Giá gạo tại Ấn Độ – quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới đang ở mức cao nhất kể từ cuối tháng 7/2021.
Nhiều lý do đẩy giá gạo Ấn Độ tăng cao
Đồng rupee tăng giá,nguồn cung thiếu hụt, chi phí vận chuyển cao hơn và đồng baht của Thái Lan suy yếu là những yếu tố được cho là nguyên nhân khiến giá gạo xuất khẩu tại Ấn Độ tăng lên mức cao nhất trong gần 3 tháng qua.
Cụ thể, trong phiên giao dịch cuối tuần này, giá gạo 5% tấm của Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đứng ở mức 362-365 USD/tấn. Trong khi tuần trước, giá gạo này ở mức 360-363 USD/tấn. Kể từ cuối tháng 7/2021, đây là mức giá cao nhất của gạo 5% của Ấn Độ.
Theo một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ thì nhu cầu gạo ở mức cao trong khi nguồn cung có hạn đã khiến giá gạo tăng.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống chỉ còn 385-390 USD/tấn. Tuần trước, mức giá của nó là 385-420 USD/tấn. Lý do giảm được cho là vì biến động tỷ giá hối đoái trong khi nhu cầu ở mức vừa phải.
Chưa hết, theo giới thương nhân, những lo ngại kéo dài về chi phí vận chuyển cao là một thách thức lớn đối với các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan khiến cho nhu cầu bị kìm hãm. Bởi thế, người mua đang chuyển sang các đối thủ cạnh tranh có giá hấp dẫn hơn.
Gạo sẽ bị gây thêm áp lực giảm giá khi mà dự kiến Thái Lan sẽ có thêm nguồn cung gạo vào đầu tháng 11/2021.
Vào khoảng nửa cuối tháng 9, giá gạo 5% tấm của Ấn Độ cũng tăng lên, giao dịch ở mức 360-365 USD/tấn. Từ đầu tháng 9, đồng rupee đã tăng khoảng 0,7% làm giảm lợi nhuận của các nhà xuất khẩu khiến họ tăng giá bán tính theo đồng USD.
Dù rằng, một số khách hàng đã tìm mua gạo của Myanmar và Pakistan giữa lúc hai nước này đang chào bán gạo với mức giá cạnh tranh, một nhà xuất khẩu tại Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh tiết lộ.
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi so với tuần trước đó, đứng ở mức 430-435 USD/tấn. Được biết, sau khi hầu hết các hạn chế về di chuyển liên quan đến đại dịch COVID-19 đã được dỡ bỏ thì hoạt động xuất khẩu gạo tại Việt Nam đang dần được đẩy nhanh.
Còn tại thị trường nông sản Mỹ, chốt phiên giao dịch cuối tuần 22/10, giá ngô và lúa mì đồng loạt tăng, còn giá đậu tương lại giảm.
Cụ thể, giá ngô giao tháng 12/2021 tăng 5,75 xu Mỹ (0,42%) lên 5,2725 USD/bushel. Giá lúa mì giao tháng 12/2021 cũng tăng 14,75 xu Mỹ (1,99%), lên 7,56 USD/bushel. Ngược lại, giá đậu tương giao tháng 11/2021 lại giảm 3,5 xu Mỹ (0,29%) xuống 12,205 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2kg; 1 bushel ngô = 25,4kg).
Theo như chia sẻ của Công ty nghiên cứu nông nghiệp AgResource có trụ sở tại Chicago (Mỹ), lúa mì giao kỳ hạn đang tăng giá trong khi đậu tương giảm giá do lượng dự trữ cuối vụ của Mỹ đang tăng. Thêm vào đó là lo ngại ngày càng lớn về nhu cầu tiêu thụ yếu của Trung Quốc.
Một vấn đề khác là giá năng lượng tăng cũng như nỗi lo lạm phát có thể ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường hàng hóa thế giới. Tuy nhiên, nhu cầu xuất khẩu ngô và đậu tương tốt hơn là điều cần thiết để thị trường nông sản phục hồi bền vững.
Cát Anh (T/h)