Theo thông tin về bổ nhiệm nhân sự cấp cao của Công ty CP Hàng không Vietjet (HoSE: VJC), bà Nguyễn Thị Phương Thảo làm Chủ tịch HĐQT Vietjet từ 6/4.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo kế tiếp vị trí bà Nguyễn Thanh Hà
Theo đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty từ ngày 6/4, kế tiếp vị trí bà Nguyễn Thanh Hà. Trong khi đó, ông Đinh Việt Phương – Giám đốc Điều hành được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc thay thế bà Phương Thảo. Lễ công bố quyết định được Vietjet tổ chức tại sự kiện ra quân triển khai kế hoạch 2023 tại TP.HCM.
Được biết, việc bổ nhiệm nằm trong kế hoạch phát triển của Vietjet, cũng là hoạt động đánh dấu sự trưởng thành của đội ngũ lãnh đạo cấp cao, giúp hãng hàng không này mở rộng và đi lên mạnh mẽ trong tương lai.
Mong muốn của bà Nguyễn Thị Phương Thảo khi sáng lập Vietjet là hiện thực hóa giấc mơ bay của người dân trong và ngoài nước. Nhiều năm qua, nữ doanh nhân, tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Vietjet. Bà cùng với nguyên Chủ tịch Nguyễn Thanh Hà đã tạo ra những dấu ấn đậm nét, cùng Vietjet tạo nên sự thay đổi mang tính cách mạng đối với ngành hàng không.
Người thay thế vị trí bà Phương Thảo ở Vietjet là ai?
Từ những ngày đầu, ông Đinh Việt Phương đã gắn bó Vietjet. Từ tháng 10/2020, ông đảm nhận vị trí Phó tổng giám đốc Thường trực, Giám đốc Điều hành của hãng hàng không này. Trong giai đoạn ngành hàng không đương đầu thách thức từ đại dịch Covid-19, tân tổng giám đốc đã có nhiều đóng góp quan trọng giúp Vietjet phục hồi mạnh mẽ trong giai đoạn sau.
Trước khi trở thành lãnh đạo chủ chốt tại Vietjet, ông Đinh Việt Phương giữ nhiều vị trí lãnh đạo tại các doanh nghiệp lớn. Ông nắm trong tay tấm bằng kỹ sư Đại học Hàng hải Việt Nam và tốt nghiệp thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại CFVG (Pháp), tiến sĩ tại Học viện Quốc gia Matxcơva về vận tải.
Về hoạt động kinh doanh của Vietjet trong năm 2022, hãng hàng không này vận chuyển 20,5 triệu lượt khách/116.000 chuyến bay, so với cùng kỳ 2019 tăng trưởng khách nội địa là 20%. Tổng tài sản của hãng đạt hơn 67.000 tỷ đồng, tăng 30%, chỉ số nợ vay dài hạn trên vốn chủ sở hữu là 0,7 lần và chỉ số thanh khoản 1,3 lần, được đánh giá là mức tốt trong ngành hàng không. Năm 2022, hãng nộp ngân sách thuế, phí và lệ phí trực tiếp, gián tiếp 4.349 tỷ đồng.
2023 được kỳ vọng là năm vận chuyển hàng không quốc tế tăng trưởng mạnh, là cơ hội đối với các hãng có năng lực tài chính, vận hành tốt như Vietjet.
Vietjet hứa hẹn bước vào giai đoạn tăng trưởng, phát triển mới, đóng góp cho sự đổi mới của ngành hàng không và thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam khi bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo nhiều kinh nghiệm và tâm huyết.