Bắc Ninh: Khôi phục chuỗi cung ứng hậu Covid-19 như thế nào?

Trong khi nhiều địa phương đang gặp nhiều khó khăn, từ vấn đề lưu thông hàng hóa cho đến nguồn cung lao động, Bắc Ninh lại cho thấy khả năng hồi phục kinh tế đáng ngạc nhiên sau khoảng thời gian từng là “tâm dịch” Covid-19.

Bắc Ninh đang có những chỉ số ấn tượng

Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 1.693 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh đạt 20,43 tỷ USD, đứng thứ 7 cả nước về quy mô vốn đầu tư.

Trong 9 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước đạt 95,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8,57% so với cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước đạt 22.087 tỷ đồng, bằng 79,3% dự toán năm 2021, tăng 1,1% so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,74%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 58,9 tỷ USD, tăng 21,79%. Các tập đoàn lớn như: Samsung, Canon… đang đẩy mạnh sản xuất.

Từ nay đến hết năm, do các đơn hàng tăng cho nên các doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng khoảng 15.000 lao động để đáp ứng sản xuất.

Thật khó để hình dung, những chỉ số nói trên lại đến từ một tỉnh, thành phố từng là “tâm dịch” Covid-19 trong khoảng tháng 5, 6. Nhưng có thể thấy, không mất quá nhiều thời gian để Bắc Ninh khôi phục, trở lại trạng thái bình thường, thậm chí là tốt hơn bình thường.

Thực tế là có nhiều chỉ số Bắc Ninh đã và đang đạt tốt hơn thởi điểm trước dịch. Đơn cử như kim ngạch xuất khẩu. Trong tháng 9, Bắc Ninh vẫn đang là địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của cả nước với kim ngạch gần 4,58 tỷ USD. Trong quý 3 khi TP. Hồ Chí Minh gặp dịch bệnh phức tạp, Bắc Ninh đã vươn lên trở thành địa phương dẫn đầu cả nước, góp phần quan trọng giữ nhịp tăng trưởng xuất khẩu chung trong 9 tháng qua.

Hay như với chỉ số về lao động. Trong khi các tỉnh, thành phố phía Nam đối mặt với vấn đề lao động trở về quê sau những chuỗi ngày dài giãn cách xã hội, ngược lại, Bắc Ninh đã thu hút thêm 12.000 lao động tăng mới sơ với thời điểm trước dịch. Rõ ràng, hoạt động sản xuất tại đây không chỉ trở lại trạng thái bình thường mà còn đang tăng tốc phát triển rất tốt.

Bên cạnh đó, tính từ đầu năm đến ngày 20/9/2021, Bắc Ninh đã thu hút được 97 dự án FDI đăng ký cấp mới, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tổng vốn đăng ký đạt 522 triệu USD, tăng 48,1%. Cũng trong 9 tháng, toàn tỉnh điều chỉnh vốn cho 64 dự án, với số vốn điều chỉnh tăng là 106 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 58 lượt với giá trị 144 triệu USD.

Lũy kế đến ngày 20/9/2021, Bắc Ninh có 1.693 dự  án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần vốn góp đạt 20,429 tỷ USD.

Rõ ràng, trong khó khăn bởi bệnh, tăng trưởng được là một thành tích rất đáng ghi nhận của tỉnh Bắc Ninh.

Đâu là bí quyết của Bắc Ninh ?

Thời điểm này, Chính phủ mới ban hành nghị quyết 128 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai và nhất là TP. Hồ Chí Minh vẫn còn khá dè dặt trong việc “mở cửa” hoặc “mở cửa” trong trạng thái còn nhiều băn khoăn, lo lắng hay thậm chí là nghi ngờ về tính hiệu quả.

Bắc Ninh, cũng là một địa bàn trở lại sau chuỗi ngày dài gắn mắc “tâm dịch” nhưng lại đang ở trong một trạng thái tâm thế hoàn toàn khác. Các chỉ số kinh tế nêu ở trên là một minh chứng rõ nét hơn cả.

Thực tế, cũng như hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, Bắc Ninh gặp nhiều áp lực trong việc chống dịch, đây lại là một trong hai địa bàn bị làn sóng dịch lần thứ 4 “ghé thăm” đầu tiên. Nói như Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan: vừa có cái rủi song cũng có cái may; rủi là dịch đến và tác động mạnh, nhanh trong khi kinh nghiệm chống dịch gần như bằng không; lần đầu tiên phải đối mặt với việc ngăn dịch trong các khu công nghiệp, không thể học hỏi từ địa phương nào khác, đành phải tự mày mò, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Cái may ở chỗ là khi đó, nguồn lực từ Trung ương còn lớn, sự chỉ đạo chống dịch với Bắc Ninh và Bắc Giang cũng tập trung hơn so với thời điểm sau này. Nói vậy nhưng không thể không phủ nhận nỗ lực và hiệu quả chống dịch của tỉnh này. Trong điều kiện ngặt nghèo nhất, hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn được đảm bảo ở cức mức độ khác nhau. Quan trọng nhất là Bắc Ninh đa giữ được nguồn lao động sạch cho các doanh nghiệp, không để bị đứt gãy quá nhiều nguồn cung lao động.

Yếu tố quyết định vẫn là dập dịch được nhanh; các doanh nghiệp có thể nhanh chóng quay lại sản xuất. Sáng kiến “3 tại chỗ” được áp dụng đầu tiên tại Bắc Ninh, nhưng chính Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cũng thừa nhận rằng, đây chỉ là phương án tạm thời mà thôi; duy trì lâu thì không doanh nghiệp nào chịu đựng được vì chi phí quá lớn. Thực tế là Bắc Ninh cũng chỉ áp dụng mô hình này trong khoảng 20 ngày, bà Lan nhấn mạnh.

Kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp tối đa

Với đặc thù là một tỉnh công nghiệp, có mật độ dân số cao (gấp 5 lần mật độ trung bình của cả nước, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội), công tác phòng chống dịch tại Bắc Ninh không phải là không có những khó khăn.

Với 36 KCN trên địa bàn; 450.000 công nhân, trong đó 70% là lao động ngoại tỉnh; rõ ràng áp lực phòng, chống dịch với Bắc Ninh không hề nhỏ. Thực tế là Bắc Ninh cũng đã phát sinh thêm ổ dịch trong khoảng thời gian sau này nhưng đã được kịp thời khoanh vùng xử lý nhanh, gọn.

Nguy cơ bùng phát dịch vẫn hiện hữu khi tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn chưa cao, đặc thù lại là địa phương có lượng giao thương, lưu thông lớn, nhưng với bài học kinh nghiệm đã có, Bắc Ninh luôn sẵn sàng trong tâm thế “bình tĩnh” để chống dịch khi cần thiết và đang tăng tốc phát triển kinh tế để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2021.Đây cũng là những yếu tố để Bắc Ninh mạnh dạn “mở cửa” và đang là tỉnh, thành phố chuyển đối trạng thái, thích ứng với bối cảnh mới hiệu quả nhất.

Vượt qua “nỗi lo lắng” hay thậm chí là “sợ hãi” nhưng điều cần nhấn mạnh nữa là Bắc Ninh có cách tiếp cận để xây dựng phương án chuyển đổi trạng thái rất hợp lý. Đó là luôn gắn kết, lắng nghe và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, khắc phục một cách nhanh nhất những khó khăn của doanh nghiệp.

“Như Tập đoàn Samsung, mặc dù hoạt động sản xuất tại Bắc Ninh nhưng nhiều đơn vị cung ứng thiết bị vật tư lại nằm trên các địa phương lân cận; do đó lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cùng tập đoàn này liên tục kết nối với các địa phương tìm ra biện pháp, tạo thuận lợi cho việc lưu thông để đảm bảo chuỗi cung ứng liên tục, không bị gián đoạn”, bà Lan nêu ví dụ cùng với việc nhấn mạnh sẽ thúc đẩy ký kết ghi nhớ hợp tác với các địa phương trong thời gian tới.

Vừa qua, Bắc Ninh đã tổ chức hội nghị đối thoại với gần 200 doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp, hợp tác xã trong nước. Nhiều kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp đã được giải đáp và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Điển hình là việc cấp phép lao động và nhập cảnh đối với chuyên gia nước ngoài, đảm bảo quy định phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ thêm nguồn vaccine để tiêm cho người lao động; hỗ trợ tìm nguồn lao động; giải quyết thủ tục hành chính; tiếp cận chính sách đất đai; sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề…

UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành hướng dẫn cho các doanh nghiệp tiếp nhận lao động, kể cả lao động ở tỉnh ngoài theo quy trình đơn giản, vừa đáp ứng phòng chống dịch vừa sản xuất. Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh cũng triển khai hàng loạt các hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ người lao động, ngăn chặn nguy cơ dịch quay lại, như tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân để địa phương bảo đảm an toàn chống dịch và phục hồi kinh tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cũng cho biết, nhằm tiếp nhận và giải quyết kịp thời những kiến nghị của doanh nghiệp, UBND tỉnh Bắc Ninh đã thành lập Tổ phản ứng nhanh “3 nhất” hỗ trợ doanh nghiệp (Tư vấn hiệu quả nhất; Giải quyết nhanh nhất; Chống dịch an toàn nhất). Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các Sở, ngành chức năng và các huyện, thị xã, thành phố cũng thành lập Tổ phản ứng nhanh 3 nhất để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực, địa bàn quản lý.

Song song với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Bắc Ninh cũng triển khai một loạt các giải pháp hỗ trợ công nhân, để người lao động an tâm gắn bó với nhà máy, xí nghiệp. Cụ thể, tỉnh yêu cầu các cơ sở sản xuất duy trì nghiêm việc tổ chức ăn 3 bữa cho công nhân tại nhà máy; thực hiện “2 địa điểm, 1 cung đường”; thành lập các “Tổ hỗ trợ công nhân”; thiết lập hệ thống quản lý, bố trí người lao động theo 3 cùng (cùng ở – cùng làm phân xưởng/tổ -cùng ăn).  

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cũng khẳng định, thực hiện chủ trương của Trung ương là thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch COVID-19, Bắc Ninh sẽ tiếp tục tập trung bảo vệ “vùng xanh của khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ”.


Exit mobile version