Việt Nam sẽ áp thuế chống phá giá, chống trợ cấp hơn 47,6% đối với đường mía nhập khẩu từ 5 nước trong khu vực ASEAN, nguồn gốc nguyên liệu từ Thái Lan.
Lý do áp thuế chống phá giá đối với đường có nguồn gốc từ Thái Lan
Ngày 1/8, Bộ Công Thương đưa ra quyết định áp các biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với sản phẩm mía đường của Thái Lan, cơ sở dựa trên quá trình điều tra khách quan, minh bạch theo cam kết quốc tế.
Cụ thể, đường nhập khẩu từ các quốc gia gồm Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia, Myanmar có nguồn gốc nguyên liệu của Thái Lan sẽ bị áp thuế chống lẩn tránh.
47,64% là mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng theo quyết định này. Trong đó 42,99% là thuế chống bán phá giá và 4,65% là thuế chống trợ cấp. Thuế chống phá giá đối với đường có nguồn gốc từ Thái Lan sẽ được áp dụng từ ngày 9/8/2022 đến 15/6/2026.
Đường nhập khẩu từ 5 quốc gia trên sẽ không bị áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh nếu chứng minh được là sản xuất từ mía thu hoạch ở nước họ.
Kết quả điều tra cho thấy, các doanh nghiệp tại 5 quốc gia trên đã có hành vi lẩn tránh chống bán phá giá, chống trợ cấp bằng việc xuất khẩu đường mía từ Thái Lan hoặc nguồn gốc nguyên liệu từ Thái Lan sang Việt Nam, gây ảnh hưởng tới ngành sản xuất mía đường trong nước.
Tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, hài hòa lợi ích
Bộ Công Thương hồi tháng 6 năm ngoái đã áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường mía nhập trực tiếp từ Thái Lan. Mức thuế suất áp dụng tổng cộng là 47,64%, trong thời hạn 5 năm.
Năm 2020, đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh, lên gần 1,5 triệu tấn, so với năm 2019 tăng 330,4%. Chính điều này khiến cho ngành sản xuất đường trong nước có thời gian gặp khó khăn. Tính toán cho thấy, 3.300 người lao động đã bị mất việc làm, 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do điều này.
Theo chia sẻ của Bộ Công Thương, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành theo dõi tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại, tình hình sản xuất, cung cầu, giá… từ đó có biện pháp quản lý phù hợp.
Hành động của Bộ Công Thương nhằm đảm bảo một môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, hài hòa lợi ích giữa các bên, từ người nông dân trồng mía, đến các doanh nghiệp sản xuất đường, doanh nghiệp tiêu thụ đường và cả người tiêu dùng.