Lý do khiến các ngân hàng Big 4 “thờ ơ” với cuộc đua tăng lãi suất huy động?

Trên thị trường, lãi suất huy động đã liên tục tăng từ cuối năm ngoái, phổ biến ở mức 0,3 – 0,8%/năm, tuy nhiên các ngân hàng trong nhóm Big 4 dường như đang đứng ngoài cuộc đua.

Cuộc đua tăng lãi suất huy động chỉ diễn ra ở nhóm ngân hàng tư nhân?

Từ cuối tháng 3, đã có nhiều ngân hàng tư nhân như Techcombank, NamABank, VietCapitalBank,…bắt đầu áp dụng biểu lãi suất huy động mới tăng khoảng 0,1-0,3 điểm % so với trước.Techcombank đang áp dụng mức lãi suất cao nhất trên thị trường với 7,8%/năm đối với số tiền gửi từ 999 tỷ đồng trở lên. Mức 7%/năm cũng được niêm yết ở những ngân hàng như SCB, NamABank, VietBank, VietABank,… Tiền gửi của người dân trong tháng 1 tăng 1,95%, tương đương tăng hơn 103.000 tỷ lên hơn 5,4 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 1,95%, cao nhất trong 10 tháng trở lại đây.

Tuy nhiên, đứng ngoài cuộc đua tăng lãi suất cua các ngân hàng tư nhân, các ngân hàng quốc doanh như Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV vẫn giữ nguyên kể từ tháng 8/2021 đến nay khi lãi suất cao nhất chỉ ở mức 5,5,% tại Agribank, Vietcombank, BIDV và 5,6% tại VietinBank. Mặc dù vậy, tăng trưởng tiền gửi của nhóm Big 4 ngân hàng vẫn rất tốt kể cả trong 2 năm Covid. Năm 2021, tăng trưởng tiền gửi của khách hàng tại VietinBank đạt 17,3%, Agribank 9%, BIDV 12,5%, Vietcombank 10% – đều cao hơn so với mức tăng trung bình ngành là 9,2%.

Đọc thêm: Số ngân hàng miễn phí SMS Banking đếm trên đầu ngón tay

Vì sao Big 4 ngân hàng đứng ngoài cuộc đua tăng lãi suất huy động?

Thứ nhất, nhóm Big4 có hệ thống giao dịch rộng khắp, uy tín cao, được các tập đoàn, doanh nghiệp lớn lựa chọn gửi tiền. Đặc biệt, tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, Agribank, BIDV hầu như không gặp phải sự cạnh tranh từ nhóm tư nhân.

Thứ 2, nhóm ngân hàng quốc doanh có vai trò quan trọng trong việc điều tiết thị trường tiền tệ. Tổng tiền gửi của 4 ngân hàng trên đạt hơn 5,2 triệu tỷ đồng, chiếm đến 48% tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng tính đến cuối năm 2021. Trong khi đó, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước trong năm nay là tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sau dịch. Kế hoạch năm 2022-2023, NHNN cũng đang triển khai xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% – 1% trong 2 năm tới, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên. 

Thứ 3, mặc dù Big 4 không tăng lãi suất huy động tại quầy trong thời gian qua nhưng họ đều cộng lãi suất cho hình thức gửi online hoặc triển khai các chương trình tặng quà, trúng thưởng để thu hút khách gửi tiền. Mức cộng lãi suất khoảng 0,1-0,4%/năm tùy vào kỳ hạn. Từ năm 2022, cả 4 ngân hàng lớn này đều đã miễn phí toàn bộ phí dịch vụ trên ngân hàng số như phí duy trì, phí chuyển khoản.. đồng thời cũng mạnh tay đầu tư công nghệ, chuyển đổi số để mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.

Theo đó, các chính sách thúc đẩy giao dịch trên kênh số kỳ vọng sẽ khiến người dùng để tiền nhiều hơn trong tài khoản thanh toán, tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) không chỉ giúp nhà băng tăng huy động vốn mà còn có được chi phí vốn rẻ vì lãi suất tiền gửi thanh toán ở mức rất thấp (chỉ 0,1%/năm).

Exit mobile version