Bắc Kinh cấm dạy thêm, 60.000 người mất việc

Gã khổng lồ giáo dục thất thế khi Bắc Kinh cấm dạy thêm. Chỉ trong khoảng 1 năm, 60.000 nhân viên của công ty này đã bị mất việc.

2021 – doanh nghiệp “rung lắc” vì cấm dạy thêm

Trung Quốc đã cấm dạy thêm sau giờ học thu lời và hạn chế các công ty huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Và trước cuộc trấn áp của Bắc Kinh, New Oriental Education trở thành một trong những công ty chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tỷ phú Yu Minhong – người sáng lập ra New Oriental Education đã phải thừa nhận, công ty gặp quá nhiều thay đổi năm 2021.

88.000 là số nhân viên toàn thời gian của New Oriental Education tính đến tháng 5/2021. Ngoài ra, công ty này còn có khoảng 17.000 giáo viên, nhân viên hợp đồng. Số người bị công ty này mất việc chiếm đến 2/3 tổng số nhân viên toàn thời gian.

Vào năm ngoái, New Oriental Education đã phải chi gần 20 tỷ NDT (tương đương với 3,1 tỷ USD) để chi trả lại cho các khoản như: Học phí trước đó khách hàng đã trả, bồi thường cho nhân viên bị sa thải, hủy bỏ hợp đồng thuê những trang web học tập trên cả nước.

Ông Yu Minhong cho hay, New Oriental Education bị giảm doanh thu tơi 80%. Vốn hóa thị trường bay hơi khoảng 28 tỷ USD vào năm ngoái.

Quả thực, chính quyền Bắc Kinh đưa ra lệnh cấm khiến cho giới doanh nghiệp chao đảo. Trên sàn New York và Hong Kong, giới đầu tư tìm cách bán tháo ồ ạt cổ phiếu của những công ty giáo dục nước này.

Theo ước tính của Goldman Sachs vào cuối tháng 7, chỉ trong một tuần, quy định mới đã khiến giá trị vốn hóa thị trường của các công ty dạy thêm được niêm yết trên sàn nước ngoài bốc hơi 77 tỷ USD.

Màn dịch chuyển của những ông lớn giáo dục

Vài năm trở lại đây, tại Trung Quốc, các doanh nghiệp dạy thêm sau giờ học đã phát triển một cách nhanh chóng khi mà nhu cầu dạy cũng như học trực tuyến tăng cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19. TAL, New Oriental and Technology Group ghay Gaotu Techedu được mệnh danh là những gã khổng lồ trong lĩnh vực này và năm 2020, họ đã thuê một lượng lớn nhân viên mới, lên tới hàng chục nghìn người.

New Oriental Education.

Giáo dục trở thành một ngành dịch vụ tại Trung Quốc. Theo báo cáo của Beijing Normal University và TAL Education, nó chiếm khoảng 10 triệu việc làm ở đất nước này.

Báo cáo của Beijing Normal University và TAL Education cho thấy, những dự án kết hợp giáo dục với trí tuệ nhân tạo đã nhận được tới 14,5 tỷ NDT từ các nhà đầu tư trong giai đoạn 2013-2019.

Tuy nhiên, sau cuộc trấn áp cấm dạy thêm, sự khó khăn đã ập đến với các doanh nghiệp kinh doanh mảng này.

Tỷ phú Yu đã phải thừa nhận, hoạt động kinh doanh của công ty trong 6 tháng qua rất khó khăn. Các lớp dạy những môn học chính đã bị dừng hoàn toàn để thay bằng các lớp học âm nhạc, thể thao. Đây vốn là những môn học không nằm trong chương trình dạy học chính tại Trung Quốc. Ngoài ra, New Oriental còn thiết lập thêm nền tảng thương mại điện tử và tập trung bán các sản phẩm nông nghiệp.

Mục tiêu của ông Yu trong năm 2022 đó chính là: “Làm việc chăm chỉ, học tập chăm chỉ và cố gắng tìm hướng đi mới”.

Cũng giống như New Oriental, một gã khổng lồ giáo dục khác tại Trung Quốc là TAL Education vào hồi tháng 11/2021 tuyên bố chuyển từ dạy những môn học chính từ mẫu giáo đến lớp 9 sang học các môn như âm nhạc, thể thao. Ngoài ra, công ty còn muốn mở rộng hoạt động của mình sang nước ngoài.

Cát Anh (T/h)

Exit mobile version