Hôm nay 3/6 Dương lịch, tức 5/5 Âm lịch là ngày Tết Đoan Ngọ – Tết diệt sâu bọ. 3 miền Việt Nam đón Tết Đoan Ngọ với những món ẩm thực khác nhau, nhưng tất cả là để mong cầu một năm mùa màng bội thu, không bị sâu bệnh phá hoại, cuộc sống ấm no, khoẻ mạnh.
Đây là dịp Tết quan trọng thứ 2 trong năm sau Tết Nguyên đán. Ngày này, người dân trên cả nước tất bật chuẩn bị các mâm cúng dâng lên tổ tiên. Không chỉ giữa các nước châu Á mà ngay cả trên miền 3 Việt Nam, các món ăn đón Tết Đoan Ngọ đã có sự khác biệt.
Mỗi món ăn đều có hương vị riêng và ẩn ý đặc trưng. Dù vậy, người dân cả nước đều chung mong cầu mùa màng bội thu, không bị sâu bệnh phá hoại, cuộc sống ấm no, khoẻ mạnh.
Những món mâm cỗ Tết Đoan Ngọ 3 miền đều có
Cơm rượu nếp
Thường là món được ăn đầu tiên trong ngày sau khi ngủ dậy, với quan niệm rằng vị nồng cay của rượu nếp có thể loại bỏ những loài ký sinh sâu bệnh trong cơ thể.
Rượu nếp được làm từ gạo nếp cái hoa vàng hoặc nếp cẩm. Gạo được ngâm, nấu, để nguội, rồi lại ủ men nhiều ngày mới ăn được. Nước rượu có thể ăn cùng hoặc uống riêng với cơm, ngọt cay, dễ uống.
Trái cây (các loại trái có vị chua)
Sau khi “chuốc say” các loại sâu bọ, ăn trái cây vị chua, chát được cho là giúp tiêu diệt ký sinh nhanh hơn. Mâm trái cây dâng lên bàn thờ Tết Đoan Ngọ thường có vải, mận, đào, chôm chôm, cóc, dứa, chuối… tuỳ theo vùng miền. Quan niệm chung ngoài việc xua đuổi sâu bọ còn để mong vạn vật sinh sôi nảy nở.
Món miền Bắc
Bánh gio (bánh tro)
Bánh gio/bánh tro xuất hiện ở cả 3 miền nhưng ở miền Bắc phổ biến nhất, khi ăn được chấm cùng với mật mía ngọt ngào, ăn vào thanh mát, giúp giải nhiệt cho mùa hè nắng nóng.
Bánh gio trông đơn sơ nhưng cách làm cầu kỳ, nếp được ngâm trong nước tro đốt từ rơm + thảo mộc rồi đem gói lại, luộc lên.
Bánh khúc người Nùng
Từ đặc sản của người Nùng (Mường Khương, Lào Cai), bánh khúc được ưa chuộng trong nhiều gia đình miền Bắc dịp Tết Đoan Ngọ. Món ăn có hình thức bắt mắt, làm từ gạo nếp giã cùng lá khúc, bọc nhân đậu xanh/mè đen/hành phi. Sau đó, bánh khúc được đem hấp hoặc chiên tuỳ vùng. Món ăn có vị thơm nồng, ăn bùi béo.
Món miền Trung
Chè kê
Món ngọt đại diện tên mâm cúng Tết Đoan Ngọ của miền Trung là chè kê. Kê là loại hạt thực dưỡng, thanh đạm, dễ ăn. Chè kê nấu cùng nước đường pha gừng, ăn với bánh tráng vừng. Bánh tráng thả vào chè hoặc dùng để múc chè cũng là một cách ăn thú vị.
Thịt vịt
Nhiều người cho rằng thịt vịt tanh, sao lại cúng trong những dịp quan trọng như Tết Đoan Ngọ? Nhưng với người miền Trung, thịt vịt là loại thịt có tính hàn, ăn vào mát mẻ nhất so với các loại thịt khác trong tiết trời oi bức của mùa hè.
Nhờ đó, món ăn này giúp cân bằng âm dương, làm mát cơ thể. Thịt vịt có nhiều cách chế biến tuỳ ý như luộc, hấp, quay, canh, cháo…
Món miền Nam
Chè trôi nước
Chè trôi nước phổ biến trong nhiều dịp lễ Tết ở miền Nam, không chỉ riêng Tết Đoan Ngọ. Những viên chè dày miếng, bên ngoài là bột nếp, bên trong là đậu xanh được vo tròn dẹt. Phần nước ăn cùng chè có đường, gừng giã, nước cốt dừa, thêm đậu phộng giã hoặc vừng.
Bánh ú nước tro
Tương tự bánh gio miền Bắc, bánh ú miền Nam cũng mang tính dịu mát, ngọt ngào cho người ăn. Chúng có hình chóp nhỏ xinh được buộc thành chùm, trang trí đẹp mắt cho mâm cúng. Điểm khác biệt của bánh ú là có nhân đậu giã nhuyễn, lớp vỏ nâu vàng đậm hơn, gói bằng lá tre hoặc chuối, thơm mùi lá.