Các dự án năng lượng tái tạo vào tầm ngắm của Kiểm toán Nhà nước

Các dự án năng lượng tái tạo vào tầm ngắm của Kiểm toán Nhà nước

Bộ Công Thương đã đề nghị các địa phương phối hợp, cung cấp thông tin về các dự án năng lượng tái tạo trong giai đoạn từ năm 2015 đến 3/2021.

Các dự án năng lượng tái tạo rơi vào tầm ngắm

Đề nghị này của Bộ Công Thương là theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước. Các địa phương được yêu cầu phối hợp cung cấp thông tin về danh mục các dự án năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện rác, điện sinh khối, điện mặt trời, thủy điện vừa và nhỏ (công suất từ 50 MW trở xuống) trong giai đoạn 2015 – 3/2021.

Kiểm toán Nhà nước ngày 8/3 đã có Văn bản số 277 quyết định Kiểm toán chuyên đề đánh giá hiệu quả của chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường cho phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo theo Quyết định số 2068 ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về lĩnh vực kiểm toán chuyên đề năm 2022, Kiểm toán Nhà nước cho biết theo dự kiến sẽ lựa chọn 25 cuộc kiểm toán chuyên đề. Trong đó, “tầm ngắm” là phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, quy hoạch phát triển điện lực…

Liên quan đến phát triển dự án năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương lập 3 đoàn kiểm tra để rà soát, giám sát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà trong thời gian từ ngày 1/4 đến 10/4.

Một số vấn đề về kiểm toán 2021

Kiểm toán Nhà nước hồi tháng 10/2021 đã gửi báo cáo về kết quả kiểm toán năm 2021 tới Quốc hội và cho biết luôn quan tâm thực hiện trọng tâm kiểm toán các vấn đề nổi cộm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhạy cảm, được dư luận xã hội quan tâm.

Cùng với đó, đơn vị này nêu rõ về việc Bộ Công Thương và 3 tỉnh (Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum) thực hiện lập, ban hành quy hoạch và quản lý, vận hành các dự án thủy điện trên lưu vực sông Mê Công chưa chặt chẽ. Điều này gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, môi trường, đời sống người dân vùng hạ du cũng như việc vận hành của các thủy điện khác.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc quy hoạch không đồng bộ, không mang tính tổng thể, không xem xét lập quy hoạch cho cả giai đoạn mà thay vào đó bổ sung quy hoạch riêng lẻ nhiều lần theo đề xuất của UBND tỉnh và nhà đầu tư; chưa giám sát việc giao đất cho các dự án thủy điện, trồng rừng thay thế; không xem xét đầy đủ, toàn diện các tác động của dự án tới môi trường trong công tác thẩm định, phê duyệt hồ sơ môi trường ; chưa giám sát chặt chẽ các thủy điện, còn nhiều bất cập…

Mới đây, sau đợt kiểm tra đợt 1, Bộ Công Thương đã đưa ra kết luận về việc rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà, chỉ ra hàng loạt vi phạm trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, Bộ Công Thương thừa nhận rằng, thời gian qua, việc phát triển điện mặt trời còn tồn tại một số bất cập. Trong đó, phần lớn nhà đầu tư trong lĩnh vực điện mặt trời mái nhà mới được thành lập hoặc đó là các doanh nghiệp tư nhân, chưa có kinh nghiệm đầu tư nhiều.

Dẫn đến, một số chủ đầu tư chưa thực hiện tốt các quy định về xây dựng, phòng cháy chữa cháy, đất đai, môi trường… trong quá trình chuẩn bị, triển khai đầu tư xây dựng, nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Thay vào đó, họ chủ yếu tập trung, quan tâm đến việc đấu nối ngành điện lực, hoàn thành lắp đặt thiết bị điện và xác nhận ngày vận hành.

Exit mobile version