Bất động sản hút 1,78 tỷ USD vốn FDI

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/9, ngành kinh doanh bất động sản (BĐS) vẫn duy trì vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt 1,78 tỷ USD.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 11,8 tỷ USD, chiếm 53,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Ngành sản xuất, phân phối điện mặc dù thu hút được số lượng dự án mới, điều chỉnh cũng như góp vốn mua cổ phần không nhiều, song với quy mô dự án lớn nên đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 5,5 tỷ USD, chiếm gần 25% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Ngành kinh doanh bất động sản vẫn duy trì vị trí thứ 3 với tổng vốn đăng ký đạt 1,78 tỷ USD. Đáng chú ý, bất động sản công nghiệp vẫn nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Theo phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, với xu thế phát triển của xuất khẩu và thu hút vốn FDI sẽ giúp các khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, hệ thống cảng biển, kho bãi và tiến trình đô thị hóa phát triển mạnh. Những yếu tố này sẽ là nền tảng vững chắc cho thị trường BĐS phục hồi và phát triển trong trung hạn mà điểm nhấn là bất động sản công nghiệp.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng dù chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng thị trường BĐS vẫn đang có những chỉ dấu về sự phục hồi khi tình hình dịch bệnh từng bước được khống chế hiệu quả, các dự án, công trình xây dựng được phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên, đà hồi phục và phát triển của thị trường BĐS có độ trễ nhất định.

Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng cho biết, ngay từ năm 2020, những phân tích, đánh giá và dự báo của Hiệp hội BĐS Việt Nam cho thấy thị trường BĐS công nghiệp vẫn là “điểm sáng” của các phân khúc BĐS trong ngắn và trung hạn.

Không chỉ thu hút nguồn vốn đầu tư của các DN nước ngoài vào lĩnh vực BĐS công nghiệp, các loại hình dịch vụ cho BĐS công nghiệp như nhà ở cho công nhân các khu, cụm công nghiệp, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí nhằm cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân cũng được Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các địa phương và các doanh nghiệp hết sức quan tâm và cũng sẽ là những tác động tích cực tới sự phát triển của phân khúc BĐS này.

Với các định hướng mới của Chính phủ, thị trường đang tập trung nhiều hơn vào việc thu hút doanh nghiệp sản xuất giá trị cao hoặc loại hình BĐS công nghiệp mới. Thực tế, thị trường BĐS Việt Nam cũng đã ghi nhận các dự án BĐS công nghiệp chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của khách thuê doanh nghiệp quốc tế trong lĩnh vực công nghệ cao.

Theo báo cáo quý 2/2021 của JLL Việt Nam, thị trường đất công nghiệp khu vực phía Nam (gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An), có tổng diện tích đất cho thuê là 25.220ha. Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp đạt 85% và nhà xưởng xây sẵn đạt 86%. Điều đó chứng tỏ cả chủ đầu tư và khách thuê đã dần tìm ra được các phương án đồng hành cùng đại dịch để tiếp tục hoạt động.

Ông John Campbell, Trưởng Bộ phận Bất động sản Công nghiệp, Savills Việt Nam, nhận định việc chuyển đổi sang thu hút các lĩnh vực sản xuất có giá trị cao sẽ mang lại nhiều cơ hội và tương lai tích cực hơn cho thị trường bất động sản công nghiệp.

Exit mobile version