Bình Dương: Phân 3 vùng để sản xuất, lưu thông hàng hóa

Sở Y tế tỉnh Bình Dương vừa ban hành văn bản số 2535 về việc hướng dẫn tạm thời điều kiện tham gia sản xuất tại cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và điều kiện được lưu thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương. 

Bình Dương cho phép lưu thông kèm điều kiện

Theo đó, căn cứ tình hình dịch tễ của dịch bệnh Covid-19, tạm thời phân chia các vùng dịch tễ của tỉnh Bình Dương thành 3 vùng: Vùng 1 (TP.Dĩ An, Thuận An, TX.Tân Uyên); vùng 2 (TP.Thủ Dầu Một, TX.Bến Cát); vùng 3 (huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên).

Trên cơ sở phân chia các vùng của tỉnh Bình Dương như trên, đối tượng được tham gia lưu thông nội vùng gồm: Người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc tiêm mũi 1 sau thời gian ít nhất 14 ngày hoặc đã điều trị Covid-19 xuất viện và hoàn thành theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày.

Đối tượng được tham gia lưu thông từ vùng 1 đến vùng 2, 3 gồm những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã điều trị Covid-19 xuất viện và hoàn thành thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày; đồng thời có phiếu kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực trong vòng 07 ngày, kể từ thời điểm lấy mẫu.

Giữa vùng 2 và vùng 3: Đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc tiêm mũi 1 sau thời gian ít nhất 14 ngày hoặc đã điều trị Covid-19 xuất viện và hoàn thành theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày; đồng thời có phiếu kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực trong vòng 07 ngày, kể từ thời điểm lấy mẫu.

Đối tượng chưa được tiêm vắc xin, người có nguy cơ cao (trên 65 tuổi và dưới 12 tuổi; người béo phì; người có bệnh nền…): Hạn chế ra đường khi không cần thiết, chỉ nên ra đường trong các tình trạng khẩn cấp như cấp cứu, chuyển viện, thiên tai, thảm họa…

Phải test và… test

Về điều kiện tổ chức sản xuất, văn bản của Sở Y tế Bình Dương nêu rõ, đối với cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký tổ chức sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” và mô hình “03 xanh” được tổ chức sản xuất khi có phương án đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 và phương án xử lý khi có trường hợp mắc Covid-19 tại đơn vị gửi cho Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh hoặc Sở Công Thương hoặc chính quyền địa phương.

Trước khi vào cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động phải được xét nghiệm sàng lọc ít nhất 02 lần (lần 1: trước khi hoạt động 03 ngày bằng xét nghiệm test nhanh hoặc PCR, lần 2: vào ngày bắt đầu làm việc bằng xét nghiệm test nhanh).

Trong quá trình sản xuất, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải thực hiện nghiêm 5K trong thời gian tổ chức sản xuất. Đồng thời thực hiện việc xét nghiệm cho toàn bộ người lao động 2 lần/tuần trong 02 tuần đầu, kể từ ngày cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đi vào hoạt động.

Từ tuần thứ 3 trở về sau, thực hiện xét nghiệm tối thiểu cho 20% người lao động trong tuần. Khuyến khích cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh xét nghiệm nhiều lần trong tuần để có thể phát hiện sớm các trường hợp mắc Covid-19 (thực hiện xét nghiệm luân phiên cho người lao động, ưu tiên xét nghiệm cho người lao động đến làm việc từ vùng 1, 2 và những người có triệu chứng sốt, ho, khó thở,…).

Cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức xét nghiệm từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần. Các địa phương có thể tổ chức xét nghiệm cho người lao động tại nơi cư trú vào ngày thứ bảy hoặc chủ nhật hàng tuần theo kế hoạch của từng địa phương.

Đối với người cung cấp dịch vụ trực tiếp cho cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh như: Cung cấp suất ăn, thực phẩm, nguyên vật liệu, dịch vụ bảo vệ, vệ sinh,… thực hiện xét nghiệm 02 lần/tuần cho toàn bộ người lao động.

Cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải cam kết thực hiện đúng, đủ, chủ động trong việc tự mua kit test, tự tổ chức xét nghiệm bằng Test nhanh kháng nguyên, tự cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm để làm căn cứ cho người lao động tham gia lưu thông; tự chịu trách nhiệm khi mua loại kit test, quy trình test và kết quả xét nghiệm của từng người lao động trong doanh nghiệp mình.

Đối với cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”, trước khi cho người lao động ngừng thực hiện phương án sản xuất này để trở về nơi cư trú thì phải tổ chứcxét nghiệm test nhanh kháng nguyên nếu có kết quả xét nghiệm âm tính thì được về nơi cư trú.

Người lao động sử dụng giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính này và giấy xác nhận phục vụ lưu thông (nếu có) theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải để về nơi cư trú. Cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải gửi thông báo cho Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Công Thương và chính quyền địa phương trước khi cho người lao động về nơi cư trú.

Đối với các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký thực hiện mô hình “1 cung đường, 2 địa điểm” và mô hình “03 xanh” thì không cần làm xét nghiệm cho người lao động trước khi về nơi cư trú.

Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo Tổ Covid cộng đồng hoặc Trạm Y tế lưu động hướng dẫn, giám sát và cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm cho nhóm đối tượng này tham gia lưu thông. Đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn, chính quyền địa phương xem xét hỗ trợ cấp test nhanh miễn phí.

Mất thời gian từ 3-5 ngày, thậm chí 10 ngày để xin phép

Hiện nay trên toàn tỉnh Bình Dương mới có khoảng 3.500 doanh nghiệp đăng ký các phương án và thực hiện hoạt động sản xuất. Ban Quản lý khu công nghiệp Bình Dương cho biết, đơn vị đang hướng dẫn cho các doanh nghiệp đăng ký phương án sản xuất trong tình hình mới.

Theo quy định, doanh nghiệp có thể chọn một trong ba phương án sản xuất gồm “3 tại chỗ, 3 xanh và 3 tại chỗ linh hoạt”. Doanh nghiệp hoạt động trở lại phải đảm bảo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn’’.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, mỗi phương án trên đều có những hạn chế và rủi ro.

Đối với “3 tại chỗ”, doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều chi phí phòng dịch, ăn ở sinh hoạt của người lao động, việc công nhân ở lâu trong nhà máy tâm lý không ổn định cũng ảnh hưởng đến năng suất làm việc. Về phương án “3 tại chỗ linh hoạt” thì doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải gánh thêm chi phí về thuê mướn chỗ ở, vận chuyển người lao động.

Đối với phương án “3 xanh”, các doanh nghiệp nghĩ nhiều đến rủi ro về lây nhiễm dịch bệnh ở nhà trọ không đảm bảo không gian sinh hoạt và quản lý người lao động. 

Dù làm theo phương án nào thì doanh nghiệp cũng phải lập cả một hệ thống hồ sơ phòng dịch, rồi trình nộp các cơ quan có thẩm quyền. Sau đó, các đơn vị liên quan xem xét hồ sơ, nếu chưa đủ thì trả lại, đủ rồi mới tổ chức thẩm định, lấy ý kiến. Quá trình này, nếu thuận lợi mất từ 3-5 ngày doanh nghiệp thì được cho phép mở cửa. Trường hợp hồ sơ còn sai sót, bổ sung mất từ 7-10 ngày.

Các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp tại Bình Dương đều bày tỏ lo ngại, quá trình làm hồ sơ và thẩm định sẽ “vẽ” thêm thủ tục hành chính.  Đó là chưa kể những khó khăn trong quá trình nhập nguyên vật liệu, vận chuyển hàng hóa… có thể làm chậm việc tái sản xuất của doanh nghiệp. 

Ông Điền Quang Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương – cho rằng, quy trình trên yêu cầu nộp hồ sơ phải được xét duyệt mới cho doanh nghiệp tổ chức sản xuất. Trong khi đó không có hướng dẫn cụ thể, không có tiêu chuẩn rõ ràng để xét duyệt.

“Nếu vậy chính quyền căn cứ điều gì để xét duyệt”? – ông Hiệp đặt ra câu hỏi. Theo ông Hiệp, hầu hết các công ty tại Bình Dương có xu hướng mong muốn cơ quan chức năng “thực hiện hậu kiểm”. Doanh nghiệp vừa chuẩn bị (nguyên vật liệu, lao động…) cho quá trình tái sản xuất, vừa tổ chức các biện pháp phòng dịch. Sau đó các cơ quan liên quan của nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương sẽ kiểm tra và hướng dẫn doanh nghiệp điều chỉnh phòng dịch tốt hơn. Việc này mới hướng đến tinh thần “thích ứng an toàn với dịch bệnh” khi vào trạng thái bình thường mới.

Tính đến cơ chế hậu kiểm

Theo UBND tỉnh Bình Dương, hai ngày qua lãnh đạo tỉnh liên tiếp họp với các sở ngành và gặp gỡ các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình mở cửa hoạt động để khôi phục kinh tế.

Ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – chỉ đạo, các sở ngành và địa phương “vùng xanh’’ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đi vào hoạt động kèm theo hướng dẫn, phương án phòng chống dịch COVID-19. Các doanh nghiệp mở cửa trở lại sau khi có phương án sản xuất, các đơn vị chức năng sẽ thực hiện công tác hậu kiểm sau đó.

Trong thời gian tới, khi đã tiêm phòng đủ 2 mũi vaccine cho người lao động ở “vùng xanh” doanh nghiệp “3 tại chỗ” có thể trở lại sản xuất bình thường. Để hỗ trợ doanh nghiệp, ngành Y tế Bình Dương đã tổ chức Trạm y tế lưu động trong cụm và khu công nghiệp có trên 7.000 lao động.

Bên cạnh đó các địa phương tại Bình Dương cũng sẽ thành lập đội phản ứng nhanh xử lý F0. Khi nhà máy phát sinh ca nhiễm lúc này sẽ xử lý nhanh hơn và dễ dàng hơn.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, hiện tỉnh đang đẩy mạnh tiêm vaccine mũi 2 cho toàn dân, trong đó ưu tiên vaccine cho người lao động ở doanh nghiệp. Khi người lao động trong doanh nghiệp đã tiêm đủ vaccine thì việc sản xuất an toàn sẽ thuận lợi hơn.

UBND tỉnh Bình Dương cũng cho phép doanh nghiệp tự test nhanh COVID-19 người lao động để kiểm tra đảm bảo đầu vào nguồn lao động phải “xanh”. Việc xét nghiệm mỗi tuần 2 lần cũng cần phải duy trì trong giai đoạn đầu để bảo vệ “vùng xanh”, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh.

 Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – kêu gọi doanh nghiệp trở lại sản xuất. Tuy nhiên đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương vẫn phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch

Exit mobile version