“Bí mật từ thiện” 5,7 tỷ USD của Elon Musk có thể sẽ là ẩn số vĩnh viễn

Theo báo cáo F5 do Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đệ trình, trong khoảng thời gian từ ngày 19-29/11 năm ngoái, Elon Musk đã quyên góp hơn 5 triệu cổ phiếu Tesla cho tổ chức từ thiện, trị giá lên tới 5,7 tỷ USD. Nhưng tên gọi của quỹ tài trợ có thể mãi mãi vẫn là một bí ẩn.

Musk đã quyên góp hơn 5 triệu cổ phiếu Tesla cho quỹ từ thiện trong khoảng thời gian từ ngày 19 đến ngày 29 tháng 11 năm ngoái, theo một báo cáo F5 được nộp cho SEC vào ngày 15/2. Dựa trên giá đóng cửa tháng 11 là khoảng 1.145 USD, khoản quyên góp lên tới 5,7 tỷ USD. Nhưng công chúng sẽ không bao giờ biết tổ chức từ thiện nào được hưởng lợi từ khoản quyên góp.

Lý do đằng sau việc quyên góp hàng tỷ USD này cũng có thể liên quan đến cuộc khẩu chiến trực tuyến giữa David Beasley, Giám đốc của Chương trình Lương thực Liên hợp quốc (WFP), và ông chủ Tesla – Elon Musk vào tháng 11 năm ngoái. Nhưng ông Beasley cho biết rằng WFP chưa nhận được bất kỳ khoản tài trợ nào. “Vẫn còn phải xem liệu WFP cuối cùng có nhận được khoản quyên góp này hay không, nhưng tôi rất vui khi biết Elon đã thực hiện được nó. Đó là một bước đầu tiên tuyệt vời.”

Các nguồn tin chỉ ra rằng điểm dừng đầu tiên của khoản quyên góp khổng lồ có thể là quỹ nhận tư vấn của nhà quyên góp (DAF) hoặc tổ chức từ thiện của riêng Musk The Musk Foundation.

Nếu Musk quyên góp cổ phiếu cho quỹ tư nhân của mình, những người nhận khoản đóng góp cuối cùng có thể bị lộ. Trong trường hợp đó, Musk Foundation sẽ phải công khai danh sách các nhà tài trợ và tổ chức phi lợi nhuận lớn của mình đang nhận tài trợ trong hồ sơ gửi Sở Thuế vụ (IRS). Ví dụ, hồ sơ IRS mới nhất từ ​​Musk Foundation cho thấy rằng Musk đã tặng 11.000 cổ phiếu Tesla vào năm 2019. 

Ngược lại, nếu Musk quyên góp cổ phiếu của mình cho DAF, ông có thể che giấu sự thật và danh tính những người thụ hưởng khoản quyên góp sẽ không bao giờ được tiết lộ.

DAF là một loại tài khoản đóng góp từ thiện đóng vai trò trung gian. Họ nắm giữ các quỹ do các nhà tài trợ dành cho mục đích từ thiện, sau đó được phân phối cho các tổ chức phi lợi nhuận theo sự lựa chọn của nhà tài trợ. Tổ chức phi lợi nhuận nhận các khoản tiền này trực tiếp từ DAF, vì vậy không có tài liệu nào cho thấy mối liên hệ trực tiếp của nhà tài trợ với tổ chức phi lợi nhuận.

DAF đã bị ngành công nghiệp phản đối vì các chủ tài khoản được khấu trừ thuế khi họ đưa tiền vào DAF, nhưng không có thời hạn ấn định về thời điểm các nhà tài trợ phải phân phối tiền cho các tổ chức từ thiện.

Nhiều người cho rằng DAF đại diện cho những gì tồi tệ nhất trong thế giới từ thiện, nó mang đến sự đảm bảo cho người giàu và sự bất an cho các đối tượng còn lại. Tại thung lũng Silicon, có nhiều tỷ phú nổi tiếng đã sử dụng DAF như tỷ phú Mark Zuckerberg của Facebook, Jack Dorsey của Twitter, Sergey Brin của Google và Paul Allen của Microsoft.

Gene Takagi, luật sư chuyên về luật phi lợi nhuận tại NEO Law Group ở San Francisco cho biết: “Nếu Musk quyên góp cổ phiếu cho một tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức sẽ không cần phải tiết lộ công khai rằng ông ấy là người quyên góp. Họ chỉ cần thông báo cho IRS các nhà tài trợ lớn, nhưng họ không cần tiết lộ những nhà tài trợ đó cho công chúng.”

Dù ai là người nhận được tiền từ Musk, nó sẽ giúp ích cho hóa đơn thuế của Musk trong năm 2021. Người giàu đặc biệt quan tâm đến quyên góp bằng cổ phiếu do chúng không nằm trong tài sản chịu thuế của người đó.

Exit mobile version