90% doanh nghiệp ĐBSCL ngừng hoạt động

Đây là số liệu về doanh nghiệp rất đáng quan tâm được đưa ra tại Hội thảo trực tuyến “Bức tranh kinh tế Việt Nam và ĐBSCL: Dự báo kinh tế quý IV và triển vọng năm 2022” tổ chức ngày 1/10.

Bức tranh doanh nghiệp “màu xám”

Ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cho biết, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm trong cả nước đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế.

Trong 9 tháng qua, cả nước có 85.500 doanh nghiệp doanh nghiệp thành lập mới, giảm 13,6%, nhưng có đến 90.300 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Trung bình mỗi tháng có 10.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020.

“Riêng ĐBSCL, trong 3 tháng qua có gần 90% doanh nghiệp trong vùng tạm ngừng hoạt động. Các doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động thực hiện “3 tại chỗ” cũng chỉ sản xuất từ 5-10% công suất. Trong khi chi phí sản xuất mô hình này rất cao vì quy định phải bình ổn giá, chi phí hỗ trợ người lao động, nguyên liệu đầu vào tăng…”, ông Võ Tân Thành phân tích.

Dẫn số liệu tăng trưởng GDP quý III vừa được Tổng cục Thống kê công bố, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam – cho hay: “Âm sâu tới 6,17% thì ít ai nghĩ tới. TPHCM và một số tỉnh là trung tâm dịch bệnh có thể âm rất sâu tới 2 con số. Theo dự báo GDP sẽ tiếp tục âm sâu nếu tình hình không được cải thiện sớm”.

03 tháng – thời gian vàng

Theo các chuyên gia, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bức tranh kinh tế vẫn có những điểm sáng: GDP 9 tháng đầu năm tăng trưởng dương 1,42%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu tăng 18,8%; nhập khẩu tăng 30,5%, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh rằng, 3 tháng cuối năm là thời gian vàng và là thách thức cho nền kinh tế Việt Nam, khi dịch bệnh dần được kiểm soát.

Nếu không đảo chiều trong 100 ngày tới thì nền kinh tế tiếp tục âm sâu.

Ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế, trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam nói: “Để phục hồi kinh tế trong quý IV và năm 2022, chúng ta phải mở cửa một cách bền vững, không thể quay lại giãn cách diện rộng như thời gian qua.

Ông Thành cho rằng, với kịch bản mở cửa bền vững, thích ứng an toàn để phục hồi kinh tế, cần sự hỗ trợ từ cả hai phía “tiền tệ và tài khóa. Ví dụ, chúng ta không mở rộng gói tài khóa, mà chỉ phụ thuộc vào gói tiền tệ để đảm bảo tín dụng vẫn thanh khoản tốt, thì sẽ có nguy cơ gây bất ổn vĩ mô. Hai chính sách này phải hỗ trợ cho phục hồi kinh tế, thậm chí là kích cầu trong năm 2022 để có sự tăng trưởng mạnh hơn”.

Theo ông Thành, có một thuận lợi lớn, khác với tất cả những cuộc khủng hoảng trước, đó là cho đến thời điểm này, các nền tảng về ổn định. Cụ thể, 9 tháng đầu năm, lạm phát bình quân chưa đến 2%; trong khi đó, tăng trưởng tín dụng, dù tháng 9 có giảm do cầu giảm, nhưng 9 tháng đầu năm đã tăng 7,2% (cả năm định hướng của Ngân hàng Nhà nước là 12%).

Còn cán cân quốc tế vẫn thặng dư, dòng vốn nước ngoài vẫn “chảy” về Việt Nam, tiền vào vẫn nhiều hơn “chảy” ra. “Theo tính toán của tôi, năm ngoái chúng ta thặng dư được 19 tỷ đô la Mỹ, giúp tăng dự trữ ngoại tệ. Còn năm nay, chúng ta vẫn có thặng dư, nhưng có lẽ rơi vào khoảng 8 tỷ đô la Mỹ”, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết.

Theo ông Thành, nếu Việt Nam mở cửa và thích ứng an toàn từ đầu tháng thì có thể đến giữa tháng 10, khi nhiều doanh nghiệp đã quay lại sản xuất, thì dự báo tăng trưởng của quý IV có thể tăng 3,5% so với quý trước. Như vậy, cả năm nay có khả năng tăng trưởng được 2,1%.

Exit mobile version