Bamboo Airways sắp đón 2 cựu lãnh đạo Japan Airlines

Ông Nguyễn Minh Hải xin từ nhiệm sau 2 tháng làm CEO Bamboo Airways

Dự kiến, cựu chủ tịch HĐQT Japan Airlines là Masaru Onishi và Hideki Oshima, Giám đốc khối Quan hệ quốc tế của Japan Airlines sẽ gia nhập Bamboo Airways.

Danh tính 2 cựu lãnh đạo Japan Airlines gia nhập Bamboo Airways

Ông Nguyễn Ngọc Trọng – Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways cung cấp thông tin trên trong bối cảnh hãng bay này đang cải tổ mạnh mẽ sau khi FLC thực hiện thoái vốn. Theo đó, mục tiêu hãng đặt ra là gia nhập liên minh hàng không, đồng thời cân nhắc phương án hợp tác, liên doanh với các hãng bay quốc tế uy tín nhằm tăng năng lực cạnh tranh.

Ông Trọng chia sẻ, có thể Bamboo Airways sẽ có những thay đổi quyết liệt tại các vị trí cấp cao trong HĐQT và ban điều hành. Trước mắt, cựu Giám đốc khối Quan hệ quốc tế và liên minh hàng không của Japan Airlines – ông Hideki Oshima sẽ tham gia HĐQT Bamboo Airways và ban điều hành. Trong khi đó, ông Masaru Onishi, cựu Chủ tịch Japan Airlines tham gia với vai trò Cố vấn cao cấp cho HĐQT Bamboo Airways.

Japan Airlines hiện là hãng bay lớn thứ hai tại Nhật Bản. Thời điểm cuối năm 2019, trong cuộc gặp giữa lãnh đạo hai hãng bay ở Hà Nội, Japan Airlines từng đề nghị Bamboo Airways hợp tác sâu rộng.

HĐQT Bamboo Airways hiện tại có 5 thành viên là Chủ tịch Nguyễn Ngọc Trọng; hai phó chủ tịch là ông Doãn Hữu Đoàn, Lê Bá Nguyên; hai thành viên gồm ông Lê Thái Sâm và Nguyễn Mạnh Quân.

Ông Masaru Onishi

Nuôi tham vọng nâng quy mô đội bay lên 100

Vốn điều lệ của hãng Bamboo Airways hiện ở mức 18.500 tỷ đồng. Đại hội đồng cổ đông Bamboo Airways tại phiên họp tuần trước đã đồng ý phát hành 1,15 tỷ cổ phần mới, qua đó tăng vốn điều lệ lên 30.000 tỷ đồng. Với nguồn vốn mới, Bamboo Airways có thể giảm được dư nợ cũ, đồng thời có thể tiếp tục đẩy nhanh, mạnh kế hoạch gia tăng số lượng đội tàu bay, mở rộng mạng bay quốc tế, nâng chất lượng dịch vụ.

FLC đã chuyển nhượng toàn bộ 21,7% cổ phần sở hữu tại hãng hàng không này. Theo đánh giá của ông Trọng, việc FLC thoái hết vốn sẽ giúp cơ cấu Bamboo Airways tập trung, hoạt động cũng trở nên độc lập.

Theo Chủ tịch Bamboo Airways, “Nhiều kế hoạch trọng yếu của hãng bị đình trệ bởi khủng hoảng sẽ được tái khởi động và đẩy mạnh quyết liệt”. Ông đồng thời khẳng định, hãng hàng không này đang nghiêm túc đầu tư vào một giai đoạn phát triển mới nhằm tiến nhanh và trở thành một hãng bay có thương hiệu ở châu Á.

Tham vọng nâng quy mô đội bay lên 100 tàu vào giai đoạn 2028 – 2030 vẫn được Bamboo Airway duy trì. Để bổ trợ cho hoạt động vận tải cốt lõi, hãng vẫn đang xây dựng các hệ sinh thái xoay quanh, bao gồm cung ứng dịch vụ mặt đất, cung ứng suất ăn, hạ tầng kỹ thuật, vận tải hàng hóa…

Exit mobile version