Bởi giá thực phẩm tăng cao nên tại Bắc Kinh, Mỗi người dân có thu nhập thấp sẽ nhận được 6 USD/tháng.
Bắc Kinh ra chính sách hỗ trợ người thu nhập thấp
Cơ quan điều hành kinh tế thành phố Bắc Kinh – Ủy ban Phát triển và Cải cách Bắc Kinh hồi cuối tuần trước thông báo, hơn 300.000 người thu nhập thấp tại đây sẽ nhận được số tiền 40 nhân dân tệ (6 USD) mỗi tháng. Trong tháng này, người dân sẽ được cấp khoản hỗ trợ đầu tiên. Tuy nhiên, cho tới hiện tại, vẫn chưa rõ chính sách này sẽ kéo dài bao lâu.
Tờ Beijing Daily trích lời một quan chức Ủy ban nói rằng, giá thực phẩm tại Bắc Kinh tăng 6,6% trong tháng 1, đủ điều kiện để kích hoạt chương trình hỗ trợ. “Chúng tôi sẽ nỗ lực duy trì mức sống cơ bản cho những người cần giúp đỡ”, vị này nói.
Thông báo này được đưa ra khi mà lạm phát giá thực phẩm tại Trung Quốc tăng tốc sau khi chính phủ nước này thực hiện gỡ bỏ chính sách Zero Covid hồi cuối năm ngoái; cùng với đó là nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Tháng 1, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Trung Quốc tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá thực phẩm tăng hơn 6%, chủ yếu đến từ thịt lợn và hoa quả. Mức tăng giá thực phẩm tại Bắc Kinh cao hơn trung bình cả nước. Chỉ tính riêng giá rau tháng trước đã tăng thêm 24%.
Bất ngờ phản ứng của người dân
Tin tức về khoản hỗ trợ của giới chức khi lan tỏa dường như đã không được người dân đón nhận. Trên mạng xã hội nước này đã xuất hiện rất nhiều phản ứng khác nhau, trong đó, không ít người phàn nàn về chi phí sinh hoạt cao tại Bắc Kinh.
Có người nói trên Weibo rằng, việc hỗ trợ 40 tệ là “trò đùa” khi mà “Tiền đi tàu điện ngầm đến nơi lấy hỗ trợ rồi đi về cũng hết 8 tệ rồi”. Hay có người lại cho rằng, số tiền hỗ trợ “chẳng đủ mua một bát mỳ”.
Rất nhiều những ý kiến khác nhau nữa như chỉ trích hệ thống an sinh xã hội tại Trung Quốc hay không hài lòng về việc chính phủ xóa nợ hàng tỷ USD cho các nước khác.
Chương trình hỗ trợ người thu nhập thấp được Trung Quốc áp dụng từ năm 2011. Theo đó, họ sẽ cấp tiền cho những người cần giúp đỡ khi mà chỉ số giá tiêu dùng hay giá thực phẩm chạm ngưỡng nhất định. Do chi phí sinh hoạt tại mỗi nơi lại khác nhau nên mỗi thành phố hoặc khu vực đều có chuẩn riêng.
Nhưng trên thực té, nhiều địa phương của Trung Quốc cũng đang gặp sức ép tài chính. Nguyên nhân bởi, 3 năm áp dụng chính sách Zero Covid đã khiến ngân sách của họ hao hụt đáng kể. Các chính quyền địa phương mất nguồn thu lớn khi mà thị trường bất động sản lao dốc.