Cho rằng cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn không phải là chủ mưu, việc điều tra chưa đầy đủ nên Luật sư chỉ định của bà Nhàn đã kháng cáo thay thân chủ đang bỏ trốn.
Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn kháng án
TAND Hà Nội vào ngày 31/1 đã nhận được đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của luật sư đại diện cho bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – cựu chủ tịch AIC và 16 bị cáo.
Theo bản án, bà Nhàn được xác định là chủ mưu trong vụ án vi phạm quy định đấu thầu, đưa nhận hối lộ xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 152 tỷ đồng. Nhưng người này đã trốn khỏi Việt Nam.
Tháng 12/2022, tại phiên toàn xét xử, bà Nhàn cùng 7 đồng phạm đang bỏ trốn bị xét xử vắng mặt. Trong khi đó, 8 bị cáo đều có luật sư bào chữa. Tòa tuyên án, bà Nhàn nhận mức án cao nhất là 30 năm tù. 7 người còn lại, gồm có: Cựu Phó tổng giám đốc AIC Trần Mạnh Hà 25 năm tù; cựu kế toán trưởng AIC Đỗ Văn Sơn 6 năm;
Cựu giám đốc Công ty CP Thiết bị y tế và môi trường Nguyễn Thị Sen 30 tháng, Tổng giám đốc Công ty MOPHA Nguyễn Thị Tích 4 năm; Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Vân Sa Đỗ Mỹ Hạnh bị phạt 5 năm tù; Giám đốc Công ty Nha khoa Việt Tiên Ngô Thế Vinh 4 năm tù.
Sau phiên xử sơ thẩm, các luật sư đã kháng cáo thay cho 8 bị cáo này, chủ yếu là xin giảm hình phạt. Luật sư Dương Văn Nghị, người bào chữa cho bà Nhàn đã kháng cáo toàn bộ bản án, đề nghị hủy án để điều tra lại.
Quan điểm của luật sư này là tòa sơ thẩm chưa có căn cứ để chứng minh cựu chủ tịch AIC là chủ mưu, chỉ đạo thông thầu. Ngoài ra, việc định giá thiệt hại quá cao và chưa được tranh luận làm rõ.
Nhiều luật sư cho rằng đã gặp khó khi lần đầu bảo vệ cho các bị cáo đang bỏ trốn, đặc biệt là đối với chủ mưu Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Vì thế, họ không thể xác định được thân chủ nhận tội hay kêu oan.
Trong số 9 người kháng cáo còn lại, cựu Phó tổng giám đốc AIC Hoàng Thị Thúy Nga xin xem xét lại bản án. Bà nói chỉ là người làm công ăn lương, không hưởng lợi nên đã đề nghị toà phúc thẩm đánh giá lại vai trò. Ngoài ra, bị cáo Nga đề nghị xem xét lại phần bồi thường dân sự khi toà đã buộc bà cùng bà Nhàn và Phó tổng giám đốc Trần Mạnh Hà liên đới bồi thường thiệt hại số tiền gần 150 tỷ đồng.
Cựu giám đốc Bệnh viện Đồng Nai – ông Phan Huy Anh Vũ (án 19 năm tù) và cựu giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Đồng Nai Bồ Ngọc Thu (án 3 năm 6 tháng) xin giảm nhẹ hình phạt.
Hai trong tổng số 8 người bị truy nã đã gửi đơn cho tòa án, nói rằng “không bỏ trốn” mà đang ở Mỹ để chăm sóc người thân, chưa thể có mặt tại phiên xử.
19 bị cáo không kháng cáo
Cựu bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai Trần Đình Thành, cựu chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái và 17 người còn lại của vụ án không kháng cáo. Ông Thành và ông Thái chấp nhận mức án sơ thẩm lần lượt là 11 và 9 năm tù về tội Nhận hối lộ.
Theo bản án xác định, bà Nhàn thiết lập quan hệ với ông Thành để được giới thiệu đi gặp các quan chức trong tỉnh nhằm để Công ty AIC được trúng 16 gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Ông Thành, ông Thái bị cáo buộc đã nhận của AIC mỗi người 14,5 tỷ đồng, ông Vũ 14,8 tỷ đồng nhằm “tạo điều kiện” cho AIC. Sau khi thông thầu, AIC đã trúng 16 gói thầu với trị giá là hơn 665 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 152 tỷ đồng.
Trong vụ án, 11/36 bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh, cán bộ sở ban ngành tại Đồng Nai. VKS đánh giá các sai phạm là “minh chứng điển hình cho lợi ích nhóm”, thể hiện sự móc ngoặc, thông đồng giữa doanh nghiệp và người có thẩm quyền.