BOP là gì? Vai trò của BOP

BOP là gì? Những nội dung cần làm rõ trong BOP

BOP là một khái niệm không phổ biến đối với nhiều người. Vậy hãy cùng Vimoney tìm hiểu xem BOP là gì và những đặc trưng cũng như nội dung của BOP.

Định nghĩa BOP là gì?

BOP là viết tắt của Balance of Payments – cán cân thanh toán quốc tế – bảng ghi chép phản ánh tổng hợp tất cả các giao dịch kinh tế giữa người cư trú và người không cư trú của quốc gia cho từng khoảng thời gian nhất định.

Một số nội dung cần phải làm rõ trong định nghĩa trên gồm có:

“Giao dịch kinh tế”: Được hiểu là sự vận động qua lại của hàng hóa, dịch vụ, thu nhập cũng như các tài sản tài chính khác giữa các tổ chức và cá nhân hướng đến mục đích lợi ích trước mắt hoặc lâu dài.

Trong giao dịch kinh tế chia thành giao dịch trao đổi và chuyển giao một chiều. Trong đó, giao dịch trao đổi là giao dịch 2 chiều giữa hai bên, một bên sẽ cung cấp các dịch vụ, hàng hóa, lao động, tài sản, vốn cho bên còn lại và nhận về một giá trị kinh tế nào đó từ bên kia.

Ngược lại, chuyển giao một chiều được hiểu là giữa hai bên thực hiện giao dịch nhưng chỉ do một bên cung cấp giá trị kinh tế cho bên kia và hầu như không nhận lại bất cứ một giá trị kinh tế nào.

“Người cư trú” và “người không cư trú”: Nếu một đơn vị thể chế có trụ sở đơn vị, địa điểm sản xuất hoặc nhà cửa trong lãnh thổ kinh tế của quốc gia, tiến hành các hoạt động sản xuất và giao dịch kinh tế với thời gian từ một năm trở lên, trừ những trường hợp liệt kê dưới đây sẽ được gọi là người cư trú của một quốc gia:

– Cá nhân: Sinh viên, bệnh nhân, quân nhân và nhân viên ngoại giao (kể cả người nhà cùng đi) đang làm việc sinh sống ở nước ngoài trong các đại sứ quán, lãnh sự quán, căn cứ quân sự đều được xem là “người không cư trú” của quốc gia đó dù họ sống ở nước ngoài trong thời gian bao lâu đi chăng nữa.

– Tổ chức: Các đại sứ quán, lãnh sự quán, căn cứ quân sự luôn được xác định là “người không cư trú” của nước mà tổ chức đó làm đại diện.

– Các tổ chức quốc tế (IMF – quỹ tiền tệ quốc tế, WB – ngân hàng thế giới, ADB – Ngân hàng Phát triển châu Á, UN – Liên Hiệp Quốc…) được xem là “người không cư trú” đối với mọi quốc gia, kể cả quốc gia tổ chức này đóng trụ sở.

– Đối với các công ty đa quốc gia đều sẽ được coi là người cư trú đồng thời tại nhiều quốc gia. Hiểu một cách khách nghĩa là, chi nhánh của công ty đặt tại nước nào thì sẽ được coi là “người cư trú” của quốc gia đó.

Đặc trưng của BOP – cán cân thanh toán quốc tế

BOP có 2 đặc trưng, có thể kể tới như:

– Mang tính thời kì: Cán cân thanh toán quốc tế BOP mang tính thời kỳ bởi các giao dịch kinh tế được phản ánh vào BOP trong một khoảng thời gian nhất định, có thể là một tháng, một quý hoặc một năm hay từ đầu năm cho đến một thời điểm cụ thể nào đó trong năm.

– Đồng tiền sử dụng trong phản ánh cán cân thanh toán quốc tế: Một đồng tiền duy nhất sẽ được sử dụng để đo lường giao dịch kinh tế, có thể dùng nội tệ hoặc ngoại tệ. Tuy nhiên, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) khuyến cáo, các nước nên sử dụng đồng USD để lập cán cân thanh toán quốc tế.

Nội dung của cán cân thanh toán quốc tế BOP

Cán cân thanh toán quốc tế gồm có 5 nội dung chính, hay còn được gọi là 5 hạng mục, được liệt kê như sau:

– Current Balance, Current Account – CA: Cán cân vãng lai hay Tài khoản vãng lai

– Capital and financial account – KA: Cán cân vốn và tài chính

– Overall Balance – OB: Cán cân tổng thể

– Official Financing Balance – OFB: Cán cân bù đắp chính thức

– Omission and Mistake – OM: Lỗi và sai sót

Vai trò của cán cân thanh toán

Vai trò của cán cân thanh toán thể hiện ở tầm vi mô và vĩ mô, cụ thể:

Ở tầm vi mô: Cán cân thanh toán thể hiện cung cầu ngoại tệ cũng như dự đoán sự biến động tỷ giá hối đoái. Nó còn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu và kinh doanh ngoại tệ.

Ở tầm vĩ mô: Nó thể hiện chính sách đối ngoại nói chung, chính sách thương mại quốc tế nói riêng. Cùng với đó, nó kiểm soát sự di chuyển của các dòng vốn như đầu tư nước ngoài (FDI và ODA) và xuất khẩu vốn. thị trường tiền tệ quốc gia và việc điều hành chính sách tỷ giá cũng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cán cân thanh toán.

Trường hợp cán cân thanh toán (BOP) bị thâm hụt, cầu lớn hơn cung trên thị trường ngoại hối thì đồng nội tệ sẽ mất giá. Chính phủ thường sẽ giải quyết việc này bằng cách thực hiện chính sách thắt tiền tệ, hạn chế tiêu dùng và nhập khẩu tiêu dùng.

Exit mobile version