Áp lực bán ròng giảm dần, tâm lý của nhà đầu tư cá nhân trên TTCK Việt Nam đã ổn định đáng kể

VDSC: Áp lực bán ròng giảm dần, tâm lý của nhà đầu tư cá nhân trên TTCK Việt Nam đã ổn định đáng kể  - Ảnh 1.

So với mức đỉnh thị trường 1.528 điểm thiết lập trong tháng 4/2022, hiện tại chỉ số VN-Index đã giảm 22%. Giá trị khớp lệnh tổng ba sàn hiện chỉ ở mức 49.000 tỷ đồng/tuần, chỉ còn khoảng 38% so với mức trung bình khoảng thời gian thị trường tạo đỉnh. 

So sánh với quá khứ, mức điều chỉnh thanh khoản trong những tháng gần đây cũng thấp hơn so với mức điều chỉnh gần đây nhất của VN-Index trong các năm 2018-2019 và cuối 2019 – giữa 2020, mức giảm khi đó lần lượt đạt 43% và 78%.

Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) có những quan sát tại hoạt động giao dịch nhóm nhà đầu tư cá nhân – thành phần quan trọng nhất trong hoạt động giao dịch thị trường Việt Nam khi chiếm 80-90% tỷ trọng giá trị giao dịch hàng ngày/tuần. Theo đó, VDSC nhận thấy lực bán ròng của nhóm nhà đầu tư cá nhân có xu hướng giảm theo thời gian trong bối cảnh thị trường có những tuần điều chỉnh mạnh. Một phần nguyên nhân đến từ việc giảm áp lực bán giải chấp trong khi một lượng nhà đầu tư đã chấp nhận khoản lỗ và xem nó như một khoản đầu tư dài hạn.

Cụ thể trong tuần 18-22/4/2022, kể từ khi thị trường giảm từ mức đỉnh 1.516 điểm về mốc 1.379, tương đương mức giảm 9%, các nhà đầu tư cá nhân đã không còn nhiều lượng tiền mặt để tiếp tục mua bình quân giá. Cùng với sức ép bán giải chấp (call-margin), đặc biệt tại các ngành bất động sản, vật liệu xây dựng khi nhiều cổ phiếu giảm gần như gấp đôi so với VN-Index, nhà đầu tư cá nhân đã bán ròng hơn 5.161 tỷ đồng – giá trị bán ròng lớn nhất từ trước đến nay.

Sau đó, xu hướng giảm của VN-Index tiếp tục trong ba tuần tiếp theo. Riêng trong tuần 9-13/5 khi chỉ số tạo đáy lần một tại mức 1.183 điểm, lực bán ròng của nhà đầu tư cá nhân, mặc dù đã giảm đáng kể, tuy nhiên vẫn còn ở mức khá lớn trên 3.000 tỷ đồng. 

Sau đó thị trường đã có vài tuần hồi phục kỹ thuật, trước khi bước vào đợt điều chỉnh lần hai (tuần 6-10/6) từ mốc 1.288 về mốc 1.185 sau khi các số liệu thống kê kinh tế Mỹ và mức tăng 75bps lãi suất Fed, mức tăng cao nhất trong vòng 28 năm trở lại đây được công bố trong cuộc họp tháng 06/2022. Trong tuần đầu tiên của đợt điều chỉnh lần hai, giá trị bán ròng của nhà đầu tư cá nhân ở mức 2.465 tỷ đồng, giảm lần lượt 19% và 52% so với giá trị bán ròng hai lần trước đó. Tuy nhiên, đến tuần 20-24/6, khi thị trường xác nhận đáy lần hai (VN-Index đạt 1.185 điểm), giá trị bán ròng của nhà đầu tư cá nhân đã giảm đáng kể, chỉ còn 513 tỷ đồng.

Đến tuần gần đây nhất 4-8/7, khi thị trường tiếp tục có những phiên điều chỉnh, xuyên các đáy cũ và tạo đáy mới 1.150 điểm, trong bối cảnh nhóm nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã không ồ ạt bán theo mà có động thái mua ròng tại tất cả các phiên thị trường giảm điểm

Dựa trên các phân tích trên, VDSC cho rằng tâm lý của thị trường đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân đã ổn định đáng kể so với tâm lý đầy lo lắng diễn ra giữa tháng 4 đến giữa tháng 6 trước đó. Đồng thời, VDSC cũng kỳ vọng thanh khoản thị trường có thể được duy trì và có thể cải thiện nhẹ nếu các yếu tố vĩ mô về giá dầu, sự hồi phục kinh tế Trung Quốc tiếp tục diễn biến tích cực, và dự thảo giao dịch T 2 bắt đầu được thực thi trong tháng 8/2022. 

Tuy nhiên, đội ngũ phân tích cũng lưu ý số liệu nền kinh tế Mỹ và mức tăng lãi suất của Fed trong cuộc họp tháng 7 tới đây, cũng là một biến số đặc biệt quan trọng tác động đến diễn biến của thị trường thế giới, cũng như Việt Nam. Trong đó, VDSC cho rằng, nếu Fed vẫn giữ duy trì mức tăng lãi suất ở mức cao 75bps, cho thấy nền kinh tế vẫn còn nhiều điểm cần khắc phục và có thể kéo dài và thị trường có thể phản ứng tiêu cực với thông tin này.

Trước đó, trong báo cáo chiến lược thị trường, VDSC kỳ vọng VN-Index sẽ biến động trong vùng 1.180 – 1.250 điểm trong tháng 7. Theo đó, chiến lược đầu tư mang tính phòng thủ cao vẫn được khuyến nghị cho tháng 7. NĐT cần duy trì sức mua tốt để có thể nắm bắt cơ hội trong những phiên dao động mạnh của thị trường.

Xét về triển vọng kinh doanh trong quý 2 và quý 3 của các ngành nghề, mặc dù đa số đều được đánh giá là trung lập – tích cực, xu hướng nhìn chung có sự phân hóa giữa các ngành. Do vậy, VDSC cho rằng dòng tiền sẽ tiếp tục luân chuyển qua lại giữa các nhóm ngành, thay vì tạo nên một sóng tăng mạnh cho thị trường.

https://cafef.vn/vdsc-ap-luc-ban-rong-giam-dan-tam-ly-cua-nha-dau-tu-ca-nhan-tren-ttck-viet-nam-da-on-dinh-dang-ke-20220713163846952.chn

Exit mobile version