Evergrande ôm “bom nợ” đã gây ra một cơn địa chấn, khiến thị trường chứng khoán Thế giới và thị trường chứng khoán Việt Nam chao đảo theo.
Chứng khoán thế giới đỏ lửa
Do lo ngại tác động nếu ‘quả bom nợ” Evergrande phát nổ mà thị trường chứng khoán từ Trung Quốc tới Hong Kong, châu Âu tới Mỹ đều đỏ lửa.
S&P 500 mất 1,7% trong phiên 20/9. Đây là phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 5. Nasdaq Composite – rổ chỉ số tập trung vào nhóm công nghệ cũng giảm 2,2%.
Đà bán tháo tăng tốc vào giữa phiên, khiến chỉ số quan trọng của Phố Wall giảm tới 972 điểm, trước khi thu hẹp đà giảm nhờ sự phục hồi của một số mã bluechip.
Đêm qua, tình trạng bán tháo đã diễn ra trên toàn cầu. Chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong giảm 3,3%, đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 10/2020, trong khi Stoxx Europe 600 của thị trường châu Âu giảm 1,7%.
Các gã khổng lồ bất động sản Hong Kong đã hứng chịu đợt bán ra lớn nhất trong hơn một năm. Chỉ số bất động sản của Hang Seng giảm tới 6,7%,. Kể từ tháng 5/2020, đây là mức giảm mạnh mẽ nhất. Cổ phiếu của Henderson Land giảm 13%, Sun Hung Kai Properties giảm 10%, mạnh nhất kể từ năm 2012 .
Tại Trung Quốc, cổ phiếu của một nhà phát triển bất động sản ít tên tuổi cũng giảm tới 87% trước khi bị tạm dừng giao dịch.
Chứng khoán Việt Nam bị nhấn chìm
Lệnh bán được đẩy lên ngay từ những phút đầu tiên của phiên sáng. Số mã giảm phủ kín bảng điện. Trong khi đó, mỗi khi VN Index lao dốc về mốc 1.330 điểm, lực cầu bán đáy gia tăng đáng kể. Chính lực cầu này có thời điểm đã giúp VN Index hồi phục về gần mức giá cao nhất trong phiên chiều. Tuy nhiên, áp lực bán tháo từ bên nắm giữ khiến lực cầu này dường như nhanh chóng “hụt hơi” trước.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/9, VN-Index chốt phiên giảm 10,64 điểm xuống 1.239,84 điểm; UpCom-Index giảm 0,68 điểm, còn 96,77 điểm. Chỉ có HNX-Index tăng nhẹ 0,13 điểm, lên 359 điểm. Phiên hôm nay, thanh khoản đạt gần 860 triệu CP, tương đương giá trị giao dịch đạt 23.432 tỷ đồng.
Nhiều nhà đầu tư lo lắng trước áp lực bán khá mạnh xuất phát từ những thông tin tiêu cực trên thế giới. VN-Index giảm sâu, có lúc mức giảm trên 20 điểm.
Đến phiên chiều, đà giảm đã được thu hẹp. Có thể thấy, nhiều mã cổ phiếu thép, bất động sản tăng giá. Ngược lại, cổ phiếu trong nhóm VN30 và ngân hàng “bớt đỏ”. Nhóm VN30 có 25 mã giảm, 1 mã đứng giá và 4 mã tăng gồm BVH, MSN, MWG và VNM. Trong đó, VHM của Vinhomes giảm 3% trong về mức thấp nhất các tháng gần đây, trở thành lực cản lớn nhất; VIC giảm 1,3% và VRE mất 3,1%.
Thị trường hôm nay được nhận định là bất ổn. Tuy nhiên, SAB, MWG, OCB, VIB, HAI, HNG… đặc biệt, nhóm cổ phiếu than, thép, tôn như: TC6, THT, MDC, TDN, NBC và TVD, HSG, NKG, TLH… đã hồi phục mạnh trở lại sau điều chỉnh ở phiên sáng. Cú lội ngược này khiến một số nhà đầu tư tiếc nuối vì đã bán sớm.
Nói về thị trường chứng khoán hôm nay, một chuyên gia tài chính nhận định, việc tập đoàn Evergrande của Trung Quốc đứng trước nguy cơ vỡ nợ khiến nhà đầu tư lo ngại có thể ảnh hưởng gián tiếp đến thị trường chứng khoán trong nước. Bởi tình trạng này đã xảy ra ở thị trường chứng khoán toàn cầu trong 2 ngày gần đây.
Cũng theo đánh giá của vị chuyên gia này, ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.300 điểm của VN-Index đã không bị phá vỡ. Trong các phiên tới, nếu không có nhiều tin tiêu cực từ quốc tế, nhà đầu tư trong nước cần quan sát thêm thị trường, không vội vàng bán tháo, cũng không nên mua vào bất chấp.
Các chuyên gia dự báo thị trường chứng khoán phiên tiếp theo sẽ khó tăng điểm mạnh trừ khi có thông tin tích cực liên quan vụ Evergrande, thị trường tài chính thế giới ổn định trở lại.
Cũng theo dự đoán này, VN-Index có thể hồi phục nhẹ trong phiên, trong khoảng 1.330-1.355 điểm. Nhà đầu tư nên cân nhắc bán ra cổ phiếu đã có lời, hạn chế mua bắt đáy cũng như sử dụng margin trong giai đoạn này.
* Các quan điểm và ý kiến được đề cập trong bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và chúng không cấu thành lời khuyên về tài chính, đầu tư hoặc các lời khuyên khác.
Cát Anh (T/h)