Thách thức bủa vây sàn chứng khoán
Khép lại phiên giao dịch đầu tiên của tháng 2-2023, chỉ số chứng khoán VN-Index giảm hơn 35 điểm. Với mức giảm hơn 3,7% trong phiên đầu tháng, chứng khoán Việt Nam bị xếp vào thị trường có mức giảm sâu thứ nhì thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Tính chung cả năm 2022 vừa qua, chứng khoán Việt Nam cũng là thị trường giảm mạnh hàng đầu thế giới, khi chỉ số VN-Index rớt tới gần 33%.
Mức giảm này cũng sâu hơn nhiều thị trường lớn khác như Hàn Quốc (-29%), Mỹ (-19,4%), Nhật Bản (-9,4%)… Trong khi đó, một số thị trường lân cận như Malaysia, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Ấn Độ vẫn giữ được mức tăng trưởng dương.
“Trong giai đoạn hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đón nhận các yếu tố tích cực và tiêu cực đang xen”, ông Hoàng Việt Phương – giám đốc Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư SSI – cùng các cộng sự, đưa ra nhận định về thị trường trong năm 2023.
Cụ thể, rủi ro ngắn hạn đến từ sự giảm tốc trong lĩnh vực sản xuất. Rủi ro thanh khoản hệ thống khi lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn duy trì ở mức cao… Dù vậy, điểm sáng là Chính phủ đang có những động thái thực tế hơn nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường vốn.
“Xét về chu kỳ kinh tế, năm 2023 được nhìn nhận là một năm Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức và khó dự đoán, tuy nhiên đây cũng thường là thời kỳ các dòng tiền lớn giải ngân vào thị trường chứng khoán”, phía SSI cho hay.
Mặc dù đưa ra quan điểm tích cực về dòng vốn các quỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2023, song phía SSI thể hiện quan điểm trung lập hơn trong ngắn hạn do vẫn có rủi ro dòng tiền khối ngoại vào Việt Nam. Với diễn biến trên, cần tập trung vào câu chuyện tăng trưởng riêng của từng cổ phiếu.
Kỳ vọng giai đoạn khó khăn nhất đã đi qua
Ông Nguyễn Thế Minh – giám đốc nghiên cứu phân tích khối khách hàng cá nhân thuộc Chứng khoán Yuanta Việt Nam – nhận định Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023, nên tăng trưởng kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam có thể sẽ chưa thể khởi sắc mạnh mẽ trong năm.
Tuy nhiên, kỳ vọng giai đoạn khó khăn nhất đã đi qua.
Cụ thể, ông Minh và nhóm nghiên cứu phân tích của Yuanta dự báo mức tăng trưởng EPS (lợi nhuận thu được trên mỗi cổ phiếu) nằm mức 7,65%.
Về kịch bản thị trường chứng khoán trong năm 2023, phía Yuanta đưa ra ba kịch bản. Đầu tiên, kịch bản cơ sở – có xác suất cao nhất, kỳ vọng chỉ số VN-Index đạt mức 1.258 điểm (+25% so với phiên cuối cùng của năm trước).
Ở kịch bản lạc quan, chỉ số VN-Index có thể vươn lên 1.405 điểm (+39,5%). Kịch bản này có thể xảy ra khi Fed “quay xe” trong việc điều hành lãi suất cuối năm, nhằm hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng sau khi hoàn thành nhiệm vụ kiềm chế lạm phát.
Cuối cùng, kịch bản bi quan, VN-Index có thể giảm về mốc 998 điểm (-0,9%). Tuy nhiên, Yuanta cho rằng kể cả trong trường hợp kịch bản bi quan xảy ra thì chỉ số VN-Index cũng có thể sẽ không giảm mạnh và vẫn biến động quanh mức 1.000 điểm.
Trong giai đoạn “mây chưa tan”, nhà đầu tư cân nhắc ưu tiên chiến lược phòng thủ gồm: dầu khí, điện nước và khí đốt, tiêu dùng thiết yếu.
Ông Michael Kokalari – chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital – nhận định nền kinh tế Việt Nam được tác động tích cực từ việc Trung Quốc gỡ bỏ các hạn chế COVID-19. Tác động tức thời là đồng Việt Nam (VND) tăng khoảng 5%, cộng thêm khoảng 2% tăng trưởng GDP Việt Nam vào năm nay được tạo ra bởi lượng khách du lịch Trung Quốc trở lại.
Phía VinaCapital nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam cũng được ảnh hưởng bởi lạm phát toàn cầu nhiều khả năng đã qua đỉnh, các ngân hàng trung ương sẽ bớt quyết liệt hơn trong chính sách thắt chặt tiền tệ, áp lực về lãi suất và tỉ giá trong nước đã giảm đáng kể… Thêm vào đó, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng vốn trên 700.000 tỉ đồng (+25% so với kế hoạch năm trước).
Điểm lưu ý là chỉ số VN-Index đang có mức P/E (định giá) 10 lần – vùng định giá rẻ nhất trong vòng một thập kỷ trở lại đây. Như vậy, với góc nhìn dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội.