Alibaba “hồi sinh” khi lợi nhuận tăng trưởng trở lại?

Alibaba "hồi sinh" khi lợi nhuận tăng trưởng trở lại?

Kể từ năm 2020, Alibaba đã có lần tăng trưởng đầu tiên với mức lãi ròng vượt xa ước tính. Đế chế của Jack Ma hồi sinh trở lại?

Sự trở lại của Alibaba

Theo Bloomberg, Alibaba vừa ghi nhận quý tăng trưởng đầu tiên kể từ năm 2020. Trong quý IV/2022, tập đoàn này lãi ròng 46,82 tỷ nhân dân tệ, vượt xa con số ước tính của Refinitiv là 34,02 tỷ nhân dân tệ, đồng thời tăng 69% so với cùng kỳ năm trước đó.

Doanh thu của tập đoàn đạt 247,76 tỷ nhân dân tệ, tăng trưởng 2,1%, vượt xa so với mức dự đoán 245,18 tỷ nhân dân tệ. Sau khi công bố báo cáo tài chính, giá cổ phiếu của Alibaba tăng vọt 6%.

Lợi nhuận của Alibaba tăng trưởng nguyên nhân một phần là do việc cắt giảm chi phí. Công ty hiện tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận và không còn dồn lực cho cuộc chiến tranh giành thị phần với các đối thủ như JD.com và startup PDD Holdings. Trong khi trước đó, tập đoàn từng chi tiêu mạnh tay để phát triển các hoạt động kinh doanh dịch vụ trực tuyến và quốc tế.

Được biết, tại thị trường 1,4 tỷ dân, công ty của tỷ phú Jack Ma đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Khi mà các đối thủ như JD.com, nền tảng Douyin và Kuaishou Technology của ByteDance đang tích cực đẩy mạnh thu hút khách hàng và người bán.

Tham vọng mở rộng ra nước ngoài, Alibaba cũng phải từ bỏ. Tập đoàn trong tháng 2 đã bán nốt cổ phần trong gã khổng lồ fintech (công nghệ tài chính) Ấn Độ Paytm.

Sóng gió

Alibaba từng là công ty giá trị nhất Trung Quốc. Thế nhưng sau cuộc trấn áp của Bắc Kinh đối với ngành công nghệ Trung Quốc diễn ra cách đây 2 năm, hiện giờ Alibaba phải cắt giảm chi tiêu nhằm thúc đẩy lợi nhuận.

Sàn giao dịch Thượng Hải vào cuối năm 2020 đã đình chỉ đợt IPO của Ant Group – công ty con của Alibaba. Lý do đưa ra là “những thay đổi về quy định”. Đáng nói, thông báo này được đưa ra vỏn vẹn 2 ngày trước ngày dự kiến diễn ra IPO. Sau đó, mô hình kinh doanh của tập đoàn này cũng buộc phải thay đổi đáng kể.

Alibaba cũng phải chịu một mức phạt kỷ lục từ Cục Quản lý thị trường Trung Quốc là 18 tỷ nhân dân tệ, tương đương 2,75 tỷ USD vì vi phạm các quy định về chống độc quyền.

Tháng 7 năm ngoái, tập đoàn này nằm trong danh sách các công ty bị phạt do không tuân thủ quy tắc chống độc quyền, liên quan đến việc báo cáo những giao dịch trong quá khứ. Trong số 5 thương vụ liên quan đến Alibaba phải kể đến thương vụ mua cổ phần công ty con Youku Tudou, nền tảng phát trực tuyến, vào năm 2021.

Vẫn còn nhiều khó khăn phải đối mặt

Tốc độ tăng trưởng doanh thu của Alibaba thấp hơn đáng kể so với mức tăng lợi nhuận cho thấy, sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống dịch gắt gao, sức mạnh tiêu dùng vẫn chưa phục hồi mạnh mẽ. Lo ngại của giới quan sát chính là sẽ mất thời gian để chi tiêu tiêu dùng trở lại đà phục hồi bền vững.

Trong khi đó, kể từ khi Bắc Kinh nới lỏng gọng kìm đối với lĩnh vực công nghệ, các công ty Internet Trung Quốc từ JD, Meituan đến PDD đều đang giành giật thị phần đã đè nặng lên lợi nhuận của những tập đoàn này.

Chưa kể, đối với đà tăng trưởng doanh thu của Alibaba vẫn có một số dấu hiệu đáng ngại. Một trong những mảng kinh doanh tăng trưởng nhanh nhất của tập đoàn chính là điện toán đám mây nhưng doanh thu của nó chỉ nhích thêm 3% lên 20,2 tỷ nhân dân tệ. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh thương mại cốt lõi của Alibaba quý cuối năm ngoái lại lao dốc 1%.

Theo bình luận từ các chuyên gia Catherine Lim và Trini Tan của Bloomberg Intelligence, năm nay, Tăng trưởng trong tiêu dùng trực tuyến của Trung Quốc giảm tốc bởi các hạn chế chống dịch được dỡ bỏ sẽ kìm hãm tăng trưởng doanh thu của Alibaba và Meituan, nhất là khi, ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực giao hàng và thương mại điện tử.

Exit mobile version