí đưa hàng đến các cửa khẩu của Lạng Sơn xuất khẩu một cách hợp lý.
Cửa khẩu Đông Hưng ở Quảng Ninh cũng đang phải dừng thông quan nhưng tình trạng ùn ứ không nghiêm trọng như Lạng Sơn. Tuy nhiên, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh vẫn đang trực 24/24 để hướng dẫn và giúp doanh nghiệp giải quyết các thủ tục. Các doanh nghiệp kinh doanh kho bãi được tỉnh yêu cầu chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp xuất khẩu.
Thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết, theo hiệp hội tính toán, với hơn 6.200 xe đang bị tắc tại các cửa khẩu, thiệt hại với các doanh nghiệp có thể lên tới 3.000-4.000 tỷ đồng. Nhất là, một số loại nông sản rơi vào tình trạng phải đổ bỏ vì hư hỏng như mít, dưa hấu… vì quá hạn bảo quản.
Theo ông Nguyên, mỗi xe hàng chở qua biên giới dao động từ 500-900 triệu đồng. Chưa kể chi phí thuê xe, tài xế cũng như các chi phí hợp đồng khác.
Ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty Thanh Long Hoàng Hậu xót xa chia sẻ. Các xe của doanh nghiệp này đi từ cuối tháng 11, đầu tháng 12 thì may mắn xuất được. Những xe sau này đều bị kẹt. Thời gian chờ quá lâu, ông phải cho quay xe về Hà Nội bán rẻ để gỡ gạc phần nào. Giá bán chỉ là 4.000 đồng/kg. Và theo ông, nó chỉ bằng ¼ giá xuất, lỗ nặng.
Dịp cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp xuất khẩu rau củ quả ghi nhận doanh thu lớn do nhu cầu tiêu thụ tăng cao, nhưng năm nay tình hình đang ngược lại với họ, nhất là với đơn vị xuất hàng sang Trung Quốc.
Bà Hằng, chủ doanh nghiệp thu mua mít tại miền Tây cho hay, năm nay lỗ cả tỷ đồng vì các xe mít không thể thông quan sang Trung Quốc.
Ngoài ra, các hộ trồng nông sản chuẩn bị đến ngày thu hoạch cũng đang vô cùng lo lắng nếu tình trạng cửa khẩu vẫn ùn tắc như hiện tại.
Không riêng các doanh nghiệp đang xuất hàng qua cửa khẩu, các hộ trồng chuẩn bị tới ngày thu hoạch nông sản cũng đang vô cùng lo lắng nếu các cửa khẩu xuất hàng đi Trung Quốc vẫn ùn ứ.
Thực tế, ùn ứ nông sản Việt Nam ở các cửa khẩu với Trung Quốc đã xảy ra nhiều lần, nhưng lần này số lượng hàng ùn ứ lớn nhất.
Trước thực trạng này, ông Đặng Phúc Nguyên nêu quan điểm, đơn vị chức năng của nước ta nên tiến hành kiểm tra nhanh các xe hàng. Xe nào chất lượng không đảm bảo thì cho quay đầu, giảm ùn ứ. Nhà nước cũng nên có chính sách hỗ trợ tiền xăng dầu cho xe hàng bị hư hỏng để họ yên tâm quay đầu.
Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Quản lý giám sát Hải quan cho biết, rất khó tách cửa khẩu để thông quan từng loại hàng hoá riêng biệt hay tăng thời gian đóng, mở cửa khẩu bởi nó liên quan đến thoả thuận giữa 2 nước, cần được Bộ Ngoại giao cũng như các bộ, ngành liên quan thông qua. Bởi vậy, đại diện Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp không đưa hàng lên cửa khẩu, thay vào đó đẩy nhanh sang xuất hàng chính ngạch, dần tiến tới việc hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch.
Cát Anh (T/h)