Trong vòng 48 giờ, các thành viên OPEC khác là Iraq, Algeria, Kuwait, Equatorial Guinea và Venezuela đã đưa ra các tuyên bố bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định của Saudi Arabia.
Các thành viên OPEC khác đã lên tiếng ủng hộ sau khi Saudi Arabia cho biết có thể cần phải hành động để ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Ngày 22/8, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman nói rằng sự biến động “cực độ” và thị trường dầu tương lai và thị trường dầu vật chất đang bị “mất kết nối”, có thể yêu cầu OPEC + cắt giảm sản lượng vào cuộc họp vào tháng tới để xem xét các mục tiêu sản xuất.
“Với cơ chế hiện tại, OPEC+ có sự cam kết, linh hoạt và công cụ để giải quyết mọi thách thức, kể cả là giảm sản xuất bất kỳ lúc nào”, Hoàng tử Salman cho biết thêm.
Saudi Arabia, nhà sản xuất dầu lớn nhất trong OPEC +, được cho là người đóng vai trò quan trọng nhất trong liên minh 23 quốc gia sản xuất dầu mỏ. Trong vòng 48 giờ kể từ sau phát biểu của Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi Abdulaziz bin Salman, các quốc gia thành viên khác là Iraq, Algeria, Kuwait, Equatorial Guinea và Venezuela đã đưa ra các tuyên bố bày tỏ sự ủng hộ.
Các nhà kinh doanh dầu thô đã rất ngạc nhiên trước sự thay đổi thái độ của Saudi Arabia. Quốc gia này đã phải chịu áp lực từ Mỹ trước đó, với việc Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu Saudi Arabia tăng sản lượng để giúp kiểm soát giá dầu. Ông Biden kỳ vọng về hành động của Saudi Arabia kể từ chuyến thăm của ông vào tháng trước, nhưng Riyadh và các thành viên OPEC khác chỉ bổ sung thêm 100.000 thùng / ngày.
Trước động thái tăng nguồn cung khiêm tốn của tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ, chuyên gia dự đoán chính phủ Mỹ sẽ phải tìm kiếm các giải pháp thay thế trong thời gian tới khi không thể phụ thuộc vào Trung Đông.
Hiện tại, việc Mỹ và Iran thúc đẩy việc hàn gắn thỏa thuận hạt nhân cũng gây sức ép lên giá dầu. Nếu hai nước này đàm phán thành công, nguồn cung dầu cho thị trường sẽ được tăng thêm khoảng gần 1 triệu thùng dầu/ngày, và giá các sản phẩm năng lượng nhiều khả năng sẽ giảm sau đó.
Sản lượng của OPEC+ hiện vẫn thấp hơn 2,9 triệu thùng/ngày so với ngưỡng mục tiêu. Do đó, bất cứ quyết định sản lượng nào cũng có tác động lớn tới thị trường dầu mỏ toàn cầu. Giá dầu thế giới đã tăng mạnh trong năm nay, có lúc giá dầu Brent đạt 139 USD/thùng vào tháng 3, mức cao nhất 14 năm, do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine.