BAF chấp thuận đầu tư 2 dự án 120 ha tại Gia Lai – ANV thành lập công ty bất động sản

BAF chấp thuận đầu tư 2 dự án 120 ha tại Gia Lai - ANV thành lập công ty bất động sản

Nông nghiệp BaF muốn đầu tư hai dự án trại nuôi heo tại Gia Lai

Nông nghiệp BaF Việt Nam (HoSE: BAF) công bố Nghị quyết HDDQT chấp thuận đầu tư hai dự án nuôi heo tại huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. 

Dự án thứ nhất là trại nuôi heo theo mô hình trại lạnh khép kín với quy mô 5.000 nái và 60.000 heo thịt/lứa trên khu đất có tổng diện tích khoảng 70 ha tại xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Công ty đầu tư thông qua hình thức sở hữu tối thiểu 80% vốn điều lệ của Công ty TNHH Hùng Phát Farm Một – chủ đầu tư dự án. 

Dự án thứ hai nuôi heo theo mô hình trang trại lạnh khép kín với quy mô là 5.000 nái và 60.000 heo thịt/lứa trên khu đất có tổng diện tích khoảng 50 ha tại thôn Plei Du, xã Chư Răng, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. BaF sẽ đầu tư thông qua hình thức sở hữu tối thiểu 80% vốn điều lệ của Công ty TNHH Trọng Kiên Farm Hai – chủ đầu tư dự án.

Thời gian bắt đầu thực hiện cả hai dự án dự kiến từ tháng 10. Tổng giá trị đầu tư không quá 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty. Tính đến cuối năm ngoái, tổng tài sản của BAF tăng hơn 200 tỷ đạt 5.457 tỷ đồng; một nửa số này là khoản phải thu ngắn hạn khách hàng.

HĐQT giao cho Tổng Giám đốc Bùi Hương Giang được quyền quyết định toàn bộ vấn đề và chủ động thực hiện các công việc cần thiết.

Mới đây, công ty vừa công bố tài liệu đại hội thường niên 2022. Theo đó, BAF lên kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu thuần 5.950 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 402 tỷ đồng, lần lượt giảm 43% và tăng 25% so với thực hiện năm ngoái.

Trong mảng chăn nuôi, doanh nghiệp dự kiến bán ra thị trường 14.717 con heo giống bố mẹ; 193.498 con heo thịt và 50.916 heo cai sữa. Doanh thu dự kiến đạt 1.272 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 294 tỷ đồng, chiếm 73% trên tổng lợi nhuận sau thuế của BaF.

Đối với mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi, dự kiến đầu năm nay, nhà máy cám BaF Tây Ninh với công suất 200.000 tấn/năm chính thức đi vào hoạt động, kết hợp với nhà máy cám Phú Mỹ công suất hiện tại 60.000 tấn/năm sẽ cung ứng đủ lượng cám cho các trang trại nội bộ của BaF. Doanh thu thuần của mảng này dự kiến đạt 678 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 45 tỷ đồng, chiếm 11% lợi nhuận sau thuế toàn công ty.

Doanh thu mảng kinh doanh nông sản giảm 59% so với năm trước xuống còn 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 64 tỷ đồng, chiếm khoảng 16% tổng lợi nhuận của công ty.

Trong năm 2021, doanh thu giảm 19% xuống 10.434 tỷ đồng; song lãi sau thuế đạt 322 tỷ đồng, gấp 7 lần năm trước. Trong cơ cấu doanh thu, mảng nông sản đạt 9.671 tỷ đồng, vẫn chiếm tỷ trọng lớn 93% và giảm 22%. Doanh thu chăn nuôi đạt 763 tỷ đồng, tăng 79%. Biên lợi nhuận mảng nông sản mỏng chỉ khoảng 2,2% trong khi mảng chăn nuôi là 36%.

ANV: Thuỷ sản Nam Việt (ANV) rót 81 tỷ đồng lập công ty bất động sản

Thuỷ sản Nam Việt (Navico, ANV) vừa thông qua quyết nghị góp vốn thành lập công ty bất động sản. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Bất động sản Nam Việt được cấp Giấy chứng nhận ĐKDN vào ngày 9/3/2022, địa chỉ đặt tại Tp.Long Xuyên, Tỉnh An Giang. Người đại diện sẽ là ông Doãn Chí Thiên, tổng vốn góp là 81 tỷ đồng – tương đương 100% vốn.

Về ANV, Công ty chuyên sản xuất thủy sản với sản phẩm chủ lực là cá tra. Năm 2021, doanh thu thuần đạt 3.494 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ, dù vậy LNST đạt gần 128 tỷ đồng, giảm 36,6% so với năm 2020. Theo Công ty, lợi nhuận giảm là do chi phí lãi vay tăng, chi phí bán hàng cũng tăng cao chủ yếu là chi phí cước tàu và chi phí vận chuyển.

Kinh doanh kém sắc, song cổ phiếu ANV trên thị trường đang tăng mạnh. Chốt phiên 9/3/2022, ANV sát mốc 39.000 đồng/cp, tức tăng 44% từ đầu năm.

Đà tăng cổ phiếu đến từ sự lạc quan của ngành thuỷ sản 2 tháng đầu năm. Ghi nhận, giá trị xuất khẩu cá tra tăng 83% so với cùng kỳ, nhờ sự tăng lên của cả sản lượng xuất khẩu và giá xuất khẩu. Theo VASEP, trong tháng 1/2022, giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh lần lượt 82%, 64% và 62% cùng kỳ sang Mỹ, EU và Trung Quốc. Nguồn cung thắt chặt và nhu cầu cao là động lực chính thúc đẩy xuất khẩu thủy sản vào năm 2022.

Cùng với sự phục hồi kinh tế trên toàn cầu, nhu cầu đối với các sản phẩm thủy sản tiếp tục tăng trở lại do dịch vụ ăn uống phục hồi trong khi doanh số bán lẻ vẫn đạt mức cao mới. Trong khi nhu cầu của Mỹ tiếp tục tăng, thị trường Trung Quốc và EU có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ sau một năm giảm.

Exit mobile version