Bình ổn “giá thịt lợn”; bài toàn khó với quốc gia 1,4 tỷ dân

Từ đầu năm đến nay, giá thịt lợn hơi tại Trung Quốc liên tục giảm mạnh do nguồn cung cải thiện đáng kể cộng với nhu cầu tiêu thụ giảm, khiến các cơ quan chức năng phải vào cuộc bằng nhiều biện pháp để bình ổn thị trường.

Nguồn cung thịt lợn tăng mạnh

Theo đó, chỉ số giá thịt lợn trung bình tại 16 khu vực cấp tỉnh do Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc theo dõi là 17,13 nhân dân tệ/kg, tương đương 2,68 USD/kg trong tháng 9 năm 2021, giảm 15% -tương đương 3,9 điểm phần trăm so với tháng 8 trước đó.

Như vậy chỉ số giá thịt lợn tại quốc gia tiêu thụ thịt lớn nhất thế giới tính đến tháng 9 đã giảm tới 61,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thịt lợn tại Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm nay đã giảm khoảng 56% do tỷ lệ tái đàn tăng mạnh, đẩy nguồn cung trong nước hồi phục mạnh mẽ.

Ông Rosa Wang, chuyên gia phân tích của hãng Shanghai JC Intelligence Co Ltd cho biết: Các trang trại chăn nuôi lợn ở Trung Quốc thời gian qua đã bị lỗ nặng do giá thịt lợn giảm sâu. Kể từ đầu năm 2021, hoạt động giết mổ diễn ra mạnh mẽ để giải phóng chuồng trại và cắt lỗ. Tuy nhiên số lượng đàn lợn quá lứa, thừa cân của các trang trại đều tăng mạnh đã khiến giá thịt lợn trong nước tiếp tục giảm do nguồn cung lớn hơn cầu.

Do giá lợn hơi giảm mạnh, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn và cả người chăn nuôi lợn tại nhiều tỉnh thành như Hà Nam, Sơn Đông và Hồ Bắc đã ồ ạt mang lợn đi giết mổ, kể cả lợn nái để tiết kiệm chi phí thức ăn chăn nuôi.

Biểu đồ mô tả giá thịt lợn giảm mạnh kể từ đầu năm đến nay (đơn vị nhân dân tệ/kg). Nguồn: Financial Times

Dữ liệu chính thức vừa công bố cho thấy, sản lượng thịt lợn quý III của Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong ba năm qua, sau khi các nhà sản xuất trong nước mở rộng thêm hàng nghìn trang trại chăn nuôi lớn vào năm ngoái trong nỗ lực tái đàn hậu dịch tả lợn Châu Phi.

Theo đó, sản lượng thịt lợn từ tháng 7 đến tháng 9 là 12,02 triệu tấn, tăng 43% so với một năm trước đó, cao nhất kể từ quý III năm 2018, trước khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát. Cục Thống kê Trung Quốc cho biết, sản lượng thịt lợn của nước này đã tăng 38% trong ba quý đầu năm 2021 so với một năm trước đó, lên 39,17 triệu tấn.

Cân đối cung – cầu không dễ

Như đã nêu trên, trên đà giảm giá, người chăn nuôi lợn Trung Quốc đã phải ồ ạt mang lợn đi giết mổ, kể cả lợn nái để tiết kiệm chi phí thức ăn chăn nuôi. Đây được coi là biện pháp “cắt lỗ” chẳng ai mong muốn nhưng gần như là giải pháp duy nhất ở thời điểm hiện tại.

Về phía nhà nước, Trung Quốc cũng đang khẩn trương thực thi các giải pháp mạnh. Trong đó, thu mua được coi là giải pháp tối ưu để bình ổn giá.

Nhằm tránh để ngành công nghiệp chăn nuôi lợn lâm vào khủng hoảng kéo dài, ngày 11/10 vừa qua, Bộ Thương mại Trung Quốc đã tiếp tục ra thông báo thu mua thêm 30.000 tấn thịt lợn vào kho dự trữ quốc gia. Ủy ban Kế hoạch nhà nước Trung Quốc cũng cho biết, chương trình thu mua thịt lợn dự trữ quốc gia từ nay đến cuối năm sẽ còn tiếp tục để bình ổn thị trường.

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự đoán sản lượng thịt lợn toàn cầu trong năm nay sẽ đạt mức 105,1 triệu tấn, tăng 8,5% so với năm 2020, chủ yếu do sản lượng tăng ở Trung Quốc giai đoạn hậu dịch tả lợn Châu Phi. USDA ước tính, trong năm 2021, sản lượng thịt lợn tại Trung Quốc đạt 43,8 triệu tấn, trong khi liên minh Châu Âu đạt khoảng 24,8 triệu tấn, tiếp đến là Mỹ với 12,7 triệu tấn.

Mặc dù sản lượng trong nước hồi phục, nhưng USDA dự tính Trung Quốc vẫn sẽ dẫn đầu thế giới về nhập khẩu thịt lợn, với khoảng 5 triệu tấn trong năm nay, thấp hơn 5% so với năm 2020. Số liệu hải quan mới công bố đầu tuần này cho thấy, Trung Quốc đã nhập khẩu 3,14 triệu tấn thịt lợn trong chín tháng đầu năm nay, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

Vào tháng 8, ngành chăn nuôi nước này đã ban hành hướng dẫn mới về thúc đẩy phát triển bền vững và lành mạnh trong ngành chăn nuôi lợn. Theo đó, hướng dẫn tập trung đi sâu vào các nhiệm vụ để tránh biến động giá mạnh trên thị trường, đồng thời đảm bảo nguồn cung ổn định, duy trì tỷ lệ tự cung tự cấp của thị trường ở mức khoảng 95%.

Exit mobile version