Trong Báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán BSC đưa ra hai kịch bản cho thị trường chứng khoán trong tháng 4/2022, trong đó, VN-Index có thể hướng tới 1.600 điểm với kịch bản lạch quan. Các nhóm ngành tiềm năng là các nhóm được hưởng lợi từ chương trình đầu tư công và Gói Phục hồi Kinh tế như ngành vật liệu xây dựng, ngành thi công, ngành bất động sản hoặc hưởng lợi từ phục hồi kinh tế, cũng như từ tác động xung đột địa chính trị và gián đoạn sản xuất tại Trung Quốc như Bán lẻ, phân bón, thủy sản, hóa chất, dệt may, công nghệ thông tin, hoạt động chuyển phát.
Những yếu tố tác động đến thị trường trong tháng 4
Báo cáo của BSC đánh giá các yếu tố tác động đến chứng khoán Việt Nam trong tháng 4.
Về yếu tố tích cực, chuyên gia BSC tin rằng nền kinh tế đang tiếp đà tăng trưởng hướng đến bình thường hóa dịch bệnh bên cạnh nỗ lực bình ổn giá cả các mặt hàng của Chính phủ. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh đầu tư công cũng như triển khai các biện pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch cũng là một điểm sáng cho thị trường trong tháng này.
Mặt khác, BSC cũng nhấn mạnh có nhiều yếu tố tiêu cực có thể tác động đến thị trường. Tiêu điểm là đà bán ròng của ngoại sẽ tiếp tục trước những diễn biến khó lường trên thế giới trong bối cảnh thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ đang cho thấy tín hiệu đảo ngược của đường cong lợi tức. Điều này sẽ dấy lên tâm lý lo ngại về thời kỳ suy thoái trong tương lai. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến khó lường với nguy cơ xuất hiện các biến thể mới có thể ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế thế giới.
Đáng chú ý, việc các NHTW lớn trên thế giới và khu vực thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ với tần suất và mức độ nhiều hơn trong tương lai có thể khiến rủi ro tăng lên và thị trường chứng khoán bớt hấp dẫn hơn.
Công ty chứng khoán này cũng nhấn mạnh căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các biện pháp trừng phạt và đáp trả giữa Mỹ, Nga và các nước phương Tây khiến tình hình thế giới bất ổn có thể gây tâm lý bất ổn, kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế thế giới sau thời gian ứng phó dịch bệnh.
Song song, giá cả hàng hóa biến động theo tình hình xung đột, tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc có khả năng làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này có thể khiến lạm phát tăng cao và tác động đến các chính sách tiền tệ và các biện pháp phục hồi kinh tế.
Hai kịch bản dự đoán thị trường
Kịch bản 1 (lạc quan): BSC đánh giá VN-Index sẽ vượt ngưỡng tâm lý 1.500 điểm và quay trở lại kiểm tra lại vùng đỉnh 1.530 và hướng tới 1.600 điểm khi nền kinh tế hồi phục khả quan, hoạt động mở cửa du lịch, các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh được mở rộng và căng thẳng giữa Nga và Ukraine hạ nhiệt, giá cả các hàng hóa có tín hiệu tích cực. Theo đó, những cổ phiếu chủ chốt đóng vai trò dẫn dắt dù vậy thị trường dự báo phân hóa mạnh dựa trên kết quả kinh doanh quý 1, triển vọng kế hoạch kinh doanh năm 2022 cũng như diễn biến quốc tế.
Kịch bản 2: BSC dự báo căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine tiếp tục kéo dài, chuỗi cung ứng hàng hóa có thể bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc điều này gia tăng áp lực lạm phát cho nền kinh tế, tác động đến các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Mặt khác, động thái các NHTW lớn trên thế giới tại các cuộc họp tiếp theo sẽ tác động đến tâm lý chung toàn thị trường. VN-Index thoái lui sau nhịp tăng điểm và tích lũy lại trong khoảng 1.470 ± 30 điểm.
Về thanh khoản thị trường, đội ngũ phân tích dự báo duy trì ở mức 1,3 tỷ USD/phiên trong quý 2/2022 khi VN-Index tiếp tục giao dịch tích lũy trong kịch bản 1.470 ± 30 điểm khi các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh và kế hoạch kinh doanh năm 2022.
Tổng hợp giao dịch khối ngoại, BSC cho biết khối ngoại bán ròng 7.275 tỷ trong quý 1. Xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài dự báo chưa sớm đảo chiều trong quý 2/2022 khi tình hình trên thế giới vẫn bất ổn tuy nhiên giá trị sẽ giảm dần.
Chiến lược đầu tư các nhóm ngành
Trên cơ sở Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng như hoàn thành các dự án trọng điểm quốc gia trong nhiệm kỳ, BSC khuyến nghị đầu tư một số nhóm ngành được hưởng lợi từ chương trình đầu tư công và Gói Phục hồi Kinh tế bao gồm: ngành vật liệu xây dựng, ngành thi công, ngành bất động sản.
Đồng thời, nhà đầu tư nên xem xét phân bổ tỷ trọng danh mục các cổ phiếu hưởng lợi từ phục hồi kinh tế, cũng như từ tác động xung đột địa chính trị và gián đoạn sản xuất tại Trung Quốc thuộc nhóm ngành: Bán lẻ, phân bón, thủy sản, hóa chất, dệt may, công nghệ thông tin, hoạt động chuyển phát.
Tuy nhiên, BSC cũng lưu ý nhà đầu tư cần thận trọng quan sát tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc cũng như những diễn biến tiếp theo xung quanh căng thẳng giữa Nga – Ukraine.
Nguồn: BSC