Báo cáo, dự đoán thị trường ngành vật liệu xây dựng Quý III/2021 và dự báo Quý IV/2021

bao-cao-thi-truong-nganh-vat-lieu-xay-dung-quy3-quy4

Báo cáo thị trường ngành vật liệu xây dựng Quý III/2021 và dự báo Quý IV/2021. Thực hiện chủ trương của Thủ tướng chính phủ, các Bộ ban ngành đã có những quy định về việc sử dụng VLXKN dần dần thay thế đất sét nung theo lộ trình. Sau 10 năm, Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) đến năm 2020 kèm theo Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng chính phủ đã đạt được những hiệu quả không thể phủ nhận.

Báo cáo thị trường ngành vật liệu xây dựng : Gạch xây

Gạch xây gồm 02 nhóm sản phẩm: gạch đất sét nung và gạch không nung. Gạch không nung có các chủng loại sản phẩm là gạch bê tông, gạch bê tông bọt, gạch bê tông khí chưng áp và không chưng áp.

Gạch đất sét nung để xây tường đang chiếm khoảng 50-60%. Công nghệ sản xuất bằng lò đứng thủ công đã bị xóa bỏ hoàn toàn. Lò nung tuynel kiểu cũ để sản xuất gạch nung cũng đang giảm dần vì năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không cao, nguồn nghuyên liệu sét dẻo đang cạn dần và việc siết chặt quản lý đất đai sẽ dẫn đến thời kỳ khai tử xu hướng sản xuất bằng công nghệ này.

Nguồn sét dẻo chất lượng tốt được sử dụng, lựa chọn để sản xuất ngói lợp và các sản phẩm cao cấp khác có giá trị kinh tế hiệu quả hơn. Công nghệ sản xuất bằng lò vòng cải tiến cũng đòi hỏi nguyên liệu đầu vào là sét dẻo. Vì vậy sự tồn tại của công nghệ này cũng không thể lâu dài. Sự tồn tại của công nghệ sản xuất gạch nung, xem ra chỉ còn lại là lò kích thước lớn, vòm phẳng, đùn gạch mộc bằng áp lực cao.

Đây là công nghệ sản xuất chủ yếu dùng nguyên liệu đất bãi ven sông, đất đồi, không dùng sét dẻo. Công nghệ mới này có năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, tự động hóa cao, tiêu tốn ít năng lượng trong nung đốt, sấy, giá thành sản phẩm thấp có khả năng cạnh tranh tốt.

Dự kiến, trong giai đoạn 2021-2030, công suất thiết kế của một dây chuyền sản xuất gạch đất sét nung đầu tư mới không nhỏ hơn 20 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm. Đối với các tỉnh miền núi có thể đầu tư dây chuyền sản xuất gạch đất sét nung với công suất 10 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm. Tỷ lệ sử dụng gạch đất sét nung còn khoảng 30% – 40% trong tổng sản lượng vật liệu xây. Tỷ lệ sản phẩm gạch nung trang trí, mỏng, rỗng… giá trị gia tăng cao chiếm 80%; Giảm mức tiêu hao nhiệt, mức phát thải CO2 từ 20% đến 30% so với mức trung bình hiện nay.

Vật liệu xây không nung (VLXKN) được làm từ những phụ phẩm, phế thải hoặc các loại cốt liệu thông qua quá trình tạo hình, đóng rắn mà không cần sử dụng đến nhiệt. Quá trình sản xuất loại vật liệu này không gây ảnh hưởng môi trường nên còn gọi là vật liệu xanh. Công nghệ sản xuất sử dụng VLXKN đã trở thành công nghệ chủ lực trong sản xuất vật liệu xây ở các nước trên thế giới và ở các nước Đông Nam Á.

Trong xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, khi phá dỡ công trình tất cả các phế thải được tái sử dụng. Vì vậy, thay thế cho gạch đất sét nung truyền thống, sử dụng VLXKN đang là xu thế tất yếu của ngành sản xuất vật liệu xây dựng.

Thực hiện chủ trương của Thủ tướng chính phủ, các Bộ ban ngành đã có những quy định về việc sử dụng VLXKN dần dần thay thế đất sét nung theo lộ trình. Sau 10 năm, Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) đến năm 2020 kèm theo Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng chính phủ đã đạt được những hiệu quả không thể phủ nhận.

Đối với các công trình công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây với tỷ lệ: Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh: sử dụng 100%; Các tỉnh đồng bằng Trung du Bắc bộ; các tỉnh vùng Đông Nam bộ:

Tại các khu đô thị từ loại III trở lên sử dụng tối thiểu 90%, tại các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 70%; Các tỉnh còn lại: Tại các đô thị từ loại III trở lên phải sử dụng tối thiểu 70%, tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50%. Ngoài ra, các công trình xây dựng từ 09 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây.

Dự kiến, giai đoạn năm 2021-2030, sản lượng sản xuất VLXKN chiếm tỷ trọng so với tổng lượng gạch xây khoảng 35 – 40% vào năm 2025; 40 – 45% vào năm 2030; đảm bảo tỷ lệ sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng theo quy định.

Đồng thời, đầu tư sản xuất các loại VLXKN có kích thước lớn, các sản phẩm sử dụng nguyên liệu là chất thải công nghiệp (tro, xỉ than; xỉ luyện kim…); các sản phẩm nhẹ; các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành xây dựng. Tỷ lệ sử dụng VLXKN chiếm khoảng 50% – 60% trong tổng sản lượng vật liệu xây; Sử dụng tối đa các chất thải công nghiệp (tro, xỉ than, xỉ luyện kim,…) để sản xuất VLXKN.

***Điểm tin doanh nghiệp 27/10: May 10(M10), MVN, NTP***

Tại các năm trước, sản lượng sản xuất gạch xây đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài, lượng tiêu thụ giảm 5-7% so với năng lực sản xuất trong 9 tháng năm 2021.

Giá gạch không nung vẫn không có biến động, giá bình quân trên thị trường đối với gạch không nung loại đặc có kích thước 220x105x65 rơi vào khoảng từ 1.100 – 1.400 đồng/viên, đối với các loại gạch không nung khác tùy theo loại và kích thước mà giá bình quân từ 1.500 – 13.500 đồng/viên.

Báo cáo thị trường ngành vật liệu xây dựng: Gạch ốp lát

Hiện nay, các doanh nghiệp tại Việt Nam đang sản xuất 03 loại sản phẩm gạch ốp lát chính, đó là: gạch Cotto, gạch Ceramic, gạch Porcelain (gạch Granite). Trong đó, gạch Cotto là một loại gốm không phủ men, nguyên liệu chính là đất sét và được nung với nhiệt độ cao 1160~1200oC.

Gạch có màu đỏ đất nung, thường được sử dụng để lát sân vườn, lát sàn cho những công trình kiến trúc giả cổ. Do ứng dụng không rộng rãi, nhu cầu gạch cotto là thấp nhất trong số các loại gạch ốp lát.

Hai sản phẩm còn lại được dùng phổ biến trong các công trình xây dựng, trong đó có gạch Granite tuy mới xuất khoảng chục năm trở lại đây nhưng được đánh giá là có chất lượng tốt nhất hiện nay, do có thành phần làm từ bột đá nên có độ bền tốt hơn so với các sản phẩm còn lại.

Ngành gạch ốp lát Việt Nam phân hóa mạnh với 82 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn cùng hàng loạt các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Các doanh nghiệp có công suất và chiếm thị phần lớn đều là các doanh nghiệp FDI và tư nhân khép kín như Prime (70 triệu m2/năm), Royal, Vitto (36 triệu m2/năm), Tasa (24 triệu m2/năm), Catalan (18 triệu m2/năm) và Toko (15 triệu m2/năm).

Trong khi đó, những doanh nghiệp nội địa như Viglacera, CMC, Thạch Bàn hay Đồng Tâm đa số tập trung phân khúc bình dân với trung cấp và đã trong xu hướng chuyển dịch dần lên cao cấp từ cuối 2015.

Với những ưu thế trên, Việt Nam đang đầu Đông Nam Á và đứng thứ 6 thế giới về sản lượng gạch gốm ốp lát.

Tổng sản lượng gạch ốp lát sản xuất năm 2020 khoảng 560 triệu m2; trong đó, gạch ceramic khoảng 420 triệu m2, granite 120 triệu m2  và cotto 20 triệu m2. Mức tiêu thụ nội địa khoảng 465 triệu m2; trong đó, gạch ceramic 340 triệu m2, granite 100 triệu m2 và cotto 25 triệu m2.

Giá trị xuất khẩu gạch ốp lát đạt khoảng 180 triệu USD. Tương đương mức giảm nhẹ 1,8% và 3,4% so với năm 2019. Trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng ốp lát đạt 250 triệu m(giảm 27,7%); sản lượng tiêu thụ đạt 192 triệu m2 (giảm 45,5%) so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ vật liệu xây dựng hoàn thiện nói chung và gạch ốp lát nói riêng tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực của xu hướng giảm tốc của tăng trưởng ngành xây dựng dân dụng Việt Nam kể từ năm 2015.

Đồng thời, mức độ ảnh hưởng là lớn nhất trong năm 2021 do tác động thêm từ diễn biến dịch COVID-19 bùng phát mạnh và phức tạp cùng chỉ thị cách ly toàn xã hội của Thủ tướng Chính phủ đẩy nhanh hơn tốc độ giảm tốc của ngành xây dựng.

Tăng trưởng giá trị thực ngành xây dựng giảm mạnh khi thị trường bất động sản cũng như hoạt động xây dựng chung trên cả nước trầm lắng. Theo đó, nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng hoàn thiện trong nước sụt giảm mạnh.

Về mức giá của các loại gạch ốp lát trên thị trường: Mức giá trung bình gạch cotto thấp hơn so với ceramic và giá của gạch ceramic thấp hơn so với porcelain (granite). Ngoài ra, gạch có kích thước càng lớn hoặc được gia công thêm như tráng men, mài cạnh, mài mặt nano hay in kĩ thuật số,… thì giá bán trung bình cũng cao hơn.

Dư cung gạch ốp lát toàn ngành những năm gần đây khiến giá bán gạch ốp lát liên tục trong xu hướng giảm. Ngành xây dựng dân dụng giảm tốc đã tác động tiêu cực tới nhu cầu gạch ốp lát, khiến các doanh nghiệp liên tục phải thực hiện các chính sách giảm giá bán nhằm giảm lượng hàng tồn kho cũng như tăng sức cạnh tranh và sản lượng tiêu thụ.

Thêm vào đó, với việc thu nhập người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2021, nhu cầu gạch ốp lát sụt giảm đối với các dòng sản phẩm cao cấp như ceramic tráng men, ceramic mài cạnh, porcelain (granite) đồng nhất hay porcelain mài cạnh các kích thước từ 60×30 trở lên.

Ngược lại, các dòng sản phẩm trung cấp kích thước 40×40 và 50×50 ghi nhận nhu cầu tăng. Do đó, giá bán các dòng sản phẩm cao cấp giảm mạnh trong khi các dòng trung cấp có xu hướng giữ giá hoặc tăng nhẹ ở một số chủng loại trong năm 2021.

Trong năm 2022 và các năm tiếp theo, tốc độ đô thị hóa nhanh (tỷ lệ đô thị hóa 6 tháng đầu năm 2021 đạt 40,4%, tăng 1,9 % so với 2020) cùng tăng trưởng dân số 0,9% mỗi năm sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng gạch ốp lát (sản phẩm chiếm tỷ trọng lên tới 60% sản lượng tiêu thụ nhóm vật liệu xây dựng hoàn thiện bề mặt).

Cùng với đó, theo ước tính từ số liệu của CIC và Tổng điều tra dân số 2019, trong giai đoạn 2019 – 2023, tổng nhu cầu nhà ở xây mới và thay thế sẽ ở mức 691,7 nghìn căn hộ, tương đương 2,5% số căn nhà cả nước năm 2019.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng giá trị thực xây dựng nhà để ở và không để ở (mảng tiêu thụ chính của gạch ốp lát) dự kiến đạt 7,9% trong năm 2023, cao hơn 1,7% so với con số tăng trưởng 6,2% năm 2020. Trong đó, dịch Covid-19 kỳ vọng được kiểm soát tốt trong năm 2022, đặc biệt khi vắc xin đã được tiêm ở diện rộng trên toàn quốc trong năm 2021.

Do vậy, dự kiến sản lượng sản xuất và tiêu thụ gạch ốp lát năm 2022 kỳ vọng sẽ đạt lần lượt 580 và 484 triệu m2. Tốc độ tăng trưởng sản lượng sản xuất và tiêu thụ ngành gạch ốp lát năm 2022 kỳ vọng cải thiện so với 2021. Đồng thời giá vật liệu xây dựng này sẽ không có sự biến động nhiều trong tương lai.

Báo cáo thị trường ngành vật liệu xây dựng: Nhựa đường

Nhựa đường là sản phẩm của công nghiệp lọc, hóa dầu và hiện nay thường được chia thành 2 loại chính là nhựa đường lỏng và nhựa đường đặc. Mỗi loại lại có đặc tính, cách sử dụng và ứng dụng khác nhau.

Nhựa đường đặc nóng được nhập khẩu từ các nhà máy lọc dầu tại Singapore, Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật bản…như Eso, SK, Thai lube, Simosa…, và của các hãng có uy tín trên thế giới. Nhựa đường phuy được đóng phuy từ Nhựa đường đặc nóng nhập khẩu, trên dây chuyền công nghệ khép kín. Nhựa đường nhũ tương, nhựa đường lỏng (MC) được sản xuất tại các nhà máy.

Chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam và thương hiệu uy tín hàng đầu là nhựa đường Petrolimex (hơn 30% thị phần cả nước). Công ty TNHH Nhựa đường Petrolimex là đơn vị đầu tiên tổ chức kinh doanh nhựa đường đặc nóng 60/70 tại Việt Nam từ năm 1994.

Hiện tại, công ty TNHH Nhựa đường Petrolimex có hệ thống 7 nhà máy phân bố rộng khắp trên cả nước, với khoảng cách 400km lại có một nhà máy sản xuất đồng bộ các sản phẩm nhựa đường: Nhà máy Nhựa đường Thượng Lý – Hải Phòng, Nhà máy Nhựa đường Cửa Lò – Nghệ An, Nhà máy Nhựa đường Thọ Quang – Đà Nẵng, Nhà máy Nhựa đường Quy Nhơn – Bình Định, Nhà máy Nhựa đường Cam Ranh – Khánh Hòa, Nhà máy Nhựa đường Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh, Nhà máy Nhựa đường Trà Nóc – Cần Thơ.

Các nhà máy này sử dụng dây chuyền sản xuất tiêu chuẩn châu Âu, trung bình mỗi năm cung cấp trên 200 nghìn tấn nhựa đường các loại: nhựa đường nhũ tương, nhựa đường polime và nhựa đường MC.

Đối với nhựa đường là loại mặt hàng nhập khẩu nên có độ nhạy cao đối với biến động xăng dầu, biến động của dầu thô trên thế giới và tỷ giá ngoại tệ trên đồng Việt Nam.

Bắt đầu từ quý I/2020, giá dầu thô thế giới đang ở mức cao, giảm dần đến quý II/2020 thì bắt đầu tăng liên tiếp các quý đến thời điểm tháng 7/2021. Nguyên nhân sự biến động của dầu thô thế giới chủ yếu là do diễn biến dịch COVID-19 và lượng cầu của thế giới.

Trong giai đoạn tăng giá của dầu thô, dịch bệnh được kiểm soát, lượng cung không đủ đáp ứng nhu cầu bùng nổ của thị trường của các nước trên thế giới. Các nước đang bắt đầu khôi phục tăng trưởng kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, đến tháng 7/2021, dịch COVID-19 với biến thể Delta lại bùng phát và nguy cơ lây lan rộng khắp thế giới.

Nhu cầu nhiên liệu bị giảm khi nhiều quốc gia trên thế giới đã phải đối phó với sự bùng phát của biến thể Delta bằng cách thắt chặt các hạn chế đi lại. Tại Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu thô lớn, chính sách” không khoan nhượng” của nước này đối virus đã ảnh hưởng đến nhu cầu dầu vận tải, và các biện pháp như vậy trước mắt sẽ làm chậm sự phục hồi của nhu cầu dầu thô.

Trong các báo cáo thị trường dầu hàng tháng mới nhất của OPEC, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) đều bày tỏ lo ngại về biến thể Delta, do các nước tiêu thụ dầu thô lớn, đặc biệt là ở châu Á tái thực hiện các hạn chế do dịch bệnh. Nhập khẩu dầu thô của châu Á trong tháng 7 theo ước tính của Refinitiv Oil Research là 22,59 triệu thùng/ngày, giảm so với mức 23,78 triệu thùng/ngày ở tháng 6/2021 và 23,04 triệu thùng/ngày ở tháng 5

Tuy vậy, giá nhựa đường quý III/2021 tương đối ổn định so với quý II/2021 (tăng 1,2%-3,7%) và tăng 5,7%- 15,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung giá nhựa đường trung 8 tháng 2021 tăng từ 10-20% so với cùng kỳ năm 2020.

Dự báo giá nhựa đường quý IV/2021 vẫn tiếp tục tăng nhẹ 3-5% do việc vận chuyển khó khăn và dịch COVID 19 ở các nước châu Á vẫn chưa được kiểm soát.

Các loại vật liệu khác

Báo cáo thị trường ngành vật liệu xây dựng: Cát xây dựng

Giá cát xây dựng tại cả 6 khu vực thị trường trên cả nước trong Quý III/2021 về cơ bản ổn định không có sự tăng giá bất thường. Giá cát xây dựng các khu vực biến động do các địa phương thực hiện phòng chống dịch theo Chỉ thị số 15 và Chỉ thị số 16 của Chính phủ.

Các công trình được phép tổ chức thi công xây dựng phải đáp ứng được các tiêu chí và nguyên tắc :

– Công trình xây dựng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; công trình thuộc dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp theo quy định của pháp luật về xây dựng; công trình phục vụ quốc phòng, an ninh đã triển khai thi công xây dựng; các công trình sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình cung cấp cơ sở, tiện ích hạ tầng kỹ thuật ở ngoài đô thị, cách xa điểm dân cư tập trung.

– Công trình xây dựng sắp hoàn thành khi đưa vào khai thác sử dụng có ý nghĩa lớn về kinh tế – xã hội (khối lượng xây dựng đã thực hiện đạt trên 80%); công trình đang thi công xây dựng bắt buộc phải tiếp tục triển khai để bảo đảm kỹ thuật công trình, an toàn tính mạng cộng đồng hoặc ảnh hưởng, gây mất an toàn cho công trình liền kề; công trình xây dựng trong khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; công trình sửa chữa, cải tạo nhà xưởng, thiết bị trong phạm vi mặt bằng của doanh nghiệp.

– Công trình sử dụng cho mục đích dân dụng trong khu dân cư có hàng rào che chắn xung quanh khu vực xây dựng và có khoảng cách đến nhà, công trình lân cận, trục đường giao thông chính tối thiểu từ 30m trở lên. Riêng đối với nhà ở riêng lẻ, số lượng lao động có mặt tại công trình xây dựng không quá 10 người.

– Riêng đối với khu vực có mức nguy cơ rất cao (vùng đỏ), phải tạm dừng thi công xây dựng tất cả các công trình xây dựng, trừ các công trình xây dựng sử dụng cho mục đích phòng, chống dịch.

Các địa phương tại khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên Hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long phải thực hiện giãn cách từ tháng 5/2021, nên giá cát xây dựng giảm từ 6-20% so với quý II/2021.

Dự báo quý IV/2021, các hoạt động khai thác cát, đá triển khai tiếp tục trên cả nước, lượng cung sẽ tăng trong quý IV/2021, giá cát sẽ tương đối ổn định, chiều hướng tăng nhẹ 3-5% .

Báo cáo thị trường ngành vật liệu xây dựng : Đá xây dựng 

Với việc các mỏ đá phân bố tại tất các vùng trên Việt Nam và nguồn cung trong nước đang ổn định thì đủ để thỏa mãn mọi nhu cầu xây dựng trong nước.

Năm 2021, Bộ Giao thông sẽ tập trung thúc đẩy tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng khác như cao tốc Bến Lức – Long Thành, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, các dự án đường bộ, đường sắt quan trọng, cấp bách.

Các dự án ODA chuyển tiếp; đẩy nhanh thủ tục triển khai các dự án ODA mới bổ sung, các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Nhà nước, các dự án sử dụng vốn dự phòng trung hạn giai đoạn 2016 – 2020; triển khai các dự án: Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ giai đoạn 1, nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, luồng cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2; tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng giai đoạn 2 Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng…

Do những yếu tố cung và cầu, giá vật liệu đá xây dựng quý III/2021 giảm 10-20% so với quý II/2021. 
Dự báo quý IV/2021, các hoạt động khai thác cát, đá triển khai tiếp tục trên cả nước, lượng cung sẽ tăng trong quý IV/2021, giá đá sẽ tương đối ổn định, chiều hướng tăng nhẹ 3-5% .

Đề xuất, kiến nghị

Trước tình hình diễn biến phức tạp của giá vật liệu, đặc biệt là giá thép, 23/63 địa phương đã kịp thời công bố bổ sung các vật liệu biến động giá lớn để cho các đơn vị có liên quan thực hiện công việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng trong quý II/2021 và quý III/2021.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tình hình sản xuất đầu tư xây dựng vẫn biến động không ngừng, Viện Kinh tế xây dựng kiến nghị Bộ Xây dựng tiếp tục có văn bản đôn đốc các địa phương thường xuyên cập nhật giá vật liệu xây dựng bám sát diễn biến giá thị trường với tần suất từng tháng (đặc biệt là các thành phố trực thuộc trung ương như Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh).

Sớm báo cáo ảnh hưởng của việc giá vật liệu xây dựng đến công tác quản lý đầu tư xây dựng tại địa phương. Bên cạnh đó, Viện Kinh tế xây dựng cũng kiến nghị Bộ Xây dựng cần có những biện pháp và cơ chế để kiểm soát chi phí đối với các dự án đang chịu ảnh hưởng tăng giá của vật liệu xây dựng, nhằm chống độc quyền, đầu cơ, tùy tiện nâng giá vật liệu xây dựng.

Exit mobile version