Bộ trưởng Công an lên tiếng về vụ 30 triệu dữ liệu thông tin cá nhân bị rao bán

Bộ trưởng Công an lên tiếng về vụ 30 triệu dữ liệu thông tin cá nhân bị rao bán

Phiên họp Thường vụ Quốc hội diễn ra từ 8h sáng 10/8. Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã trả lời chất vấn về vấn đề lộ lọt dữ liệu cá nhân.

Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Công an về vấn đề lộ dữ liệu cá nhân

Bộ trưởng Tô Lâm đăng đàn trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Công an như hộ chiếu mẫu mới, an ninh mạng, tội phạm tín dụng đen… trong đó có câu chuyện lộ dữ liệu cá nhân.

Câu hỏi chất vấn về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân đã được Đại biểu Siu Hương (đoàn Gia Lai) và đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) đặt ra cho Bộ trưởng Tô Lâm. Đó là câu chuyện thông tin cá nhân được rao bán rầm rộ trên các hội nhóm mạng xã hội và giải pháp.

Bộ trưởng Tô Lâm khi trả lời về vấn đề này đã thừa nhận, đây là tình hình đáng báo động trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Ông cho rằng, ý thức của người dân về bảo vệ thông tin cá nhân chưa cao, trong khi đó, hành lang pháp lý về vấn đề này lại chưa hoàn thiện chính là nguyên nhân.

Về giải pháp, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng cần xây dựng hệ thống pháp lý về bảo vệ thông tin cá nhân để hạn chế tình trạng này. Bộ Công an đã xây dựng Nghị định và trình Chính phủ. Có thể trong ít ngày tới, Nghị định sẽ được ban hành. Và đây chính là căn cứ pháp lý để tiến hành các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Bộ Công an sẽ tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội Luật Bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân vào năm 2024. Nhiều nước trên thế giới cũng đang áp dụng. Song song với đó, thực hiện tuyên truyền để người dân tham gia trên không gian mạng cảnh giác với việc lộ lọt thông tin cá nhân.

Bộ Công an điều tra vụ rao bán 30 triệu dữ liệu thông tin cá nhân bị lộ

Người đứng đầu Bộ Công an cho biết, Bộ này đang đẩy mạnh điều tra những hành vi làm lộ lọt, rao bán dữ liệu thông tin cá nhân. Trong đó, Bộ Công an đang điều tra vụ rao bán 30 triệu dữ liệu thông tin cá nhân mà nguồn gốc được cho là lấy từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và dữ liệu ở một số ngành khác như y tế…

Ngoài vấn đề lộ dữ liệu thông tin cá nhân, Bộ Công an còn nói về tình trạng mua bán giấy tờ, chứng chỉ giả đang diễn ra một cách ngang nhiên, công khai. Trong đó, nhiều loại giấy tờ giả còn được làm và rao bán với giá từ 2-6 triệu đồng.

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn trong phiên họp sáng nay (Ảnh: Dân Trí).

Theo thông tin từ Bộ Công an, nhiều vụ án, đường dây làm giả giấy tờ quy mô lớn đã bị triệt phá. Cơ quan chức năng thu giữ hàng nghìn con dấu, phôi bằng cấp cũng như công cụ máy móc.

Quá trình khai thác, đấu tranh, các đối tượng khai nhận rằng có thể tự thực hiện hầu hết các công đoạn trong quá trình làm giả giấy tờ, từ việc làm giả phôi, con dấu cho đến việc đóng dấu, ký… Hầu hết các bằng cấp, kể cả giấy tờ quan trọng, bằng đại học ngành y dược… đều có thể làm giả.

Exit mobile version