Sau những phiên tăng điểm liên tiếp, VN-Index đảo chiều với một tuần giao dịch khá giằng co. Với mức thanh khoản thận trọng như hiện tại, chuyên gia dự báo như thế nào về xu hướng của thị trường trong tuần tới?
Ông Bùi Văn Huy- Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC): Cá nhân tôi cho rằng những diễn biến trong thời gian vừa qua không phải khó đoán. Thị trường đã sang tuần phục hồi thứ 3 từ đáy và áp lực ngày càng lớn là chuyện hết sức bình thường. Một điểm đáng chú ý là diễn biến này đang có sự đồng pha với thị trường chứng khoán toàn cầu.
Đà phục hồi của thị trường của cổ phiếu chững lại tuần qua, trong khi đó Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và đồng Dollar có xu hướng tăng trở lại, thị trường hàng hóa tiếp tục nóng với tiêu biểu là giá dầu đã tăng rất mạnh tuần qua. Điều này một lần nữa cho thấy chiếc đồng hồ liên thị trường, sự vận động của các loại tài sản vẫn đàng nhịp nhàng một cách đáng kinh ngạc.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, đồng Dollar đảo chiều tăng trở lại sau khi điều chỉnh. Trong tháng này, cụ thể 14-15/06, cuộc họp quan trọng tiếp theo của FED sẽ diễn ra. Nói thêm về diễn biến thị trường chứng khoán Mỹ, từ năm 1950-nay, theo thống kê, tháng Sáu có vẻ là tháng thị trường diễn biến kém nhất.
Nguồn: Ông Bùi Văn Huy
Thị trường cổ phiếu toàn cầu nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng đã xác lập xu hướng giảm dài hạn theo góc nhìn phân tích kỹ thuật và quãng hồi vừa qua chưa làm thay đổi xu hướng đó. Do đó, chưa thể kết luận nhịp hồi đã kết thúc hay chưa vì sóng hồi luôn biến động mạnh và khó đoán, song có thể dễ thấy áp lực sẽ còn tiếp tục tăng trong tuần tới.
Về bối cảnh đầu tư ở thời điểm hiện tại, Tháng Sáu vẫn có thể là tháng nhiều rủi ro với thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó tâm điểm là chủ đề lạm phát toàn cầu với việc giá dầu tiếp tục bứt phá trong thời gian qua. Thị trường Việt Nam tất nhiên có những điểm sáng và những câu chuyện riêng, tuy nhiên không thể phủ nhận, rủi ro từ thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn còn rất nhiều.
Tâm lý thận trọng là điều rất dễ thấy trong bối cảnh hiện tại. Nhịp hồi vừa qua, ngoài việc các ETFs mua ròng tương đối khá, thì không có dấu hiệu tiền mới vào nhiều ở thành phần quan trọng nhất của thị trường hiện tại đó là nhà đầu tư cá nhân. Về tâm lý của nhà đầu tư cá nhân, từ thực tế công việc, tôi quan sát thấy tâm lý hiện tại mang tư duy T+ khá nhiều trong nhịp hồi này. Tiền thận trọng, chấp nhận biên lãi/lỗ mỏng và sẵn sàng quyết đoán khi có biến xấu. Với tâm lý chung như vậy, không bất ngờ nếu tâm lý thị trường có thể chuyển trạng thái rất nhanh.
Ông Bùi Văn Huy- Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)
Về mặt trung hạn, 3-6 tháng tới, cá nhân tôi vẫn bảo lưu quan điểm thanh khoản thị trường vẫn sẽ không cao vì: (1) Hụt thanh khoản từ việc chấn chỉnh thị trường trái phiếu (2) Làn sóng giảm đòn bẩy trên thị trường cổ phiếu (3) Dòng tiền chuyển kênh đầu tư khi môi trường đầu tư thay đổi & dịch bệnh kết thúc.
Chúng ta không bi quan, nhưng có lẽ còn nhiều ẩn số trong thời gian tới. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư tham gia thị trường cần thận trọng ở một mức độ nhất định và ưu tiên quản trị rủi ro danh mục.
Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC): Sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong tháng Năm (1.156,54 điểm trong phiên ngày 17/5), chỉ số VNIndex đã hồi phục ấn tượng theo hình chữ V trong những phiên sau đó. Giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE đã có những phiên đạt trên 15 ngàn tỷ động, làm tăng thêm hy vọng cho NĐT.
Dù vậy, việc chỉ số liên tiếp thất bại trong việc chinh phục mốc điểm 1.300 đã dẫn đến sự “thất vọng”, và kéo theo đó có thể là sự thận trong những tuần kế tiếp cho NĐT. Sau khi mùa ĐHĐCĐ kết thúc, trong những tuần đầu tháng Sáu dự kiến sẽ chưa có thêm thông tin trọng yếu tác động đến thị trường.
Đồng thời, quan sát diễn biến thị trường trong tuần vừa qua có thể thấy dòng tiền tỏ ra thận trọng tại các ngưỡng kháng cự quan trọng và giải ngân tích cực tại những điểm rung lắc mạnh. Điều này cho thấy NĐT đang có sự thận trọng trong ngắn hạn hơn là bi quan đối với triển vọng dài hạn. Do vậy, tuần sau có thể sẽ là tuần giao dịch giằng co giữa người mua và người bán. Thị trường sẽ chưa có sự đột phá đáng kể cả về mặt điểm số cũng như thanh khoản.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco: Nhìn chung tuần qua thị trường chứng khoán trong nước giao dịch giằng co trong biên độ khá hẹp. Thanh khoản trung bình 1 phiên chỉ đạt trên 15.000 tỷ đồng tăng khoảng 10% so với tuần trước đó, điều này cho thấy tín hiệu chốt lời đã bắt đầu xuất hiện nhưng cũng là tín hiệu cho thấy có lực cầu quay trở lại thị trường.
Về những phiên rung lắc gần đây, cá nhân tôi cho rằng đây không phải là một dấu hiệu xấu. Những phiên tăng giảm đan xen sẽ giúp thị trường hấp thụ tốt hơn lượng cổ phiếu lướt sóng T+ từ đó có thể giúp đà phục hồi trở nên bền vừng hơn. Sau khi đã “hồi phục trong sự bi quan”, giờ là lúc thị trường rơi vào trạng thái “lớn lên trong nghi ngờ”, chúng ta cần một nhóm cổ phiếu đủ khỏe để dẫn dắt thị trường vượt qua tâm lý nghi ngờ đó để tìm lại sự lạc quan và hưng phấn của dòng tiền trong thời gian sắp tới.
Về đồ thị kỹ thuật, tôi cho rằng VN-Index có thể sẽ sớm xuất hiện nhịp chỉnh trong tuần tới khi chỉ báo KDJ đang hội tụ trên vùng 80 điểm (quá mua) và đường tín hiệu J đang có dấu hiệu cắt xuống. Tuy nhiên tôi đánh giá nhịp chỉnh này sẽ không quá sâu và chưa thể thay đổi xu hướng phục hồi của thị trường. Do đó, tôi dự báo biên độ của chỉ số tuần tới có thể trong vùng từ 1.270 – 1.320 điểm.
Nổi bật tuần qua là “sóng” xuất hiện ở nhóm cổ phiếu liên quan đến hàng hóa, trong khi các nhóm cổ phiếu “trụ cột” chính được xem là xương sống của thị trường vẫn chưa khởi sắc. Giữa bối cảnh thị trường hàng hoá tiềm ẩn nhiều biến động, nhà đầu tư có nên tiếp tục “trú ẩn” vào nhóm cổ phiếu này không thưa chuyên gia?
Ông Bùi Văn Huy: Đầu tiên, xét về mặt lý thuyết, cá nhân tôi cho rằng việc luân chuyển vào các nhóm cổ phiếu có liên quan đến hàng hóa, vật liệu là diễn biến rất bình thường, theo đúng mô hình luân chuyển nhóm ngành như đã từng chia sẻ.
Tuy nhiên nhà đầu tư tham gia các nhóm ngành này cần rất chú ý: (1) Trong giai đoạn lạm phát cao, thị trường cổ phiếu khó mà diễn biến tốt được (2) Cần xem xét kỹ giá các loại hàng hóa đó có khả năng tạo đỉnh hay chưa và (3) Mức biến động của các nhóm cổ phiếu này là rất lớn, do đó cần quản trị rủi ro chặt khi tham gia.
Bà Nguyễn Thị Phương Lam: Các nhóm cổ phiếu thể hiện sự phân hóa rõ nét, và tăng điểm luân phiên. Tuần qua, những nhóm ngành có ảnh hưởng lớn đến thị trường như Ngân hàng, Bất động sản, Chứng khoán hầu như không có sự đột phá. Thay vào đó, những nhóm ngành dự báo sẽ hưởng lợi từ diễn biến lạm phát thế giới cũng như hưởng lợi từ căng thẳng địa chính trị duy trì mức tăng điểm rất tích cực. Đây cũng là những ngành dự báo sẽ có KQKD quý hai khả quan hơn so với diễn biến chung của thị trường. Dù vậy, mức tăng giá nhanh đã đưa nhóm này về vùng định giá hợp lý, và đang bắt đầu được chốt lời.
Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Đối với ngành Ngân hàng, dự báo vẫn có một năm tăng trưởng tích cực về mặt lợi nhuận. Dù vậy, định hướng nắn dòng vốn tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên, và kiểm soát hoạt động cho vay ở những mảng đầu tư có dấu hiệu bong bóng hay thanh tra hoạt động phát hành trái phiếu đang tạo nên tâm lý phòng thủ trong ngắn hạn của NĐT ở nhiều nhóm ngành. Điều này đã đưa định giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng về vùng hợp lý hơn cho việc nắm giữ trung – dài hạn. Do vậy, lựa chọn một vài cổ phiếu ngân hàng cho mục tiêu dài hạn cũng là lựa chọn hợp lý.
Ông Nguyễn Anh Khoa: Theo tôi, việc chọn nhóm cổ phiếu sẽ còn phụ thuộc vào chiến lược và khẩu vị rủi ro của từng nhà đầu tư khác nhau. Mặc dù nhóm cổ phiếu hàng hóa đang được hưởng lợi nhờ giá hàng hóa thế giới neo ở mức cao, tuy nhiên nhà đầu tư cũng cần phải lưu ý không nên mua đuổi nhóm này trong những phiên tăng nóng khi sự hưởng lợi này chỉ tác động tới giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Đà tăng có thể chững lại và quay đầu khi diễn biến thị trường quốc tế có những chuyển biến mới. Ngoài ra, tôi cũng cho rằng sẽ khó có nhóm nào trú ẩn an toàn trong trường hợp thị trường chung xảy ra diễn biến tiêu cực.
Bàn riêng về nhóm cổ phiếu dầu khí, nhóm này có diễn biến khá tích cực khi giá dầu Brent sau khi chinh phục thành công kháng cự 115 USD, đang trên đà tiếp tục tăng. Theo chuyên gia, liệu cơ hội còn có ở nhóm cổ phiếu này?
Ông Bùi Văn Huy: Đầu tiên, cũng giống như các cổ phiếu hàng hóa khác nói chung, việc cổ phiếu dầu khí tích cực giai đoạn này là hợp lý theo mô hình luân chuyển nhóm ngành. Tuy nhiên đối với nhóm ngành dầu khí, ngoài việc chú ý đến 3 lưu ý chung đã trình bày ở trên, cần lưu ý thêm về việc liệu doanh nghiệp đầu tư có thực sự được hưởng lợi/việc giá dầu tăng có thực sự phản ánh được vào kết quả kinh doanh hay không, vì các doanh nghiệp trong ngành dầu khí có thể ở các khâu khác nhau của ngành (thượng nguồn – trung nguồn – hạ nguồn).
Thêm một yếu tố, “Cổ phiếu Dầu khí = Cổ phiếu + Dầu khí”. Khi giá dầu tăng thị trường chứng khoán có thể gặp áp lực, điều này có thể khiến các cổ phiếu Dầu khí có thể diễn biến không thể tích cực như giá dầu. Một trong những cách tốt hơn nếu muốn đặt cược vào đà tăng của giá dầu là mua/bán thẳng Hợp đồng tương lai Dầu thô. Hiện tại Việt Nam cũng đã có Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (Mercantile Exchange of Vietnam – MXV) chính thức để nhà đầu tư dễ dàng thực hiện điều này.
Bà Nguyễn Thị Phương Lam: Với giá dầu diễn biến tốt, nhóm cổ phiếu dầu khí đã có những diễn biến tích cực trong nhiều phiên gần đây. Tuy nhiên sự tích cực trên không chỉ xuất phát từ giá dầu mà còn đến từ những thông tin bên lề về việc khởi công dự án Lô B – dự kiến có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) trong tháng 7/2022.
Dựa trên những thông tin hiện tại, chúng tôi ưa thích nhóm cổ phiếu dầu khí khâu trung hạ nguồn nhờ kết quả kinh doanh tốt trong quý 2 trên nền tảng xu hướng giá xăng dầu tốt cũng như cracking spread mở rộng. Trong khi đó, nhóm thượng nguồn sẽ phụ thuộc nhiều vào việc khởi công dự án Lô B. Nếu dự án này đúng như kế hoạch, hoạt động kinh doanh của nhóm thượng nguồn sẽ cải thiện nhờ lượng công việc lớn nhưng chiều ngược lại, sẽ là rủi ro khi nhà đầu tư tham gia mua mới trong giai đoạn này.
Ông Nguyễn Anh Khoa: Theo quan điểm của tôi, giá dầu thế giới đang có những tác động tích cực đến nhóm cổ phiếu dầu khí, tuy nhiên những ảnh hưởng này chỉ mang tính chất ngắn hạn. Nhà đầu tư cần lưu ý, những thông tin từ giá dầu có thể đã phản ánh phần nào vào diễn biến giá cổ phiếu trong thời gian gần đây, nhiều mã đã bật tăng hơn 60% từ vùng đáy trước đó.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Vì vậy, trong các phiên sắp tới, đà tăng của nhóm này có thể bị chững lại khi áp lực chốt lời xuất hiện. Thêm vào đó, chúng ta cũng khó có thể dự báo được đà tăng của giá đầu thế giới có thể tiếp tục duy trì hay không, do đó sẽ có nhiều rủi ro nếu nhà đầu tư mua mới tại vùng giá này. Vào thời điểm tháng 3 vừa qua, nhiều cổ phiếu nhóm dầu khí sau khi đạt đỉnh cũng đã sụt giảm do giá dầu thế giới điều chỉnh.
Câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi được nhắc nhiều trong những ngày gần đây. Có ý kiến cho rằng thanh khoản TTCK Việt Nam có thể gấp đôi hiện nay nếu được nâng hạng. Chuyên gia nhận định ra sao về cơ hội nâng hạng của thị trường?
Ông Bùi Văn Huy: Nâng hạng là một câu chuyện hay, được nhiều người kỳ vọng, trong đó có anh. Tôi cũng rất tin tưởng thị trường Việt Nam sẽ được nâng hạng trong thời gian tới – không quá xa nữa. Tuy nhiên có lẽ cũng không quá gần trong 1-2 năm tới được. Do đó cơ hội nâng hạng, đưa vào Watchlist trong kỳ review MSCI năm 2022 là rất thấp.
Tôi quan sát thấy Việt Nam chưa vào Watchlist xem xét nâng hạng chủ yếu do các yếu tố định tính. Các yếu tố định lượng về quy mô & thanh khoản cá nhân tôi thấy đã đáp ứng được rất tốt. Mức thanh khoản HOSE quanh 10,000 tỷ/phiên cũng không phải là vấn đề gì ảnh hưởng đến việc đáp ứng các tiêu chí nâng hạng.
Bà Nguyễn Thị Phương Lam: Việc nâng hạng thị trường chứng khoán đã được đặt lên thành mục tiêu quan trọng hàng đầu nhằm phát triển tốt hơn thị trường vốn của Việt Nam. Hiện tại, TTCK Việt Nam đã đáp ứng gần như đầy đủ các tiêu chí về nâng hạng. Còn một vài tiêu chí quan trọng cần được xử lý thì chúng tôi nhận thấy cơ quan chủ quản đang tập trung xử lý các vấn đề này. Dù vậy, điều này có thể chưa thể hoàn thiện ngay trong năm 2022.
Ông Nguyễn Anh Khoa: Tôi đánh giá cao khả năng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam do:
(1) Kinh tế trong nước đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Số liệu vĩ mô tháng 5 vẫn cho thấy sự khởi sắc của nền kinh tế với chỉ số PMI đạt 54,7 điểm, cao nhất kể từ tháng 4 năm ngoái. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 477,3 nghìn tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ 2021.
(2) UBCK đang đẩy mạnh tiến độ thử nghiệm và áp dụng hệ thống KRX vào giao dịch thực tiễn. Hệ thống này được biết đến với khá nhiều tiện ích, trong đó tiện ích được các nhà đầu tư kỳ vọng nhiều nhất là giao dịch trong ngày T+0.
(3) Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings mới đây đã nâng mức tín nhiệm dài hạn của Việt Nam từ BB lên BB+ (mức triển vọng ổn định). Việc nâng hạng sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, giúp hỗ trợ thu hút các dòng vốn ngoại nhiều hơn.
https://cafef.vn/goc-nhin-chuyen-gia-ap-luc-dieu-chinh-con-hien-huu-chien-luoc-phong-thu-van-can-uu-tien-20220605133933461.chn