Bất chấp thị trường chung giảm mạnh, loạt cổ phiếu cơ bản vẫn lội ngược dòng thành công

Bất chấp thị trường chung giảm mạnh, loạt cổ phiếu cơ bản vẫn lội ngược dòng thành công - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên giao dịch đầu tuần chứng kiến những biến động không mấy tích cực. Tâm lý ảm đạm bao trùm, chỉ số chính bị kéo về sát mốc 1.200 điểm đã làm đánh rơi những nỗ lực tăng giá trước đó. Xét về độ rộng, bên bán áp đảo hoàn toàn bên mua, cụ thể số mã cổ phiếu giảm điểm lên tới 765 mã, trong đó có tới 93 mã giảm sàn.

Kết phiên, VN-Index giảm 28,6 điểm xuống 1.205,43 điểm. Hiện tại, giới đầu tư toàn cầu đang “nín thở” chờ xem FED liệu có mạnh tay tăng lãi suất 1% trong kỳ họp 21/9 tới hay không.

Bên cạnh những tác động tiêu cực khiến chỉ số chính lao dốc không phanh, vẫn có những nỗ lực tăng điểm giúp thị trường tránh khỏi việc giảm sâu. Đặc biệt, nhiều cổ phiếu lớn vẫn “thăng hoa”, trở thành những điểm sáng hiếm hoi trong phiên.

Nhóm cổ phiếu ngược dòng trong phiên 19/9

Xét theo mức đóng góp, VIC của Tập đoàn Vingroup là mã cổ phiếu biến động tích cực nhất, giúp VN-Index tăng 0,38 điểm. VIC trong phiên hôm nay tăng 0,64% lên mức giá 62.900 đồng/cp. Đà tăng của mã này trái ngược với kết quả kinh doanh nửa năm qua, cụ thể, doanh nghiệp thu về hơn 31.600 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ chi phí, lãi ròng sau thuế của VIC đạt 1.065 tỉ đồng.

Dù vậy các lĩnh vực còn lại đều ghi nhận sự hồi phục và tăng trưởng tốt sau đại dịch COVID-19, như kinh doanh khách sạn và vui chơi giải trí tăng 80%, y tế và giáo dục tăng lần lượt 44% và 14% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với doanh nghiệp có mảng chính là kinh doanh mảng bất động sản như Vingroup, yếu tố hàng tồn kho được giới đầu tư quan tâm. Theo đó, hàng tồn kho tăng 61% lên gần 80.980 tỉ đồng, chủ yếu do chỉ tiêu bất động sản để bán đang xây dựng liên quan đến dự án mới mở bán Vinhomes Ocean Park 2, The Empire (đông Hà Nội).

Xếp thứ 2 sau VIC, EIB của Eximbank trở thành nhà băng lội ngược dòng mạnh mẽ nhất, ghi nhận mức tăng 2,35% lên 34.900 đồng/cp. Đáng chú ý, trong 10 phiên giao dịch gần nhất, EIB bứt phá với 6/10 phiên tăng điểm tốt, thậm chí có 2 phiên 14-15/9 tăng gần hết biên độ.

Về hoạt động kinh doanh, Eximbank cho thấy sự trở lại mạnh mẽ của mình trong năm 2022. Theo báo cáo tài chính, Eximbank là ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong quý 2/2022 khi báo lãi trước thuế đạt 1.094 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của EIB đạt 1.902 tỷ đồng, tăng 243% so với cùng kỳ, là mức tăng trưởng cao nhất trong hệ thống.

Bên cạnh đó, ông lớn ngành công nghệ – Tập đoàn FPT (mã CK: FPT) cũng chứng kiến sự bứt phá trong phiên chỉ số chính đỏ lửa hôm nay. Với mức tăng 0,73% tuy không lớn nhưng đủ để góp mặt vào top 3 cổ phiếu nâng đỡ thị trường.

Sự bứt phá của Tập đoàn FPT đến từ việc công bố KQKD 8 tháng đầu năm 2022 mới đây. Cụ thể, FPT ghi nhận doanh thu đạt 27.060 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.951 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% và 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ và EPS lần lượt đạt 3.409 tỷ đồng và 3.117 đồng, tăng 29,6% và 29%.

SSI Research kỳ vọng lợi thế về chi phí thấp của FPT sẽ tiếp tục được phát huy trong bối cảnh nguy cơ suy thoái toàn cầu. Lãnh đạo FPT kỳ vọng các hợp đồng mới sẽ duy trì mức tăng trưởng hai con số trong nửa cuối năm 2022. Ngoài ra, trong trường hợp nền kinh tế có những biến động không lường trước, dòng tiền ổn định từ dịch vụ viễn thông có thể là một điểm cộng cho FPT.

Tiếp theo, bộ đôi HAG (+1,84%) của CTCP Hoàng Anh Gia Lai và HNG (+0,82%) của CTCP Nông nghiệp Quốc tế HAGL trở thành những cái tên hiếm hoi ngược dòng thị trường chung.

Yếu tố giúp cho những mã cổ phiếu này trở nên hấp dẫn được cho rằng đến từ “heo ăn chuối” và “gà đi bộ ăn chuối”. Những ngày bán hàng đầu tiên tại Bapi Food với lượng khách mỗi ngày một tăng, nhiều thời điểm khách đến sau phải về tay không do hết hàng. Như “bầu” Đức khẳng định, tập đoàn đã thoát nạn và bước sang trang mới tươi sáng với tỷ suất lợi nhuận của ngành nông nghiệp không hề thấp.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho biết dự kiến năm 2023 sẽ đưa ra 20 triệu con gà đi bộ ăn chuối, và 1 triệu con heo ăn chuối, đồng thời phát triển mạnh thương hiệu Bapi Food – Heo ăn chuối với trên dưới 1.000 cửa hàng, trong đó 80% nhượng quyền.

Mặt khác, đại diện ngành nước là TDM của Nước Thủ Dầu Một đã có một phiên giao dịch khá tích cực, tăng 0,39%. Xét kết quả kinh doanh quý 2/2022, doanh thu thuần của TDM đạt hơn 125 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận trên 51 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ, trong đó biên lợi nhuận đi ngang so với cùng kỳ.

Thời gian tới, CTCK Bản Việt VCSC dự báo tiềm năng tăng trưởng của TDM nhờ vào việc tăng tốc đầu tư vào nhà máy cấp nước Bàu Bàng. Dự kiến, công suất sẽ tăng lên gấp đôi trong 5 năm tới. Theo CTCK này, sản lượng nước thương phẩm của TDM kỳ vọng tăng trưởng 12%-18% trong giai đoạn 5 năm tiếp theo so với mức tăng trưởng trung bình trước dịch COVID-19 là 31%/năm.

Mặt khác, một đại diện cho nhóm Bất động sản là CTCP Tasco (mã CK: HUT) đã chứng kiến một phiên giao dịch tăng điểm khá tốt với mức tăng theo tỷ lệ là 2%. Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng khả quan hơn so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý 2, Tasco ghi nhận doanh thu đạt gần 220 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi gần 14 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 49 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của HUT đạt gần 460 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế đạt 102 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 74 tỷ đồng.

Như vậy, sau chuỗi tăng mạnh trong tháng 8, thị trường đã bước vào nhịp điều chỉnh. Tuy nhiên, những cổ phiếu nội tại tốt và có câu chuyện tăng trưởng riêng vẫn đang xuất hiện những cơ hội, bất chấp thị trường rung lắc mạnh.

Trong bối cảnh hiện nay, ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Môi giới CTCK HSC cho rằng thị trường vẫn có thể tiếp tục điều chỉnh về vùng quanh 1.200-1.220. Thị trường chưa sôi động nhưng vẫn khả năng có những con sóng nhỏ theo ngành trong mùa KQKD sắp tới. Vị chuyên gia cũng lưu ý rằng, một số khoản trái phiếu đáo hạn vào quý 3 cũng gây áp lực nhất định lên thanh khoản, thanh khoản thị trường vẫn kỳ vọng ở mức thấp.

Do đó, việc phân bổ tỷ trọng tài sản trong chứng khoán giai đoạn hiện tại chỉ nên ở mức độ vừa phải. Ông Huy cho hay: “Nhà đầu tư còn trụ lại cần có tư duy đầu tư nghiêm túc, sẵn sàng cho các kịch bản biến động và giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải“.

Exit mobile version