Vài tháng qua, nhiều nhà đầu tư chia sẻ, thị trường bất động sản một số nơi đã xuất hiện tình trạng “lãi trên giấy”, tức giá chào bán tăng cao nhưng lại khó tìm người mua.Theo chuyên gia, khi lạm phát diễn ra, mặc dù giá bất động sản tăng lên nhưng thị trường thường không có khả năng mua, tính thanh khoản không có.
Ngay trong những tháng đầu năm, áp lực kiểm soát lạm phát tại Việt Nam đã trở thành vấn đề quan trọng được đề ra trong quản lý kinh tế vĩ mô. Số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, bình quân 2 tháng đầu năm nay, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát cơ bản tăng 0,67%.
Trong bối cảnh mối lo lạm phát tăng cao, đầu tư vào kênh nào là bài toán đau đầu với nhiều nhà đầu tư. Với kênh bất động sản, giới chuyên gia cho rằng, nếu lạm phát tăng cao trong năm nay, áp lực tăng giá bất động sản cũng sẽ rất lớn.
Ông Vinh – một nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp cho biết, hiện có 2 cách đầu tư:
- Một là nhà đầu tư lướt sóng;
- Hai là người mua bất động sản để tích luỹ tài sản.
Sau một thời gian tăng nóng 30 – 50%, nghe ra nhà đầu tư đã “lãi đậm”, nhưng tình hình giao dịch tại một số nơi lại đang có dấu hiệu chững lại, khó tìm người mua. Đó là một số khu vực ngoại thành Hà Nội, hoặc một số tỉnh sốt nóng hồi đầu năm ngoái.
Ông Ngô Thế Vinh – nhà đầu tư cho hay: “Những người đầu tư lướt sóng sẽ bị kẹt lại, anh làm ăn lúc được lúc thua, anh tính toán sai sẽ bị kẹt lại. Điều đó cũng có mặt tích cực, bớt người lướt sóng đi, giúp thị trường bình ổn trở lại”.
Nhiều nhà đầu tư hiện đang bị “mắc kẹt” do đầu tư mua đất vào các đợt sốt nóng, trong khi đó sự phát triển hạ tầng, dịch vụ chưa theo kịp, đại diện Savills Việt Nam cho biết.
Trước những biến động như chiến tranh, dịch bệnh, khủng hoảng tài chính, có 3 kênh trú ẩn tài sản lớn:
- Dầu mỏ,
- Kim loại quý,
- Bất động sản.
Theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam phân tích: “Khi tỷ lệ lạm phát có xu hướng tăng do những bất ổn về chiến tranh, kinh tế – chính trị thế giới, nguồn tài chính đầu tư vào bất động sản được xem là một phương án giúp bảo toàn dòng vốn trước rủi ro. Điều này giúp họ bảo toàn giá trị tài sản, đồng thời tránh sự bất ổn định ở những kênh đầu tư khác”.
Tuy nhiên giá nhà đất chào bán cao nhưng không tìm được nguồn khách hàng đang làm khó chính các chủ đầu tư dự án trong năm nay dự định tung hàng. Thực tế, so với năm ngoái một số dự án liền kề, shophouse đã đưa ra mức giá bán tăng gần gấp đôi nhưng không dễ tìm người mua.
Nếu không tính toán đúng và nắm bắt được xu hướng của thị trường, các chủ đầu tư bất động sản này sẽ khiến chính bản thân rơi vao tình huống “gậy ông đập lưng ông”.
“Các dự án đã bán có thể không thu hút được nhà đầu tư đâu vì giá cao quá. Dự án mới sẽ thu hút hơn, thiết lập giá ở mức hợp lý để còn bán ở các giai đoạn sau”, giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội, bà Đỗ Thu Hằng – cho hay:
Tình trạng “lãi trên giấy” đang gây áp lực lên các nhà đầu tư vay ngân hàng, hoặc cần tiền ngay. Trong khi những người đi tìm mua nhà đất để ở thật đang rất khó khăn tìm được sản phẩm phù hợp với túi tiền, do giá liên tục bị đẩy tăng cao.