Doanh nghiệp bất động sản ra sao trong 8 tháng năm 2021?

Doanh nghiệp bất động sản phải tự tìm cho mình những lối đi riêng để thích nghi trước những khó khăn do Covid-19.

Doanh nghiệp bất động sản thành lập mới tăng

Theo Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội của Tổng Cục thống kê, tính đến hết tháng 8/2021, cả nước có 81,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; 32,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Như vậy, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 114 nghìn doanh nghiệp.

03/17 lĩnh vực hoạt động có số doanh nghiệp thành lập mới tăng; đặc biệt là kinh doanh bất động sản tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong 8 tháng năm nay, có 85,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 4.507 doanh nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.415 doanh nghiệp; xây dựng có 1.080 doanh nghiệp; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác có 732 doanh nghiệp; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 700 doanh nghiệp…. Ở lĩnh vực kinh doanh bất động sản có có 611 doanh nghiệp.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam trong 8 tháng năm 2021, ước tính đạt 11,58 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 8,31 tỷ USD, chiếm 71,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản, xếp thứ 2 và đạt 1,44 tỷ USD, chiếm 12,4%.

Khó khăn hơn với doanh nghiệp bất động sản

Những chỉ số nói trên không phải là quá bi quan, tuy nhiên, trên thực tế, khó khăn có vẻ ngày một lớn hơn.Trong suốt gần 4 tháng qua, thị trường bất động sản đã gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tại các tỉnh thành có dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương…

Nhiều dự án phát triển bất động sản đã phải ngừng xây dựng, hoạt động mở bán – tiếp xúc – tư vấn khách hàng không thể thực hiện. Hệ quả là doanh nghiệp không có doanh thu từ các giao dịch mua bán.

Một thống kê của Công ty DKRA Việt Nam về doanh thu của doanh nghiệp môi giới bất động sản khu vực TP.HCM trong 3 tháng gần đây cho thấy, có đến 50% doanh nghiệp có mức doanh thu đạt dưới 10%. Nhóm này được xếp vào nhóm doanh nghiệp có nguy cơ ngưng hoạt động rất cao. Khoảng 30% doanh nghiệp có nguy cơ ngưng hoạt động cao với mức doanh thu từ 30-50%. Chỉ 10% doanh nghiệp có mức doanh thu 50-70%, trong khi đó chỉ có 10% doanh nghiệp có doanh thu ổn định.

Thống kê của Vietstock cho thấy, tổng tiền mặt tính tới ngày 30/6/2021 của 94 doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán (bao gồm cả HOSE, HNX và UPCoM) đạt 103.700 tỷ đồng. Mặc dù con số này tăng so với mức 102.000 tỷ đồng vào cuối năm 2020, nhưng lượng tiền mặt tập trung chủ yếu tại số ít doanh nghiệp đầu ngành như các doanh nghiệp thuộc Vingroup (VIC, VHM, VRE), Novaland (NVL), Khang Điền (KDH), Nam Long (NLG), Becamex (BCM, SJC), Kinh Bắc (KBC), Sonadezi (SNZ)…

Theo Vietstock, nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng tiền mặt giảm rất mạnh trong 6 tháng đầu năm 2021, trong đó có nhiều doanh nghiệp giảm về mức báo động như Địa ốc First Real (FIR) giảm từ mức 12 tỷ đồng ở thời điểm cuối năm ngoái về còn 3 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt và các khoản tương đương tiền) tại thời điểm 31/6/2021, Địa ốc Chợ Lớn (RCL) giảm từ 52 tỷ đồng về còn 5 tỷ đồng, Long Giang Land (LGL) từ mức 66 tỷ đồng giảm xuống còn 4 tỷ đồng…

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), không chỉ các doanh nghiệp địa ốc niêm yết trên sàn chứng khoán, tình trạng cạn tiền mặt cũng đang là vấn đề nan giải chung đối với tất cả các doanh nghiệp bất động sản ở thời điểm này. Tại nhiều doanh nghiệp, nguồn tiền tích lũy từ nhiều năm kinh doanh trước đây đã được sử dụng hết để bù lỗ cho gần 2 năm qua, các cổ đông và nhà sáng lập phải huy động thêm vốn, thậm chí phải “vay nóng” để duy trì hoạt động của doanh nghiệp.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà.

Theo HoREA, để tăng sức chống chịu và vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid -19, các doanh nghiệp bất động sản không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà chỉ xin Nhà nước hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách và về quy trình thủ tục hành chính.

HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà. Cụ thể là xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm đối với các khoản vay của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà.

Kiến nghị của HoREA cũng xuất phát từ thực tế nhiều ngành nghề được các ngân hàng giảm lãi suất và cho vay vốn với lãi suất ưu đãi 4%/năm nhưng với chứng khoán, ngành bất động sản thì không được ưu đãi. Nhiều ý kiến doanh nghiệp đang phản đối mạnh mẽ.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nói rằng sau hơn một năm rưỡi đồng hành với Nhà nước trong phòng, chống đại dịch và nỗ lực chống chịu để tự cứu mình, cho đến nay có thể nhận thấy rõ là hầu hết các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản đã dần kiệt sức, thậm chí có một số doanh nghiệp lâm vào cảnh sức cùng lực kiệt, nguồn lực bị bào mòn, có nguy cơ bị phá sản, nếu không được hỗ trợ kịp thời.

Thiếu dòng tiền đang là cái khó trực tiếp lớn và đáng quan ngại nhất hiện nay, có thể làm cho doanh nghiệp bị ngộp thở, do không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, duy trì bộ máy, hỗ trợ, giữ chân người lao động. Do các dự án không thể triển khai đúng tiến độ, công trình xây dựng phải dừng nên DN không có sản phẩm để bán, giao dịch bị sụt giảm mạnh, doanh số bán hàng rơi thẳng đứng, không thể huy động được vốn như trước đây.

Được tiếp cận tín dụng hơn lúc nào hết chính là “oxy tín dụng” cấp cứu cho doanh nghiệp và phải trông cậy vào “máy trợ thở dòng tiền” từ nguồn tín dụng của các ngân hàng thương mại. Thế nhưng với quy định như trên, có thể nói, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản nguy cơ bị ngộp thở vì thiếu oxy dòng tiền

Ông Châu kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ của doanh nghiệp bất động sản và được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh, nhất là việc xem xét cho khách hàng được vay vốn mới, giúp giảm chi phí vốn vay, giảm chi phí đầu vào, được tiếp cận các khoản vay mới, để có thêm thời gian dần phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

Exit mobile version