Các biện pháp trừng phạt Nga cạn kiệt, phương Tây ngấm nỗi đau kinh tế

Mỹ và đồng minh tiếp tục tăng sức ép biện pháp trừng phạt với Moskva vì xung đột Ukraine, nhưng hiệu quả chưa đạt kỳ vọng. Giá trị đồng rúp tăng trở lại, dầu vẫn chảy, trong khi đó, nội bộ các nước đồng minh xuất hiện sự khác biệt.

Mới đây, Washingon và các cường quốc phương Tây tiếp tục tung ra các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga để đáp lại những hình ảnh kinh hoàng về những người Ukraine bị hành quyết ở thành phố Bucha. Tuy nhiên, dường như các lựa chọn dễ dàng nhất hiện đã cạn kiệt và giữa những đồng minh xuất hiện sự khác biệt trong việc quyết định bước đi tiếp theo.

Liên minh châu Âu (EU) ngày 7/4 đã thông qua lệnh cấm nhập khẩu than đá của Nga, cũng như cấm các tàu, thuyền của Nga cập bến các cảng của liên minh này. Hiện 45% nhu cầu than đá của các nước thành viên EU là nhập khẩu từ Nga, tương đương 4 tỷ euro mỗi năm. Đây là vòng trừng phạt thứ 5 của EU, nhưng là lần đầu tiên đánh vào lĩnh vực năng lượng mà họ hiện phụ thuộc vào Nga. Do trong khối có những nước phụ thuộc vào năng lượng Nga hơn các nước khác, do đó, quyết định cấm nhập khẩu than đã gây ra chia rẽ trong khối.

Đồng thời, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Sberbank, ngân hàng nắm giữ khoảng 1/3 tổng tài sản ngân hàng của Nga và Alfabank, thể chế tài chính lớn thứ 4 của Nga. Cùng ngày, Anh thông báo đóng băng tài sản của Sberbank. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 6/4 ký sắc lệnh hành chính cấm công dân Mỹ đầu tư mới ở Nga và cấm Moscow thanh toán nợ bằng tiền trong các ngân hàng của Mỹ. Gia đìng tổng thống ông Putin, vợ và con gái Ngoại trưởng Sergei Lavrov, cũng như nhiều thành viên cấp cao của Hội đồng an ninh Nga đều bị đưa vào trong danh sách lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, bất chấp các biện pháp trừng phạt trên, đồng rúp vẫn tăng lên mức cao nhất trong 6 tuần vào ngày 6/4. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ vẫn có lỗ hổng cho phép Nga tiếp tục nhận được doanh thu từ hoạt động xuất khẩu năng lượng. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, nước này vẫn chưa thể áp dụng những hạn chế mạnh hơn đối với lĩnh vực năng lượng của Nga vì Liên minh châu Âu phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt Nga. 

Có thể thấy, Mỹ đang cố gắng thúc đẩy các đồng minh châu Âu gây áp lực mạnh hơn lên Nga song song với việc đảm bảo liên minh chống Moscow không bị chia rẽ nội bộ. Điều này được đánh giá là khó có thể cân bằng.  Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt EU tiêu thụ và chiếm khoảng 1/3 lượng dầu nhập khẩu của khu vực này.

Lithuania cuối tuần trước cũng tuyên bố sẽ ngừng nhập khẩu khí đốt và chấm dứt “mối quan hệ năng lượng với Nga”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Áo Magnus Brunner ngay lập tức lên tiếng phản đối với lập luận những lệnh trừng phạt khiến nền kinh tế nước Áo tổn thương lớn hơn Nga.

Theo Clayton Allen, giám đốc tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã đạt đến giới hạn và khiến EU bị suy yếu.

“Liên minh hai bờ Đại Tây Dương đã chạm tới giới hạn về những gì có thể dễ dàng và nhanh chóng thực hiện để gây áp lực với Nga. Một khi bị suy yếu về kinh tế, EU sẽ không thể giúp đỡ được ai.”

Exit mobile version