Bài toán lao động sau Covid-19

Thiếu lao động là tình trạng đang diễn ra ở nhiều ngành nghề; nếu không đẩy mạnh tiêm vaccine cho công nhân, bài toán thiếu hụt nhân công sẽ thêm trầm trọng.

Đốt đuốc tìm lao động

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), với những nhà máy có thể thực hiện sản xuất, thì cũng chỉ huy động được 10-50% số lượng công nhân, nhưng số doanh nghiệp huy động được 50% lao động là rất ít, chủ yếu chỉ huy động được khoảng 20-30% công nhân, số còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương.

Ước tính trên 300.000 lao động trực tiếp tại các nhà máy chế biến thủy sản đã mất công ăn việc làm, và ít nhất số lượng tương tự nữa cho các lực lượng lao động trong chuỗi sản xuất thủy sản liên quan bị tác động theo.

Cũng theo Vasep, chỉ có 30-40% doanh nghiệp có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, số doanh nghiệp còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất, vì trung bình để khôi phục được 50% công suất cần đến 3-6 tháng; khôi phục 70% công suất sản xuất cần từ 9 tháng đến 1 năm; khôi phục 100% công suất sản xuất phải mất đến khoảng 1,5-2 năm.

Hiện nay, số lượng các đơn hàng xuất khẩu đã tăng 10-20% so với năm 2020 nhưng chỉ có khoảng 30-40% doanh nghiệp thủy sản đủ năng lực phục hồi sản xuất ngay sau giãn cách vì ngoài thiếu nguyên liệu, các doanh nghiệp còn thiếu nhân lực nghiêm trọng, VASEP nhấn mạnh.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng cho biết, nhiều lao động bỏ về quê tránh lây lan dịch bệnh và khó khăn trong việc đi lại, di chuyển giữa các địa phương do phong tỏa, giản cách xã hội. Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát vào tháng 9/2021 thì số lượng công nhân dự kiến chỉ đạt 65%. Do đó, thiếu hụt nguồn nhân lực sẽ là thách thức lớn cho ngành dệt may trong quý III và cả quý IV.

Tại Đồng Nai, các doanh nghiệp FDI đã nêu thực tế: nhiều người lao động hiện đang ở trong vùng vàng, cam, đỏ, doanh nghiệp không thể khôi phục sản xuất, nên đề nghị tỉnh nới rộng quy định cho người lao động các vùng nói trên được xét nghiệm và cách ly 7 ngày xét nghiệm lại, nếu có kết quả tiếp tục âm tính thì cho trở lại nhà máy làm việc.

Vaccine… và vaccine

Thời điểm này, bên cạnh các yêu cầu cơ bản về trình độ, kỹ năng phục vụ công việc, các doanh nghiệp tuyển dụng còn phải đảm bảo rằng người lao động đã được tiêm vaccine phòng Covid-19. Đây là điều mà doanh nghiệp chỉ có thể kiến nghị chính quyền chứ không thể tự chủ được hoàn toàn.

Mới đây nhất, trong kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các hiệp hội doanh nghiệp FDI cũng lưu ý rằng, vaccine là chìa khoá quan trọng. Họ tiếp tục lưu ý đến việc cần ưu tiên tiêm cho một số nhóm đối tượng như nhân viên y tế, người cao tuổi, người có bệnh nền, nhân viên sản xuất, giao nhận… cho cả liều đầu tiên lẫn liều thứ hai.

Tại Đồng Nai, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp FDI kiến nghị về những vướng mắc liên quan đến vấn đề mở cửa để khôi phục sản xuất kinh doanh; trong đó nhấn mạnh đến việc được ưu tiên vaccine ngừa Covid-19 để tiêm cho toàn bộ người lao động mũi 1, mũi 2;

Bên cạnh đó, cần linh hoạt để xử lý vấn đề chuyên gia nhập cảnh vào Đồng Nai để làm việc trong các công ty; việc thông thương hàng hóa, đưa đón lao động trở lại nhà máy; nới rộng quy định cho người lao động các vùng nói trên được xét nghiệm và cách ly 7 ngày xét nghiệm lại, nếu có kết quả tiếp tục âm tính thì cho trở lại nhà máy làm việc…

Còn với ngành dệt may, trong bối cảnh hiện nay, tuyển dụng đủ lao động và người lao động được tiêm vaccine sẽ tạo điều kiện tốt cho DN yên tâm sản xuất, kịp thời giao trả hàng trong thời gian đến cuối năm. Điều này không chỉ giúp nâng cao uy tín của hàng dệt may Việt Nam hiện nay mà còn tạo nguồn lợi nhuận, tạo tiền đề cho sự bứt phá trở lại của ngành này những năm tới.

Có lẽ, giải pháp cấp thiết và lâu dài đối với hầu hết các DN Việt Nam để ổn định sản xuất lúc này vẫn vẫn là đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho người lao động. Việc đẩy nhanh tiêm vaccine cho công nhân sẽ đem lại nhiều hiệu quả, xét cả về mặt xã hội cũng như phát triển kinh tế dài hạn.

Exit mobile version