ABBank 2021 lãi 1.979 tỷ đồng – NCB báo lãi vỏn vẹn hơn 2,3 tỷ đồng – Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB, HNX: NVB) báo lãi trước thuế năm 2021 vỏn vẹn hơn 2.3 tỷ đồng, chủ yếu do trích các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc và hoạt động kinh doanh bết bát khi báo lỗ hơn 203 tỷ đồng trong quý 4.
ABB: ABBank báo lãi 1.979 tỷ đồng năm 2021
Theo báo cáo Kết quả Kinh doanh cuối năm 2021, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đã hoàn thành các chỉ tiêu được giao với lợi nhuận trước thuế đạt 1.979 tỷ đồng. ABBank cũng hoàn thành lộ trình tăng vốn giai đoạn 1, nâng tổng vốn điều lệ lên hơn 6.900 tỷ đồng.
Cụ thể, tính đến hết ngày 31/12/2021, tổng tài sản của ABBank đạt 121.620 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm 2020; Lợi nhuận trước thuế đạt 1.979 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông giao.
Dư nợ tín dụng ghi nhận con số 78.640 tỷ đồng, tương đương tăng 13,2% so với năm 2020. Trong đó, dư nợ của nhóm khách hàng cá nhân đạt 33.174 tỷ đồng, dư nợ nhóm khách hàng SMEs đạt 16.609 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Huy động từ khách hàng đạt 79.255 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2020. Thu thuần từ phí dịch vụ đạt 372 tỷ đồng, tăng 78% so với năm 2020. Thu nhập thuần từ lãi đạt 3.038 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2020.
ABBank cho biết, tỷ lệ an toàn vốn CAR đạt 12,79%; RoA đạt 1,5%; RoE đạt 16,5%. Nợ xấu ở mức 1,45% trên tổng dư nợ, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Năm 2021 là năm đầu tiên năng suất lao động bình quân của mỗi nhân viên của ABBank đạt mức 511 triệu đồng/người – tương đương tăng 42% so với năm 2020 (tăng từ 360 triệu đồng/người năm 2020) do ABBank đã tập trung hóa triệt để và ứng dụng công nghệ cho các hoạt động Thẩm định và phê duyệt tín dụng, Vận hành tín dụng, Kho quỹ…
Ông Lê Hải – Tổng Giám đốc ABBank cho biết, năm 2022, ABBank sẽ tiếp tục bám sát chiến lược lấy khách hàng làm trọng tâm, nâng cấp chất lượng chuỗi kinh doanh – vận hành – quản trị Ngân hàng theo hướng hiện đại, hiệu quả và linh hoạt để dễ thích ứng với tình hình mới.
Ngoài việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh, năm 2021 ABBank cũng đã hoàn thành kế hoạch tăng vốn giai đoạn 1 lên hơn 6.969 tỷ đồng thông qua việc phát hành hơn 114 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và hơn 11 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP cho gần 2.000 CBNV đủ điều kiện; Ngân hàng cũng đang gấp rút triển khai các thủ tục tăng vốn giai đoạn 2 – phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 35% trên số cổ phần sau tăng vốn giai đoạn 1, dự kiến hoàn thành trong tháng 2/2022.
***HCM báo lãi trước thuế đạt 1430 tỷ – PVP báo lãi 2021 giảm 17%***
NCB báo lãi trước thuế 2021 hơn 2 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB, HNX: NVB) báo lãi trước thuế năm 2021 vỏn vẹn hơn 2.3 tỷ đồng, chủ yếu do trích các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc và hoạt động kinh doanh bết bát khi báo lỗ hơn 203 tỷ đồng trong quý 4.
Tính riêng trong quý 4/2021, kết quả kinh doanh của NCB nhìn chung kém khả quan khi hoạt động chính sụt giảm 72% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 171 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.
Các nguồn thu ngoài lãi lại tăng trưởng hơn so với cùng kỳ như lãi từ dịch vụ (gấp 2.6 lần), lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư (gấp 3.7 lần), lãi từ hoạt động khác (gấp 3 lần). Riêng hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận khoản lỗ hơn 21 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 9 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của NCB giảm 55% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 220 tỷ đồng. Quý 4, NCB dành ra hơn 97 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 10 lần cùng kỳ. Thêm vào đó, Ngân hàng trích hơn 326 tỷ đồng cho các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc. Do đó, NCB báo lỗ hơn 203 tỷ đồng trong quý 4, cùng kỳ năm trước nhà băng này chỉ lỗ gần 25 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2021, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của NCB giảm 12% so với năm trước, chỉ ghi nhận gần 752 tỷ đồng. Ngân hàng trích hơn 243 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và hơn 506 tỷ đồng cho tái cấu trúc. Do đó, cả năm Ngân hàng báo lãi trước thuế hơn 2.3 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 1.4 tỷ đồng, lần lượt giảm 38% và tăng 16% so với năm trước.
Năm 2021, NCB đặt mục tiêu lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh khoảng 1,000 tỷ đồng, như vậy Ngân hàng đã thực hiện được 75% kế hoạch.
Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản Ngân hàng giảm 18% so với đầu năm, chỉ còn 73,784 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại TCTD khác giảm đến 74% (còn 3,064 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng nhẹ 3% (41,615 tỷ đồng)…
Về nguồn vốn, tiền gửi của TCTD khác giảm đến 95% so với đầu năm, chỉ còn gần 473 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng giảm 10%, chỉ còn hơn 64,520 tỷ đồng…
Một góc tối điểm thêm vào kết quả kinh doanh của NCB trong năm 2021 là tổng nợ xấu tại thời điểm 31/12/2021 gấp đôi đầu năm, chiếm 1,249 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn gấp 10 lần (603 tỷ đồng) và nợ nghi ngờ gấp 2 lần (464 tỷ đồng). Kết quả kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng mạnh từ 1.51% đầu năm lên 3%
Đáng chú ý, cổ phiếu NVB là mã cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh nhất trong năm 2021 với mức tăng giá lên đến 219%. Những ngày đầu năm mới 2022, giá cổ phiếu NVB tiếp tục tăng trưởng, chốt phiên 20/01/2022 ở mức 30,000 đồng/cp, tăng 18% so với đầu năm, thanh khoản bình quân chưa đến 500,000 cp/ngày.