Theo thống kê của chúng tôi, từ đầu năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán đã huy động vốn cổ phần thành công hơn 61.400 tỷ đồng, bằng 53% số vốn cổ phần huy động được trong năm 2021 (115.200 tỷ đồng). Tuy vậy, số vốn cổ phần các doanh nghiệp đã huy động được còn cao hơn số cả năm 2018 và 2020.
Bên cạnh đó, số vốn cổ phần các doanh nghiệp đã lên kế hoạch huy động nhưng chưa thực hiện trong hơn 8 tháng đầu năm là hơn 32.000 tỷ đồng, còn trong năm 2021, số này là 40.000 tỷ đồng.
Phần lớn vốn cổ phần được huy động trong năm nay qua phương thức chào bán cổ phiếu ra công chúng hoặc chào bán cho cổ đông hiện hữu, chiếm khoảng 79%.
Những năm trước đây, phần lớn nguồn vốn cổ phần được huy động qua phát hành riêng lẻ, như năm 2018, vốn cổ phần huy động qua phát hành riêng lẻ là 26.400 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 65%; năm 2019, vốn cổ phần huy động qua phát hành riêng lẻ là 60.100 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 73%. Sau đó, tỷ lệ này giảm dần qua các năm, đến hiện tại còn 17%.
Ngoài ra, số vốn cổ phần huy động qua ESOP cũng đã vượt 1.000 tỷ đồng, qua bán cổ phiếu quỹ là 1.200 tỷ đồng và qua chuyển đổi trái phiếu 350 tỷ đồng. Năm 2021, các doanh nghiệp thu được 18.774 tỷ đồng từ bán cổ phiếu quỹ.
Có thể thấy trong năm trước, tận dụng tình hình tích cực của thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp đã nhanh tay bán “gần hết” cổ phiếu quỹ và 8 tháng đầu năm 2022, tiền thu về từ bán cổ phiếu quỹ đã giảm rất mạnh.
Tính từ đầu năm đến nay đã có 16 doanh nghiệp thành công huy động vốn trên 100 tỷ đồng. Trong đó, nhóm chứng khoán, ngân hàng dẫn đầu về số lượng: Mỗi ngành có 4 doanh nghiệp.
Nhóm chứng khoán gồm SSI, Vndirect, VIX, SHS còn nhóm ngân hàng gồm Nam Á Bank, SeaBank, LienVietPostBank, ngân hàng Quốc Dân.
Ngoài ra là ngành xây dựng (với các đại diện CC1, CIENCO 4, Everland), bán lẻ (PNJ), bất động sản (Sunshine homes), hàng gia dụng (Rạng Đông), Bamboo Capital và công ty con TCD.
Những thương vụ huy động vốn đã thực hiện lớn nhất nửa đầu năm 2022 lần lượt thuộc về các công ty chứng khoán SSI, Vndirect, VIX, SHS.
Cụ thể, SSI đã phát hành hơn 496,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông với giá 15.000 đồng/cp thu về 7.446 tỷ đồng đồng thời nâng vốn điều lệ lên hơn 14.911 tỷ đồng, là công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Còn Vndirect phát hành 434,9 triệu cổ phiếu, giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng số tiền huy động khoảng 4.349 tỷ đồng. Chứng khoán VIX phát hành 274,6 triệu cổ phiếu giá 15.000 đồng/cp thu về 4.119 tỷ đồng. Chứng khoán SHS phát hành hơn 325 triệu cổ phiếu, giá 12.000 đồng/cổ phiếu thu về hơn 3.900 tỷ đồng.
Đứng thứ 4 là Bamboo Capital huy động được 2.926 tỷ đồng. Sau đó là 3 ngân hàng Nam Á Bank 2.860 tỷ đồng, SeABank 2.715 tỷ đồng , LienVietPostBank 2.650 tỷ đồng.
Đáng chú ý, về kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2022, LienVietPostBank công bố dự định sẽ chào bán 95,8 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài và chào bán 300 triệu cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu với giá tối thiểu 10.000 đồng/cp.
Kể từ đầu năm 2021, khi đổi Luật chứng khoán, quy định doanh nghiệp sau khi mua cổ phiếu quỹ sẽ tiến hành hủy lượng cổ phiếu quỹ đã mua, đồng thời không được chào bán cổ phần tăng vốn trong vòng 6 tháng kể từ ngày kết thúc việc mua cổ phiếu quỹ thì chưa có công ty nào mua lại cổ phiếu quỹ, trong năm 2021 chỉ có 22 tỷ đồng mua lại cổ phiếu do một số công ty mua lại ESOP. Gần đây, CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) công bố phương án mua lại cổ phiếu, thời gian dự kiến giao dịch sẽ trong quý 3, quý 4 năm nay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp nhận.