Để giảm bớt áp lực đối với nền kinh tế trong bối cảnh lạm phát bùng nổ liên tục trong nhiều tháng, Ấn Độ dự định mua nguồn cung giá hời của Nga. Đây là tín hiệu cho thấy New Delhi muốn giữ mối quan hệ đối tác thương mại với Nga bất kể phương Tây nỗ lực cô lập nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới.
Ấn Độ động lòng trước dầu và hàng hóa chiết khấu mạnh của Nga
Là quốc gia nhập khẩu đến 80% lượng dầu cần tiêu thụ, Ấn Độ lâu nay vẫn mua khoảng 2-3% nguồn cung từ Nga. Nhưng sau khi giá dầu tăng mạnh, lạm phát ở Ấn Độ cũng liên tục leo thang. Đồng rupee của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD vào tuần trước do giá dầu Brent chạm mức 139 USD. Do đó, New Delhi đang xem xét tăng mức nhập khẩu năng lượng từ Nga để tiết kiệm chi phí.
“Nga đang chào bán dầu và các mặt hàng khác với mức chiết khấu mạnh. Chúng tôi rất hài lòng với đề nghị này. Sau khi giải quyết xong một số vấn đề như tàu chở và bảo hiểm, chúng tôi sẽ nhận lời đề nghị trên”, một quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết.
Bên cạnh đó, New Delhi còn đang tìm kiếm các phương thức thanh toán thay thế để lách các lệnh trừng phạt quốc tế như cơ chế thương mại bằng đồng rupee – ruble. Ngoài dầu, Ấn Độ cũng nhắm đến phân bón giá rẻ của Nga và Belarus. Trong khi đó, Nga đã thúc giục các quốc gia thân thiện duy trì quan hệ thương mại và đầu tư.
Trong diễn biến mới nhất, Tập đoàn Dầu mỏ Ấn Độ (IOC) – nhà lọc dầu lớn nhất của Ấn Độ – đã mua khoảng 3 triệu thùng dầu thô Urals của Nga từ công ty Vitol của Hà Lan để giao hàng vào tháng 5 với mức chiết khấu đáng kể. Được biết, IOC không gặp vấn đề gì trong việc thanh toán tiền hàng vì dầu mỏ không bị cấm. Hơn nữa, IOC giao dịch với Vitol – một thực thể không bị trừng phạt.
Thời gian gần đây, giới chức Mỹ thể hiện quan điểm muốn New Delhi giữ khoảng cách với Nga, càng xa càng tốt. Giới chức Ấn Độ nói rằng họ không thể đột ngột thay thế Nga bằng nhà cung cấp khác do có sự phụ thuộc lớn vào nguồn cung của Nga trong nhiều lĩnh vực.