Giá dầu bị đẩy cao vì căng thẳng Nga – Ukraine và cách các nước kìm giá xăng dầu

Giá xăng vừa tăng vừa giảm, tiến sát 21.500 đồng/lít

Trước việc giá xăng dầu bị đẩy lên cao trong bối cảnh căng thẳng Nga – Ukraine, nhiều nước đang tìm mọi cách để kìm giá loại nguyên liệu này, trong đó có Việt Nam

Giảm thuế, phí để kìm giá xăng dầu

Trong vòng 2 năm qua, giá xăng tại Mỹ đã tăng gấp đôi, đạt mức cao nhất 13 năm gần đây. Tại nhiều bang ở Mỹ, giá xăng dầu tăng trung bình ở mức 4 USD/gallon (3,78 lít). Điều này đã ảnh hưởng tới phần đông người dân của quốc gia này.

Nhiều tài xế ở Mỹ cho hay đã phải bù nhiều khoản khác vào xăng. Trong khi đó, khách thì ít đi, chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng. Họ lo ngại tình trạng này kéo dài sẽ khiến mình rơi vào cảnh thất nghiệp.

Ông Joe Biden – Tổng thống Mỹ nhiều lần tuyên bố rằng sẽ tìm mọi cách để giảm giá xăng. Các động thái cụ thể đã thực hiện như xả kho dự trữ quốc gia hay tìm thêm nguồn cung mới… Tuy nhiên, giá xăng hiện tại vẫn chưa thể hạ nhiệt.

Trong khi đó tại Hà Lan, Bộ trưởng Việc làm và các vấn đề xã hội Hà Lan – ông Karien Van Gennip cho biết, Chính phủ Hà Lan đã giảm thuế VAT với năng lượng từ 12% xuống còn 9%. Ngoài ra, mức thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu cũng đã giảm 21%.

Ngoài giảm giá các loại thuế phí, Hà Lan mới đây có thông báo về việc sẽ tăng khoản trợ cấp năng lượng một lần cho các gia đình có thu nhập thấp từ 200 euro lên 800 euro. Phần hỗ trợ này nằm trong gói hỗ trợ trị giá 2,8 tỷ euro (hơn 3 tỷ USD) của nước này để ứng phó với tình trạng giá nhiên liệu và lạm phát tăng.

Theo tính toán của Hà Lan, lạm phát nước này có thể tăng 5,2% trong năm nay do giá năng lượng tăng.

Theo nguồn tin Yonhap dẫn từ Tổng công ty dầu khí Hàn Quốc (KNOC), hôm 10/3, giá xăng bình quân tại nước này tăng lên mức 1.904,35 won/lít.

Hàn Quốc trước đó đã giảm thuế – phí với xăng dầu. Cụ thể, thuế với xăng, dầu diesel và khí hoá lỏng (LPG) được giảm 20% trong thời gian 6 tháng (hết tháng 4/2022). Cụ thể, thuế đối với xăng giảm từ 820 won xuống còn 656 won/lít. Thuế đối với dầu diesel giảm từ 582 won xuống 466 won.

Tiuy nhiên, giá xăng dầu tiếp tục tăng. Để kìm giá loại nhiên liệu này, Chính phủ Hàn Quốc đã gia hạn giảm thuế 20% với xăng dầu thêm 3 tháng, tức là tới cuối tháng 7. Về việc xăng dầu có khả năng tiếp tục tăng giá, nước này đang bỏ ngỏ mức giảm thuế.

Tại Thái Lan, để giảm mức ảnh hưởng của giá dầu, Chính phủ nước này đã quyết định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với dầu diesel về mức 3 baht/lít (giảm khoảng 50%) trong 3 tháng. Theo ước tính của Thái Lan, quyết định này khiến doanh thu thuế giảm 17 tỷ baht.

Ngoài ra, để bình ổn mặt hàng này, Chính phủ Thái Lan còn sử dụng Quỹ Dầu. Hiện giá của nó ở mức 30 Baht/lít.

Một số những quốc gia như Bồ Đào Nha, Anh, Canada cũng đang tính phương án giảm thuế VAT hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu nhằm hạ nhiệt giá năng lượng. Chính phủ Anh đang xem xét về việc hạ thuế VAT xuống 15% với xăng, dầu.

Động thái kìm giá xăng dầu tại Việt Nam

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Nga hiện là nước sản xuất dầu lớn thứ ba và xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Trong tháng 12/2021, xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm từ dầu của Nga đã chạm mức 7,8 triệu thùng/ngày.

Bởi vậy, kể từ khi Nga – Ukraine xảy ra xung đột, giá dầu thô đã tăng liên tục, gây ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu trên thế giới. Đặc biệt là khi Mỹ tuyên bố cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga. EU và một số quốc gia cũng đã có kế hoạch giảm phụ thuộc nguồn nhiên liệu này vào Nga.

Việc giá dầu tăng cao khiến cho các nước châu Á chịu tổn thương. Trong đó Việt Nam không tránh khỏi tác động. Thị trường xăng dầu của Việt Nam vừa trải qua 7 lần tăng liên tiếp. Giá xăng đã sát mốc 30.000 đồng/lít. Người dân cũng như doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn.

Trước tình hình giá xăng dầu, Bộ Tài chính đã có đề xuất về việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Theo đó, mức giảm là một nửa so với hiện hành. Mỗi lít xăng được giảm 2.000 đồng và dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn được giảm 1.000 đồng/lít, mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg, dầu hỏa 700 đồng/lít.

Bộ trưởng Tài chính sẽ thừa uỷ quyền Thủ tướng, ký tờ trình báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến cơ quan thường trực của Quốc hội sẽ cho ý kiến, thông qua theo quy trình một phiên họp.

Chính phủ sẽ trình Dự thảo nghị quyết về giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đến hết năm 2022 với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 14/3.

Exit mobile version