Bài toán huy động vốn của Bamboo Capital

ViMoney: Bài toán huy động vốn của Bamboo Capital

Trong Quý IV/2021, Bamboo Capital (BCG) đã công bố doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ tăng mạnh lên đến 681 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc đầu tư trái phiếu, cổ phiếu và lãi phải thu từ các hợp đồng hợp tác đầu tư. Bên cạnh đó, công ty cũng chốt lãi khoản đầu tư vào cổ phiếu PGBank và chuyển nhượng cổ phần của Công ty xây dựng và đầu tư Xuân Phú Hải.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án bất động sản và cơ chế giá năng lượng tái tạo đang trong quá trình xây dựng thì việc sử dụng vốn đã huy động được đầu tư vào hoạt động tài chính và M&A đã mang đến doanh thu lớn cho doanh nghiệp này.

Ông Phạm Minh Tuấn – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc BCG chia sẻ, năng lượng tái tạo là một trong các trụ cột quan trọng của BCG và chiến lược của công ty là “đi cùng và đi trên vai người khổng lồ”. Sau khi ký kết với các đối tác quốc tế trong mảng năng lượng như Leader Energy, SP Group, Sembcorp Utilities, BCG đã giảm bớt cổ phần của mình tại các dự án năng lượng tái tạo, tận dụng nguồn vốn và công nghệ từ phía đối tác

Điển hình, BCG đã giảm tỷ lệ sở hữu tại dự án điện mặt trời Phú Mỹ từ mức xấp xỉ 90% xuống còn 41%, phía đối tác Leader Energy nắm giữ 49% sau khi dùng quyền chuyển đổi toàn bộ lượng trái phiếu chuyển đổi đang nắm giữ.

Mảng bất động sản sẽ là trụ đỡ 2022

Năng lượng tái tạo – lĩnh vực chủ đạo theo định hướng của BCG hiện gặp phải nhiều khó khăn về chính sách vĩ mô khi chưa có cơ chế giá điện mới. Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty cho biết các khó khăn này là ngắn hạn trước mắt, BCG hiện đang vận hành các trang trại điện mặt trời với tổng công suất là 437MW và sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu tổng công suất năng lượng tái tạo đạt 1,5 – 2 GW vào năm 2023.

Trong năm 2022, BCG dự kiến đưa vào vận hành 114 MW công suất còn lại của dự án Phù Mỹ. Việc xây dựng và lắp đặt các tấm pin của dự án đã hoàn thành nhưng chính sách giá cho 114MW này vẫn đang phải chờ chủ trương tiếp theo.

Cơn khát vốn của Bamboo Capital
Dự án Cánh đồng năng lượng mặt trời Phù Mỹ tại Bình Định của BCG.

“Giá điện hỗ trợ (FiT) hiện đã hết hạn trong khi không tính đến ảnh hưởng dịch bệnh, khiến các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài buộc phải chạy đua về giá. Trong khi đó, chi phí xây dựng ngày càng tăng khiến biên lợi nhuận của các dự án ngày càng giảm. Bên cạnh đó, việc EVN không phát triển mạng lưới điện đủ nhanh cũng làm gia tăng rủi ro các dự án hoàn thành nhưng không thể hòa vào lưới điện”, ông Phạm Minh Tuấn cho biết.

Trong bối cảnh chưa có giá điện mới và các thủ tục liên quan để phê duyệt dự án cũng lâu hơn, BCG buộc phải có những bước đi chậm và chắc ở mảng này. Việc các dự án năng lượng tái tạo không mang lại tỷ suất sinh lời đúng như kế hoạch ban đầu là một thách thức BCG phải đối mặt, bởi hầu hết đây đều là những dự án quy mô lớn, sử dụng đòn bẩy tài chính cao và thời gian hồi vốn lên đến hàng chục năm.

Điều này có thể thấy rõ khi nhìn vào tình hình vay nợ của công ty. Đầu tư mạnh vào các ngành có tỷ lệ thâm dụng vốn cao khiến cả năm 2021, chi phí lãi vay của BCG đã tăng gấp ba lần so với năm 2020 lên hơn 1.033 tỷ đồng. Tổng các khoản vay tính tới cuối năm 2021 lên đến hơn 13.000 tỷ đồng trong đó, nợ dài hạn hơn 12.000 tỷ đồng.

Công ty rất tích cực huy động vốn thông qua hình thức trái phiếu với hơn 8.600 tỷ đồng, tăng mạnh từ mức 1.424 tỷ đồng vào cuối năm 2020. Dẫn đến tỷ lệ tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của BCG là 3,4 lần và tỷ lệ nợ vay/ vốn chủ sở hữu là 1,56 lần.

“Việc không có giá điện đang ảnh hưởng tới tiến độ các dự án năng lượng tái tạo. Chúng tôi đang làm việc với các cơ quan chủ quan, sẵn sàng chuẩn bị thi công đại trà các dự án trên biển từ tháng 4/2022, mục tiêu hoàn thành 1 phần dự án trong năm và muộn nhất đến giữa năm 2023 sẽ hoàn thành”, Tổng giám đốc BCG chia sẻ.

Mặt khác, BCG cũng tìm kiếm cơ hội trong các lĩnh vực khác. Ban lãnh đạo cho biết, lợi nhuận trong năm 2022 có thể phụ thuộc lớn vào lĩnh vực bất động sản. Dự kiến doanh thu bất động sản của BCG trong năm 2022 dao động từ 4.800 – 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 1.200 tỷ đồng.

Đại diện công ty chia sẻ, các dự án bất động sản của BCG đang được đẩy nhanh tiến độ. Dự án Malibu Hội An dự kiến sẽ được bàn giao toàn bộ cho khách hàng trong năm 2022. Công ty cũng kỳ vọng sẽ ghi nhận doanh thu phân khu shophouse của dự án Hội An D’or trong năm nay.

BCG cũng sẽ mở bán phần còn lại của dự án này cùng với các dự án khác như King Crown Infinity, Casa Premium, Amor Riverside Bình Chánh và Casa Marina Mũi Né trong năm 2022. Với các dự án mới, công ty dự kiến triển khai 3 dự án gồm Helios Village (Đắk Nông), Phoenix Mountain (Quy Nhơn) và KCN Cát Trinh (Bình Định).

Cùng với bất động sản, hoạt động đầu tư công thông qua công ty con Tracodi cũng được BCG tích cực đẩy mạnh. Ban lãnh đạo Tracodi cho biết công ty đã có tham gia được vào một số dự án như ký hợp đồng thi công sân bay Phan Thiết với giá trị gói thầu là 400 tỷ đồng, đồng thời xin tăng công suất khai thác của mỏ đá Antraco lên 2 triệu m3/năm và tăng trữ lượng khai thác thêm 20 triệu m3 để phục vụ các dự án hạ tầng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

BCG và Tracodi cũng đang nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường trục phát triển kinh tế Bắc – Nam tỉnh Sóc Trăng theo phương thức đối tác công – tư (PPP), dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 3.500 tỷ đồng.

Đẩy mạnh tăng vốn, giảm tỷ lệ đòn bẩy tài chính

Duy trì mảng năng lượng tái tạo trong khi tìm kiếm các cơ hội mới khiến BCG đối mặt với áp lực nguồn vốn. Cả năng lượng tái tạo, bất động sản hay hạ tầng đều là những lĩnh vực thâm dụng vốn cao, đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn.

Ngay đầu năm 2022 này, BCG đã thông qua kế hoạch chào bán 60 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 20.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Sau phát hành, vốn điều lệ doanh nghiệp tăng lên 5.067 tỷ đồng. Thời gian phát hành trong nửa đầu năm 2022, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Số tiền huy động được dự kiến 1.200 tỷ đồng dùng để nâng cao năng lực về vốn và đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Cụ thể, đơn vị sẽ dùng toàn bộ 1.200 tỷ đồng góp vốn vào BCG Land để thực hiện các giao dịch liên quan đến dự án bất động sản.

Hiện tại, các nhà đầu tư tổ chức gồm TPS, SHS và VIG đã đăng ký mua vào 46 triệu cổ phiếu, 12 nhà đầu tư cá nhân đã đăng ký mua nốt phần còn lại.

Trước đó, cuối năm 2021, BCG đã chào bán thành công gần 149 triệu cổ phần cho các cổ đông hiện hữu và thu về hơn 1.785 tỷ đồng. Ban lãnh đạo công ty trong thời gian tới sẽ tiến hành thêm nhiều đợt huy động vốn mới, mục tiêu để nâng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng và đưa tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp xuống dưới 2 lần.

Hoạt động tăng vốn song hành với bước đi vào một lĩnh vực nữa của BCG là dịch vụ tài chính. Trong năm ngoái, công ty đã mua lại bảo hiểm AAA, Chứng khoán Thủ đô, mua 30 triệu cổ phiếu ưu đãi của TPBank cũng như tham gia vào HĐQT Eximbank gần đây.

Hiện nay TPBank và Nam ABank là 2 ngân hàng có quan hệ tín dụng chặt chẽ với BCG, khi cấp các khoản vay dài hạn, mua trái phiếu doanh nghiệp và nhận thế chấp các tài sản của BCG.

Nguồn: ViMoney tổng hợp

Exit mobile version