BRICS – nước đi quan trọng giúp Nga lật ngược thế cờ hiểm của Mỹ và đồng minh

Bộ Tài chính Nga vừa cho biết nước này đã kêu gọi nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS mở rộng việc sử dụng đồng nội tệ của các quốc gia và tích hợp hệ thống thanh toán.

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, Mỹ và các đồng minh ở châu Âu và châu Á đã áp lệnh trừng phạt lên các tổ chức tài chính, ngân hàng Trung ương và chuỗi cung ứng quân sự – công nghiệp của Nga.

Mỹ, Anh, châu Âu và Canada cuối tháng 2, đầu tháng 3 vừa qua đã loại Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, chặn các ngân hàng Nga thực hiện phần lớn các giao dịch tài chính trên thế giới. Động thái này cũng đặt hạn chế đối với dự trữ quốc tế trị giá hơn 600 tỷ USD của Nga. Trong tuần này, Mỹ đã ngăn chính phủ Nga sử dụng khoản dự trữ tại các ngân hàng Mỹ để thanh toán cho những người nắm giữ khoản nợ chính phủ.

Hai công ty thanh toán thẻ Visa và Mastercard đồng loạt ngừng hoạt động tại Nga, nối tiếp các doanh nghiệp Mỹ đình chỉ hoạt động tại nước này do tình hình chiến sự tại Ukraine.

Nga kêu gọi hành động của BRICS

Chính phủ Nga đã thúc giục nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, bao gồm Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Nam Phi, mở rộng việc sử dụng đồng tiền quốc gia cho các hoạt động xuất nhập khẩu và tích hợp hệ thống thanh toán.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov mới đây phát biểu tại cuộc họp cấp bộ trưởng với BRICS rằng tình hình kinh tế toàn cầu đã trở nên tồi tệ hơn đáng kể do các lệnh trừng phạt. Theo ông Siluanov, các biện pháp trừng phạt cũng phá hủy nền tảng của hệ thống tài chính tiền tệ quốc tế hiện có dựa trên đồng đô la Mỹ.

 “Điều này thôi thúc chúng ta đẩy nhanh tiến độ làm việc trong các lĩnh vực như sử dụng các đồng tiền quốc gia cho hoạt động xuất nhập khẩu, tích hợp hệ thống thanh toán và thẻ, hệ thống nhắn tin tài chính của riêng chúng ta và thành lập cơ quan đánh giá độc lập BRICS”.

Để thay thế cho SWIFT, Nga đã thiết lập hệ thống nhắn tin ngân hàng của riêng mình, được gọi là SPFS. Hệ thống thanh toán thẻ MIR của Nga đã bắt đầu hoạt động vào năm 2015. Giới phân tích dự đoán sẽ có nhiều ngân hàng nữa có thể sẽ tham gia vào hệ thống này một khi các ngân hàng Nga không còn trong SWIFT.

Đây là một phần trong nỗ lực của điện Kremlin nhằm phát triển các công cụ tài chính “cây nhà lá vườn” để đáp trả lệnh những lệnnh trừng phạt từ phương Tây, bảo vệ đất nước trong trường hợp các biện pháp trừng phạt mở rộng.

Exit mobile version