Bộ Tài chính nói gì về giá xăng của Việt Nam so với thế giới?

Quỹ bình ổn giá xăng dầu quý IV/2021 còn gần 900 tỷ

Trước kiến nghị của cử tri huyện Phú Xuyên (Hà Nội) về vấn đề điều chỉnh các loại thuế – phí liên quan đến xăng dầu, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời.

Bộ Tài chính: Giá xăng Việt Nam thấp hơn nhiều nước trên thế giới

Nguồn tin trên báo Dân Trí, cử tri huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đã có đề xuất về việc điều chỉnh các loại thuế và phí cho phù hợp để giảm giá xăng dầu, giúp nhân dân giảm bớt khó khăn. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có văn bản gửi trả lời.

Theo phản ánh của cử tri trước đó, Bộ Tài chính hiện áp dụng cơ cấu tính giá xăng dầu dựa vào các loại thuế quá cao. Cụ thể, thuế nhập khẩu 10%, VAT 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế bảo vệ môi trường 3.800-4.000 đồng/lít. Chỉ riêng 4 loại thuế này đã chiếm 38%. Ngoài ra, các chi phí khác như vận chuyển, lợi nhuận định mức, định mức kinh doanh, quỹ bình ổn chiếm 62%. Vì thế, giá xăng dầu trong nước cao. Chỉ số giá tiêu dùng CPI cũng tăng cao.

Bộ Tài chính khi trả lời cử tri đã khẳng định rằng, từ đầu 2021, liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã sử dụng hiệu quả Quỹ bình ổn giá trước diễn biến thay đổi khó lường của thị trường thế giới.

Liên quan đến chính sách, cơ cấu thuế, phí cũng như các yếu tố cấu thành trong công thức giá, Bộ Tài chính cho biết các sắc thuế áp dụng với mặt hàng xăng gồm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường.

Theo Bộ Tài chính, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới vẫn thấp hơn mức bình quân chung.

Trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn có tỷ trọng thuế thấp dưới 45-60% thì ở nhiều nước, tỷ trọng này khoảng 45-60%. Trong khi đó, tỷ trọng thuế đối với xăng ở nước ta rơi vào khoảng 38% và khoảng 20% đối với dầu. Ngoài ra, khoản chi phí vận chuyển, lợi nhuận định mức chỉ chiếm 5-8% mức giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu.

Cơ quan chức năng đánh giá giá xăng dầu đang được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Thời gian qua, quỹ bình ổn giá xăng dầu được sử dụng linh hoạt, hiệu quả giúp công tác điều hành giá trong nước tăng/giảm ở mức độ phù hợp, không xảy ra tình trạng đột biến.

Số liệu của Global Petrol Prices cho thấy, giá xăng dầu ngày 31/1 của Trung Quốc là 26.622 đồng/lít; Campuchia là 26.184 đồng/lít, Lào là 30.665 đồng/lít. Trong khi đó, giá xăng E5 RON 92 tại Việt Nam vào ngày 7/2 là 23.590 đồng/lít, giá xăng RON 95 là 24.360 đồng/lít.

So với giá bình quân trên thế giới đang ở mức 28.062 đồng/lít thì giá xăng dầu của Việt Nam đang thấp hơn. Bộ Tài chính khẳng định, giá xăng của Việt Nam cũng thấp hơn so với mặt bằng chung của nhiều nước trong khu vực.

Bộ Tài chính cho hay sẽ tiếp tục cùng với các bộ, ngành liên quan tiến hành theo dõi sát sao diễn biến giá xăng dầu trên thị trường trong nước và thế giới. Từ đó nghiên cứu, tham mưu các cấp chính quyền những giải pháp phù hợp với bối cảnh và thực tiễn hiện nay.

Xăng 5 lần tăng giá kể từ đầu năm

Ngày 21/2 là kỳ điều chỉnh giá xăng tiếp theo của liên Bộ Công Thương – Tài chính. Theo đó, hôm qua, mỗi lít xăng đã tăng thêm 960 đồng. Cụ thể, xăng E5 RON 92 có giá 25.530 đồng/lít; xăng RON 95 tăng lên 26.280 đồng/lít. Như vậy, giá xăng đã có lần tăng giá thứ 5 liên tiếp tính từ đầu năm đến nay.

Theo đánh giá, lần tăng giá này, giá xăng RON 95 đã vượt qua “đỉnh” hồi tháng 7/2014. Thời điểm đó, giá xăng là 26.140 đồng/lít. Tương tự, xăng E5 RON92 giá cũng chỉ thấp hơn mức “đỉnh” cùng thời điểm trên khoảng 110 đồng/lít.

Các mặt hàng dầu cũng tăng giá. Trong đó, dầu hoả tăng 750 đồng, lên mức 19.500 đồng/lít; dầu diesel tăng 940 đồng, lên 20.800 đồng/lít; dầu mazut tăng 280 đồng, lên 17.930 đồng/kg.

Exit mobile version